Báo Công An Đà Nẵng

Iran và Mỹ đang lao vào "trò chơi nguy hiểm"

Thứ hai, 07/10/2019 11:00

Các “diễn viên quốc tế”, đặc biệt là ở Châu Âu, đang nỗ lực giảm căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Nhưng tình hình ngày càng khó khăn và nó có thể trở nên tồi tệ hơn - có khả năng dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Iran - trước khi mọi việc có thể giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Khi Mỹ và Iran đối mặt ở Vùng Vịnh, xung đột bất đối xứng của họ có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát. Trừ khi phần còn lại của thế giới cùng tham gia, “trò chơi nguy hiểm” mà cả hai nước đang lao vào có thể kết thúc bằng cuộc đối đầu trực tiếp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani chưa có cuộc gặp thượng đỉnh nào kể từ khi hai nước bùng nổ căng thẳng.

Iran kiện Mỹ vì các vụ tấn công mạng

Ngày 6-10, ông Reza Jalali - người đứng đầu Tổ chức Phòng thủ Dân sự Iran cho biết, Tehran đang triển khai các hành động pháp lý chống lại Mỹ vì “những vụ tấn công và những mối đe dọa trên không gian mạng” mà Washington nhằm vào Iran.

Phát biểu với hãng thông tấn Tasnim, ông Jalali cho hay, Washington gây ra những mối đe dọa trên không gian mạng và triển khai các cuộc tấn công mạng nhằm vào Tehran trong một vài lần, nhưng không cung cấp thêm thông tin cụ thể. Ông Jalali nhấn mạnh, Mỹ phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với các động thái chống Iran. Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao của quốc gia Trung Đông này đang theo dõi sát sao những vụ việc đó.

“Ăn miếng trả miếng”

Vòng xoáy xung đột chuyển động vào tháng 5- 2018, khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 với Iran - còn gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) - và khôi phục các lệnh trừng phạt. Kể từ đó, Washington tăng cường các lệnh trừng phạt nhiều lần, đặc biệt nhằm vào mạng lưới tài chính và ngành kinh tế chủ lực của Iran là xuất khẩu dầu mỏ, khiến nền kinh tế quốc gia Hồi giáo rơi vào suy thoái.

Vì không có khả năng đáp trả bằng hiện vật với Mỹ, nên Iran phải sáng tạo. Để bắt đầu, Tehran đã gây áp lực lên các đồng minh Châu Âu của Mỹ - bao gồm cả Pháp, Đức và Anh, cũng như toàn Liên minh Châu Âu (EU). Iran cho rằng, tất cả các nước này nên bước vào “cuộc chiến” này để đảm bảo lợi ích mà họ đáng lẽ phải có được theo JCPOA. Đồng thời, quốc gia này cũng giảm việc tuân thủ một số cam kết JCPOA  - chẳng hạn như, vượt quá giới hạn đã thỏa thuận để làm giàu hạt nhân và tiếp tục nghiên cứu về máy ly tâm tiên tiến.

Trong khi chính quyền Tổng thống Donald Trump, dường như không thể hiểu được mối nguy hiểm này, EU lại rất lo lắng. Hơn nữa, Iran đang sử dụng chiến tranh bất đối xứng ở Vùng Vịnh và Bán đảo Arab. Trong những tháng gần đây, Tehran bị cáo buộc bắt giữ nhiều tàu chở dầu nước ngoài, và bắn hạ một máy bay không người lái giám sát của quân đội Mỹ trên eo biển Hormuz - một tuyến đường biển quan trọng cho các chuyến hàng chở dầu - và dường như chịu trách nhiệm cho một loạt các hành động phá hoại trên các tàu gần đó. Các cuộc tấn công của phiến quân Houthi do Yemen hậu thuẫn vào các cơ sở khai thác dầu của Saudi cũng được cho là do Iran đứng sau.

Không rõ thực hư các cáo buộc này như thế nào. Nhưng vấn đề là nó phù hợp với tuyên bố của Tổng thống Iran Hassan Rouhani năm 2018, trong đó nhấn mạnh, nếu Iran bị cấm bán dầu, thì dầu sẽ không được xuất khẩu từ Vùng Vịnh.

Chiến thuật của các bên

Iran cho đến nay đã có thể biến sự bất đối xứng của sức mạnh tuyệt đối thành một lợi thế chiến thuật. Mỹ có quân đội vượt trội hơn Iran. Nhưng ông Trump không muốn dẫn dắt Mỹ vào một cuộc chiến khác ở Trung Đông, đặc biệt không phải là cuộc chiến đòi hỏi ông phải triển khai hàng chục ngàn binh sĩ.

Hơn nữa, trong khi các lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra tác hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Iran, họ cho đến nay cũng chưa có lựa chọn nào cho các biện pháp tiếp theo. Bằng cách chơi một ván bài mạnh như vậy, chính quyền ông Trump có thể đã làm tốt, phá hủy đòn bẩy của chính mình và động lực quan trọng để Iran đáp ứng các cam kết JCPOA. Nhưng Mỹ đã làm tăng nguy cơ vi phạm của Iran, khiến nước này tiến gần hơn đến việc phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, vị thế của Iran không đặc biệt mạnh. Giống như Washington đã làm cạn kiệt tiềm năng của các lệnh trừng phạt, Iran có thể đã làm cạn kiệt sự kiên nhẫn của Mỹ đối với các chiến thuật bất đối xứng. Ngay sau cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia, ông Trump đã bóng gió về hành động quân sự. Nhưng khả năng thực tế của hành động quân sự vẫn còn quá xa vời.

Khi Mỹ và Iran đã chơi tất cả các ván bài của họ trong trò chơi hiện tại, một “trò chơi nguy hiểm” hơn có thể sẽ bắt đầu. Điều đó không nhất thiết phải có nghĩa là chiến tranh động học mở. Nhưng các bên thứ ba như Saudi Arabia và Israel có thể mở các cuộc tấn công bất đối xứng của riêng họ và chính Mỹ có thể chuyển sang chiến tranh bất đối xứng. Tất cả “các diễn viên” này đã chơi trò chơi này trước đây, mặc dù không ở quy mô lớn. Nhận thấy sự nguy hiểm của việc leo thang căng thẳng như thế này, các bên ký kết JCPOA ở Châu Âu và các tác nhân khu vực như Các Tiểu vương quốc Aran Thống nhất (UAE) đã đề xuất các bước để xoa dịu xung đột. Trước hết và trên hết, đó là các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Iran và Mỹ, mà Châu Âu dường như đang nỗ lực để biến chúng thành sự thật.

Các bên ký kết JCPOA còn lại gồm: Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, Anh cùng EU - muốn cứu vãn những gì họ có thể có trong thỏa thuận năm 2015, như một cuộc họp tại Vienna vào tháng 7 về chủ đề này. Nhưng một giải pháp ngoại giao cho những căng thẳng giữa Iran và Mỹ cũng sẽ đòi hỏi sự tham gia của các nước láng giềng Iran. Các ý tưởng khác để giảm căng thẳng cũng nằm trên bàn đàm phán. Ví dụ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề xuất mở rộng hạn mức tín dụng 15 tỷ USD cho Iran, điều này sẽ giúp bù đắp khoản lỗ do các lệnh trừng phạt gây ra bởi các khoản thu từ dầu mỏ của Tehran. Nhiều kế hoạch đàm phán về an ninh khu vực cũng đã được đưa ra.

Những nỗ lực như vậy đem lại nhiều hy vọng. Nhưng tình hình ngày càng khó khăn và có thể trở nên tồi tệ hơn - có khả năng dẫn đến một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Iran - trước khi mọi việc có thể giải quyết bằng con đường ngoại giao.

KHẢ ANH