Báo Công An Đà Nẵng

Iraq báo động khủng hoảng nhân đạo

Thứ sáu, 15/08/2014 11:49

(Cadn.com.vn) - Cuộc khủng hoảng ở Iraq đang tạo ra điểm nóng khủng hoảng nhân đạo mới sau những cái tên như Ukraine, Gaza, Nam Sudan hay Syria.

Từng bước tiến của nhóm chiến binh Hồi giáo IS đang nhấn chìm Iraq vào cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, buộc LHQ ngày 14-8 tuyên bố mức cảnh báo khẩn cấp cao nhất tại quốc gia Trung Đông này.

Theo LHQ, 1,2 triệu người Iraq phải di dời do khủng hoảng cho đến nay. BBC dẫn lời giới chức người Kurd ở tỉnh Dohuk cho biết, khoảng 150.000 người đang tị nạn ở đây, áp đảo số người dân địa phương vốn đang nỗ lực để cưu mang “người mới”.

Hàng triệu người Iraq phải di tản kể từ khi bắt đầu cuộc chiến với IS. Ảnh: Reuters

TỪ NGHÈO ĐÓI ĐẾN ĐÓI NGHÈO

Hàng ngàn người đổ xô qua cây cầu biên giới để vào các trại tị nạn thuộc khu vực của người Kurd ở Iraq sau khi đi bộ qua nước láng giềng Syria. Hầu hết không có gì ngoài quần áo trên lưng.

Một số phụ nữ mang theo trẻ em. Bọn trẻ đều đã kiệt sức, khóc lóc dù đã đến được nơi tương đối an toàn. Hàng ngàn người khác không may mắn như thế. Họ vẫn bị mắc kẹt trên núi Sinjar. “Cha tôi 70 tuổi nên không thể thực hiện cuộc hành trình này”, Mahmud Bakr, 45 tuổi nói với AFP khi ông vượt qua biên giới Syria trở lại Iraq. “Chúng tôi bị bao vây 10 ngày trên núi. Cả thế giới đang nói về chúng tôi nhưng chúng tôi không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ thực sự nào”, Khodr Hussein nói.

Khi cộng đồng quốc tế kịch liệt phản đối cuộc chiến vô nhân đạo của IS khiến hàng chục ngàn người, phần lớn từ các nhóm tôn giáo thiểu số, bị bao vây trên núi, các nước phương Tây cam kết đẩy mạnh giúp đỡ những người vẫn còn bị mắc kẹt và LHQ tuyên bố tình trạng khẩn cấp mức 3, cho phép họ tăng tốc độ phản ứng ở Iraq. Tuy nhiên, quân đội Mỹ - sau khi thực hiện nhiệm vụ ngắn gọn đến khảo sát khu vực này nhằm đánh giá tình hình - tuyên bố, có thể sẽ không thực hiện sứ mệnh giải cứu ở đây. Theo Lầu Năm Góc, số người bị cô lập trên núi này ít hơn so với dự tính và họ cũng có điều kiện sống tương đối hơn. Đổi lại, Washington khẳng định sẽ tiếp tục ưu tiên cung cấp viện trợ nhân đạo ở khu vực này.

Trong khi đó, Anh cam kết tham gia vào nhiệm vụ giải cứu người tị nạn trên núi Sinjar nếu Mỹ đứng đầu. Australia cũng thực hiện nhiệm vụ thả thực phẩm cứu trợ đầu tiên ở Iraq. Canberra thể hiện quyết tâm ủng hộ Washington trong sứ mệnh này khi Thủ tướng Australia Tony Abbott hôm 14-8 bất ngờ đến thăm các binh sĩ làm nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo Iraq tại căn cứ không quân Al Minhad ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

HỐI THÚC IRAQ LẬP CHÍNH PHỦ MỚI

Tình trạng báo động ở núi Sinjar đang cần lắm một phương án giải quyết đa phương dưới sự phối hợp của chính phủ Iraq. Nhưng vấn đề đặt ra là “chuyện ở Baghdad” còn rối ren hơn. Thủ tướng Al-Malaki hiện vẫn kiên quyết không từ chức trong khi Thủ tướng được chỉ định Haider al-Abadi vẫn bị “bế quan tỏa cảng”.

Washington ngày 14-8 thúc giục ông Abadi nhanh chóng thành lập chính phủ mở rộng có thể đoàn kết người dân Iraq trong cuộc chiến chống IS, hiện đang chiếm giữ nhiều khu vực rộng lớn ở tây bắc. LHQ, vốn tuyên bố cảm thấy khích lệ trước việc ông Abadi được đề cử làm Thủ tướng, cũng kêu gọi Baghdad nhanh chóng lập chính phủ mới, đại diện cho tất cả các thành phần trong xã hội Iraq. Lầu Năm Góc khẳng định sự ủng hộ dành cho ông Abadi khi tiếp tục không kích dữ dội vào các mục tiêu IS ở phía bắc. Washington cũng khẳng định sẽ sớm gửi vũ khí cho người Kurd và Pháp cũng làm theo.

Mỹ sau đó đề nghị các nước Châu Âu cung cấp vũ khí và đạn dược cho các lực lượng người Kurd, động thái báo hiệu sự mở rộng vai trò của quốc tế trong cuộc xung đột này.

Khả Anh