Báo Công An Đà Nẵng

Iraq bên bờ vực thẳm

Thứ năm, 12/06/2014 13:00

(Cadn.com.vn) - Iraq rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng khi các chiến binh chiếm thành phố lớn thứ hai Mosul và nhiều khu vực lân cận khác - một sự sụp đổ làm dấy lên những câu hỏi về khả năng nắm quyền của Thủ tướng Nuri al-Maliki và tương lai nước nhà.

Một ngày sau khi thành phố phía bắc của Iraq bị thất thủ, các chiến binh của nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo của Iraq và Syria (ISIS) ngày 11-6 tuyên bố nắm quyền kiểm soát hoàn toàn Mosul, triển khai lực lượng tuần tra trên các đường phố và kêu gọi nhân viên trở lại làm việc.

Ngay sau khi kiểm soát Mosul, ISIS đã tấn công và kiểm soát một số khu vực của thành phố Tikrit - quê hương của cựu Thủ tướng Saddam Hussein, nằm cách Baghdad 150 km về phía bắc. Trong khi đó, lực lượng thánh chiến Hồi giáo cùng ngày đã hành quyết 15 nhân viên an ninh Iraq ở các khu vực thuộc tỉnh Kirkuk. Số nhân viên này đã bị phiến quân bắt giữ trước đó một ngày.

ISIS - là một nhánh của Al-Qaeda - vốn hiện đang kiểm soát phần lãnh thổ đáng kể ở miền đông Syria cũng như ở miền tây và trung Iraq, trong chiến dịch thiết lập vùng đất chiến binh trải dài khắp biên giới.

Người dân đang tháo chạy khỏi Mosul. Ảnh: AP

MOSUL HOÀN TOÀN THẤT THỦ

Người dân Mosul cho biết, cờ của ISIS đã bay phất phới trên nóc các tòa nhà chính quyền. Các chiến binh cũng tuyên bố trên loa phóng thanh, họ đến để “giải phóng” thành phố.

“Tôi nhìn thấy những người được vũ trang, nhưng không phải quân đội Iraq”, người dân tên Firas al-Maslawi chia sẻ với CNN. “Không có sự hiện diện của bất kỳ lực lượng chính phủ nào trên đường phố, phần lớn các chốt kiểm soát quân đội đã bị các chiến binh phá hủy”, người này cho biết thêm. Trong khi đó, nhân viên chính phủ Umm Karam lo sợ nói với BBC, “Tình hình rất hỗn loạn và không có ai giúp chúng tôi”. Ngoài Mosul, ISIS chiếm 2 khu vực ở tỉnh Salaheddin, sau khi giành quyền kiểm soát toàn bộ tỉnh Nineveh và một số khu vực ở tỉnh Kirkuk. ISIS cũng tuyên bố đã nắm quyền kiểm soát Baiji, nhà máy lọc dầu lớn nhất  Iraq.

Trước tình hình nước sôi lửa bỏng này, Thủ tướng Maliki bước đầu tuyên bố sẽ cung cấp vũ khí và trang thiết bị cho những công dân tình nguyện chiến đấu chống ISIS. Chính phủ cũng quyết định “tái cơ cấu và tái tổ chức” lực lượng an ninh và yêu cầu Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp – vốn có thể mở rộng quyền hạn cho phép bắt giữ, áp đặt lệnh giới nghiêm và lệnh “tổng động viên”. Mỹ cũng cảnh báo, ISIS là mối đe dọa đối với toàn bộ khu vực, đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc về “tình hình nghiêm trọng” ở Iraq. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng “hết sức quan ngại” trước tình hình ở Mosul đồng thời khẳng định, Phái bộ hỗ trợ Iraq của LHQ sẵn sàng ủng hộ những nỗ lực của chính phủ Thủ tướng Maliki.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, với tất cả những gì đã xảy ra ở Syria, dường như phương Tây không muốn tham gia vào vũng lầy ở Trung Đông.

THÁO CHẠY KHỎI MOSUL

Trong tâm trạng lo lắng tột độ, ít nhất 500.000 người dân đang tháo chạy khỏi Mosul, BBC dẫn báo cáo của Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM) hôm 11-6 cho biết.

Các binh sĩ quân đội cũng nằm trong số những người di tản. Theo các nguồn tin, các lực lượng quân đội ném vũ khí, thay quần áo và rời thành phố. Lực lượng an ninh Iraq dường như không có gì để chiến đấu chống lại các chiến binh ISIS. Hàng chục ngàn người tị nạn đang hướng đến 3 thị trấn ở vùng tự trị Kurdistan gần đó, nơi nhà chức trách thiết lập các trại tị nạn tạm thời. Thủ tướng vùng Kurdistan Nechirvan Barzani ra tuyên bố kêu gọi các cơ quan tị nạn LHQ giúp đỡ.

Bạo lực chính trị và phe phái tàn phá Iraq - quốc gia mới thoát nạn chiến tranh - trong nhiều tháng qua, thường là những cuộc chiến của người Sunni thiểu số chống lại đa số người Hồi giáo dòng Shiite, vốn đã nắm quyền thống trị sau khi nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein bị lật đổ vào năm 2003. Ít nhất 800 người, trong đó có 603 dân thường thiệt mạng ở Iraq chỉ tính riêng trong tháng 5 vừa qua, chủ yếu do xung đột ở tỉnh Anbar. Xung đột sắc tộc gia tăng là cơ hội để ISIS mở rộng tầm ảnh hưởng. Vụ việc ở Mosul - một thành phố của người Sunni với dân số khoảng 1,6 triệu - là đòn giáng mạnh vào chính quyền trung ương, vốn đang nỗ lực chống chọi quân nổi dậy ở tỉnh Anbar.

Vì sao ông Maliki để mất Mosul vào tay các chiến binh; liệu thành phố nào tiếp theo sẽ vào tay các chiến binh, Iraq có rơi vào nội chiến... là những câu hỏi khiến người dân Iraq lo lắng cực độ. Và Baghdad cần câu trả lời sớm.

Khả Anh