Báo Công An Đà Nẵng

Iraq khốn đốn khi người Kurd đòi độc lập

Thứ ba, 26/09/2017 09:43

Ngày 25-9, người Kurd ở Iraq đi bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập bất chấp phản đối quyết liệt của chính quyền Baghdad và các quốc gia láng giềng và những lo ngại trong khu vực và quốc tế về nguy cơ cuộc bỏ phiếu sẽ làm gia tăng bất ổn và tình trạng bạo lực trên khắp Trung Đông.

Người Kurd ở Iraq xuống đường đòi độc lập.    Ảnh: Reuters

Các điểm bỏ phiếu mở cửa lúc 8 giờ (12 giờ Hà Nội) để đón 5,3 triệu cử tri người Kurd ở Iraq đến tham gia cuộc trưng cầu ý dân về độc lập mang tính lịch sử này.

Chính quyền Khu tự trị người Kurd (KRG) nhấn mạnh, đây là thời khắc lịch sử của họ.

 “Tạm biệt” Iraq

Theo AFP, cuộc bỏ phiếu, theo sáng kiến của nhà lãnh đạo khu vực người Kurd Massud Barzani, được tổ chức trên khắp 3 tỉnh miền bắc của khu tự trị của người Kurd ở Iraq là Arbil, Sulaimaniyah và Dohuk, cũng như các khu vực giáp giới có tranh chấp, như tỉnh Kirkuk giàu dầu lửa.

Cờ của người Kurd được trang trí trên tất cả các đường phố, trên ô-tô và các tòa nhà. “Cuộc trưng cầu dân ý không phải là để xác định biên giới hay áp đặt một hành động sai lầm. Chúng tôi muốn có một cuộc đối thoại với chính quyền Baghdad để giải quyết các vấn đề và cuộc đối thoại có thể kéo dài 1 hoặc 2 năm”, lãnh đạo khu vực người Kurd Massud Barzani nói với các cử tri.

Kết quả kiểm phiếu cuối cùng sẽ được thông báo trong vòng 72 giờ. Trong khi đó, kết quả dự kiến ban đầu sẽ được công bố 24 giờ sau cuộc bỏ phiếu. Tuy nhiên, theo giới quan sát, tỷ lệ cử tri đồng ý sẽ áp đảo số người không đồng ý.

Baghdad và các nước phản đối quyết liệt

Cuộc bỏ phiếu liên quan đến “giấc mơ độc lập” của người Kurd không chỉ khiến chính quyền Baghdad, mà cả nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và Iran nổi giận. Các nước lo ngại, động thái này có thể kích động những khát vọng ly khai của các dân tộc thiểu số người Kurd.

Cả chính phủ Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ lo ngại, nó sẽ làm suy yếu sự toàn vẹn lãnh thổ Iraq và gây bất ổn khu vực. Chính phủ Iraq đã cảnh báo về “các biện pháp” để bảo vệ sự thống nhất quốc gia và đe dọa sẽ lấy đi nguồn thu nhập từ dầu mỏ của người Kurd. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi nói rằng, việc người Kurd đưa ra quyết định đơn phương như thế này đã ảnh hưởng đến an ninh của cả quốc gia và khu vực, vì đây là hành động “vi hiến và chống lại hòa bình dân sự”.

Ankara cũng vào cuộc, tuyên bố nước này sẽ thực hiện “tất cả các biện pháp” trong khuôn khổ luật quốc tế nếu như cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của người Kurd tại Iraq đe dọa an ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Ngoại giao nước này khẳng định, Ankara không công nhận cuộc trưng cầu dân ý của người Kurd và coi kết quả cuộc bỏ phiếu này là không có giá trị, đồng thời nhấn mạnh người Kurd ở Iraq đang đe dọa tới hòa bình và ổn định của Iraq cũng như toàn bộ khu vực. Bộ trên còn đưa ra cảnh báo về khả năng “các thành phần cực đoan và khủng bố” sẽ thực hiện những hành động phá hoại an ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, như một hậu quả của cuộc trưng cầu dân ý này.

Iran cũng gia tăng áp lực khi tuyên bố chặn tất cả các chuyến bay đi và đến từ khu vực của người Kurd theo yêu cầu của Baghdad. Mỹ và nhiều nước phương Tây khác cũng mạnh mẽ phản đối cuộc trưng cầu dân ý này, nói rằng, nó sẽ cản trở cuộc chiến chống lại nhóm IS, trong đó sự hợp tác giữa Baghdad và người Kurd là chìa khóa quan trọng. Chính quyền Syria, hiện đang giành lại nhiều vùng lãnh thổ với sự hỗ trợ của quân đội Iran và Nga, cũng phản đối các bước đi do chính quyền người Kurd tại Syria tiến hành nhằm giành quyền tự trị tại miền Bắc quốc gia Trung Đông này kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra vào năm 2011.

KHẢ ANH