Báo Công An Đà Nẵng

Iraq rối ren

Thứ bảy, 24/12/2011 00:00

(Cadn.com.vn) - Hàng loạt vụ đánh bom nhấn chìm thủ đô Baghdad trong ngày 22-12 đã làm bùng phát cuộc xung đột sắc tộc ở Iraq.

Phó Tổng thống Tariq al-Hashemi, người đang bị chính quyền phát lệnh bắt giam, ngày 23-12 đã cáo buộc chính Thủ tướng Nouri Maliki là nhân tố gây ra làn sóng bạo lực bất ngờ này. Theo ông Hashemi, Thủ tướng Maliki nên tập trung vào vấn đề an ninh thay vì “theo đuổi các chính trị gia yêu nước”.

Những vụ tấn công đẫm máu gần đây ở Iraq
15-8. Ít nhất 60 người chết trong hàng loạt vụ đánh bom kết hợp ở nhiều thành phố.
27-10. 38 người chết, 78 người bị thương trong vụ đánh bom kép ở khu vực người Shiite ở Baghdad.
5-12. Ít nhất 30 người chết trong vụ tấn công nhằm vào người hành hương Shiite ở miền trung.

Ít nhất 72 người chết và hơn 185 người bị thương trong các vụ đánh bom trên làm dấy lên những mối lo ngại về cuộc xung đột giáo phái mới ở Iraq, chỉ vài ngày sau khi Mỹ rút toàn bộ quân đội ra khỏi nước này và sau một lệnh bắt giam nhằm vào phó Tổng thống người Sunni Hashemi của chính quyền Thủ tướng người Shiite Maliki. Ông Maliki là thành viên của nhóm đa số người Shiite trong khi ông Hashemi lại là một chính trị gia nổi bật của người Hồi giáo dòng Sunni. Hôm 19-12, một Ủy ban điều tra Iraq đã phát lệnh bắt giữ ông Hashemi do những cáo buộc liên quan đến khủng bố. Thủ tướng Maliki đã kêu gọi phó Tổng thống Hashemi nên tự “tra tay vào còng”, song ông Hashemi bác bỏ mọi cáo buộc.

Trong khi đó, cơ quan tình báo Mỹ cũng cảnh báo rằng, Iraq có thể chìm vào bạo lực sắc tộc nghiêm trọng. “Những động thái này cho thấy, Iraq đang rơi vào bất ổn”, Chủ tịch Ủy ban tình báo Trung ương Mike Rogers nói. Ông Rogers tin rằng, Mỹ đã phạm sai lầm khi rút toàn bộ binh sĩ ra khỏi Iraq bởi vì nước này chắc chắn tiếp tục chìm trong bạo lực nghiêm trọng hơn và đẫm máu hơn. Ông này cũng nhấn mạnh, công cụ duy nhất Washington có thể áp dụng với Baghdad hiện nay là gia tăng áp lực ngoại giao nhưng biện pháp này cũng khó khả thi một khi Mỹ không có quyền lực quân đội ở Iraq. “Biện pháp ngoại giao của Mỹ cũng đang dần yếu kém ở Iraq bởi vì các phe phái chính trị cấp quốc gia và địa phương luôn cho rằng, Washington đã bỏ rơi họ”, ông này nói thêm.

 Trung tâm thủ đô Baghdad biến thành mớ hỗn độn sau một vụ đánh bom. Ảnh: AP

Chính trường Baghdad những ngày qua cũng dậy sóng khi chính phủ liên minh đối mặt với những chia rẽ nội bộ, sau lệnh bắt giữ Phó Tổng thống Hashimi. Khối chính trị Iraqiya của người Hồi giáo Sunni cũng đã tuyên bố tẩy chay QUốC hội để phản đối Thủ tướng Maliki - động thái khiến thỏa thuận mong manh của Iraq có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, xung đột giáo phái mới luôn là bài toán nan giải ở Iraq, kể từ thời Mỹ chưa tham chiến, bắt đầu tham chiến cho đến khi họ rút toàn bộ quân đội ra khỏi chiến trường này. Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, ứng cử viên Tổng thống sáng giá của đảng Cộng hòa Mitt Romney đã công kích ông chủ Nhà Trắng Barack Obama khi nói rằng, tổng thống đã thất bại khi không có được chữ ký của phía Iraq theo đó cho phép một số lượng binh sĩ Mỹ ở lại nước này sau năm 2011 để ngăn chặn bạo lực sắc tộc. Tuy nhiên, theo AP, trách nhiệm thuộc về người tiền nhiệm G.W.Bush – người đã đồng ý thời hạn cuối cho việc rút quân ở Iraq là vào năm 2011 trong những tháng cuối cùng trên ghế tổng thống.

Đánh bom kép ở Syria
Ít nhất 30 người chết, chủ yếu là dân thường, 55 người khác bị thương trong vụ đánh bom kép liều chết nhằm vào các khu nhà an ninh và tình báo tại Damascus.
Theo Reuters, đây là vụ tấn công liều chết đầu tiên tại Syria kể từ khi bùng phát cuộc nổi dậy chống chế độ của Tổng thống Bashar Assad hồi tháng 3 và xảy ra chỉ một ngày sau khi một nhóm giám sát của Liên đoàn Arab (AL) đến nước này để thực hiện sứ mệnh tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại đây. Theo các kết quả điều tra ban đầu, Al-Qaeda đứng sau các vụ tấn công này.

T.V

NATO và Baghdad đã không đạt được một thỏa thuận về việc cho binh sĩ nước ngoài ở lại Iraq sau năm 2011 do Baghdad từ chối dành quyền miễn truy tố cho binh sĩ NATO. Trước tình hình bùng phát bạo lực như thế này, có nguồn tin cho rằng, Nhà Trắng sẽ tìm mọi cách để tổ chức huấn luyện cho lực lượng an ninh Iraq, có thể là thông qua các hợp đồng tư nhân. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng ngay lập tức gọi điện cho Tổng thống Iraq Jalal Talabani, kêu gọi ông này ủng hộ những nỗ lực làm giảm làn sóng bạo lực đang bùng phát ngay sau các vụ tấn công đẫm máu trên. Trong khi đó, giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), từng là tư lệnh Mỹ ở chiến trường này cũng vừa gặp gỡ một số lãnh đạo cấp cao Iraq bàn về tình hình an ninh cho nước này trước khi xảy ra những vụ đánh bom kinh hoàng trên.

Bạo lực tại Iraq những năm gần đây giảm mạnh so với thời kỳ đỉnh điểm của những cuộc tấn công tự sát hồi năm 2007-2008. Nhưng, căng thẳng giáo phái vẫn hiện diện trong đời sống chính trị Iraq và hàng loạt vụ đánh bom nhấn chìm thủ đô Baghdad vừa qua đã làm bùng phát cuộc xung đột sắc tộc ở quốc gia Hồi giáo này.

Trúc Linh