Báo Công An Đà Nẵng

Iraq - Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm liên minh

Thứ hai, 24/11/2014 10:10

(Cadn.com.vn) - Bố cục chính trị hiện nay cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq đang nỗ lực cải thiện quan hệ để cùng chống lại mối đe dọa chết người: nhóm chiến binh cực đoan mới nổi IS.

Với một chính phủ mới vừa được thành lập ở Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ phát động vòng đàm phán mới cùng với những chuyến thăm cấp cao đến Baghdad để cải thiện quan hệ với nước láng giềng Arab này. Mục đích của Ankara là quá rõ ràng: tìm tiếng nói chung trong cuộc chiến chống lại IS. Giới phân tích cho rằng, chuyến thăm của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đến Iraq là tín hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy, Ankara muốn mở trang mới trong quan hệ với Baghdad.

Giáo sư về quan hệ quốc tế Mehmet Seyfettin Erol người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế chiến lược của Ankara (USGAM) nhận định, bối cảnh chính trị hiện tại rõ ràng cho thấy, chính phủ mới của Iraq cũng có chính sách tương tự. Không dễ gì Iraq quyết định bãi bỏ yêu cầu thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu tháng 11.

Thủ tướng Iraq Abadi cũng lên kế hoạch đến Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian tới  để tham dự vào các cuộc họp Hội đồng hợp tác chiến lược cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ-Iraq. Các cuộc họp của Hội đồng, thường được tổ chức mỗi năm một lần trên cơ sở luân phiên, vốn không diễn ra từ năm 2011 do căng thẳng song phương.

Trên thực tế, cả hai nhà lãnh đạo Iraq-Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian gần đây nhất trí hợp tác chặt chẽ ở một số vấn đề, bao gồm cả việc không giới hạn trong việc điều phối các vấn đề an ninh và tình báo như là một phần của nỗ lực chung chống lại IS. Chuyến công du cuối cùng của một Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đến Iraq diễn ra hồi tháng 3-2011.

Từ đó, các mối quan hệ song phương trở nên tồi tệ khi Ankara cáo buộc cựu Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki đặt ra chính sách thiên vị giáo phái cho người Shitte khiến người Sunni và người Kurd bị thiệt thòi quá nhiều. Trong khi đó, Baghdad cho rằng, chính Ankara là kẻ đã châm ngòi lửa cho những rắc rối ở Iraq, trong đó có việc người Kurd và người Sunni đòi chia sẻ quyền lực.

Nhưng mọi chuyện đang chuyển biến tích cực. Trước chuyến thăm của Thủ tướng Davutoglu vừa qua, Ngoại trưởng Iraq Ibrahim al-Jaafari đến Ankara để gặp các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và gửi lời mời thăm Baghdad. Và chuyến thăm của Thủ tướng Davutoglu là điểm sáng đáng kể cho quan hệ song phương cũng như cuộc khủng hoảng Syria.

Ankara thông qua phương pháp tiếp cận rõ ràng ủng hộ thống nhất chính trị, hòa giải dân tộc, giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ Iraq. Chính Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước đầu tiên chúc mừng chính phủ ông Abadi ngay khi được Quốc hội phê chuẩn vào hôm 8-9.

Quan hệ thương mại Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq được ghi nhận vào khoảng 12,1 tỷ USD trong năm 2013. Con số này giảm nhẹ trong bối cảnh quan hệ hai nước gia tăng căng thẳng vào những tháng đầu năm 2014. Việc bãi bỏ yêu cầu thị thực, được nhất trí trong chuyến thăm của ông al-Jaafari đến Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ tại Iraq. Việc mở 4 cửa biên giới mới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq dự kiến sẽ thúc đẩy thương mại nhiều hơn.

 Có vẻ như các mối đe dọa từ IS chính là chất xúc tác làm tan tảng băng lớn ngăn cách giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.

Thanh Văn