Báo Công An Đà Nẵng

Iraq và “cuộc chiến cuối cùng” chống IS

Thứ sáu, 27/10/2017 12:21

Đây là cuộc tấn công nằm trong chiến lược “cuộc chiến lớn cuối cùng” theo như cách gọi của liên minh do Mỹ lãnh đạo chống IS ở Iraq. Nó diễn ra trong bối cảnh quân đội Iraq mở chiến dịch quân sự mới chống lại người Kurd.

Quân đội Iraq trong cuộc tấn công quân sự ở phía Tây Kirkuk hôm 17-10. Ảnh: AFP

Ngày 26-10, quân đội chính phủ Iraq mở cuộc tấn công nhằm vào pháo đài mới nhất của nhóm Hồi giáo cực đoan IS khi nhóm này đang nỗ lực chiến đấu để cứu vãn một “Nhà nước Caliphate” tự xưng khỏi sự sụp đổ hoàn toàn.

Đây là cuộc tấn công nằm trong chiến lược “cuộc chiến lớn cuối cùng” theo như cách gọi của liên minh do Mỹ lãnh đạo chống IS. Nó diễn ra trong bối cảnh quân đội Iraq khởi động chiến dịch quân sự mới chống lại người Kurd.

Cuộc chiến với người Kurd

Hội đồng An ninh Khu vực người Kurd (KRSC) ngày 26-10 cho biết, các binh sĩ và các lực lượng dự bị động viên Iraq bắt đầu nã pháo từ khu vực Zummar thuộc tỉnh miền bắc Nineveh vào các vị trí của người Kurd. 

Trong thông báo được công bố vài giờ trước khi cuộc tấn công bắt đầu, KRSC hối thúc các lực lượng Iraq rút khỏi những khu vực lân cận và chấp nhận đề nghị của chính quyền Khu vực người Kurd về các cuộc đàm phán vô điều kiện nhằm giải quyết những bất đồng chính trị. Ngoài ra, cộng đồng này cũng kêu gọi chính phủ Mỹ “chấm dứt hành vi liều lĩnh của Iraq”.

Mất đất và những vùng giàu dầu mỏ đã gây ra một cú sốc tài chính cho khu vực tự trị người Kurd và vào hôm 25-10, các nhà lãnh đạo KRSC đã xuống nước, mong muốn ngồi vào bàn đàm phán với chính phủ khi nói rằng đã sẵn sàng đóng băng kết quả cuộc trưng cầu độc lập ngày 25-9. Tuy nhiên, Thủ tướng Iraq hôm 26-10 bác bỏ lời đề nghị này, nói rằng, những điều này là không đủ. “Chúng tôi sẽ không chấp nhận gì ngoài việc chấm dứt trưng cầu dân ý và tôn trọng hiến pháp”, ông nói trong một tuyên bố hôm 26-10.

Đã có nhiều lo ngại rằng, cuộc chiến bùng nổ giữa chính quyền Baghdad và các nhà lãnh đạo người Kurd ở Iraq kể từ khi họ tổ chức một cuộc trưng cầu độc lập vào tháng trước sẽ cản trở cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên, quân đội chính phủ Iraq và quân đội đồng minh đã nỗ lực thúc đẩy cuộc tấn công nguy hiểm từ thung lũng Euphrates đến biên giới Syria nhằm giành lại hai thị trấn Arab Sunni - từng là những pháo đài của quân nổi dậy ngay sau cuộc chiến tranh do Mỹ dẫn đầu ở Iraq năm 2003.

…và IS

Các lực lượng Iraq tái chiếm hơn 90% lãnh thổ mà IS chiếm giữ ở trong nước vào năm 2014. IS hiện chỉ hiện diện rất ít tại một khu vực nhỏ ở thung lũng nằm liền kề với một số khu vực cuối cùng mà họ vẫn nắm giữ ở Syria.

Thủ tướng Haider Al-Abadi, trong tuyên bố từ nước láng giềng Iran, nơi ông đang trong chuyến thăm cấp quốc gia cho biết: “Các quân đoàn anh hùng đang tiến vào khu vực khủng bố cuối cùng ở Iraq để giải phóng Al-Qaim, Rawa và các làng mạc và ấp xung quanh”. Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh: “IS không còn cách nào khác ngoài phải chết hoặc đầu hàng”. Chỉ huy chiến dịch khu vực General Qassem al-Mohammedi nói với AFP rằng, các lực lượng chính phủ đang tiến lên 4 phía - từ Đông, Đông Nam, Bắc và Nam.

Trong khi đó, chỉ huy quân đội cấp cao Mahmud al-Fellahi nói rằng, cả máy bay chiến đấu Iraq và liên quân đang mở các cuộc tấn công mạnh mẽ nhằm vào IS. Al-Qaim nổi tiếng là pháo đài của cuộc nổi dậy của người Arab Sunni trong nhiều năm. Quân đội Mỹ mở nhiều hoạt động liên tục ở đây như Matador và Steel Curtain trong năm 2005 để tiêu diệt hoàn toàn các phần tử khủng bố. Các chỉ huy liên minh tin rằng, Al-Qaim chính là vị trí cuối cùng của IS trong tham vọng kiểm soát lãnh thổ vùng biên giới mà nó tuyên bố là “Nhà nước Caliphate” tự xưng vào năm 2014.

Ở phía Syria, lực lượng chính phủ quân đội nước này, vốn được Nga hậu thuẫn đẩy mạnh chiến dịch tấn công ở thung lũng Euphrates trong khi những chiến binh người Kurd và Arab do Mỹ hậu thuẫn đã đẩy đuổi IS ra khỏi căn cứ ở phía bắc.

KHẢ ANH