Báo Công An Đà Nẵng

IS tấn công khủng bố Brussels, ít nhất 34 người thiệt mạng

Thứ tư, 23/03/2016 08:13

(Cadn.com.vn) - Hàng loạt vụ nổ xé nát các điểm giao thông quan trọng ở Brussels vào sáng 22-3 – sân bay và ga tàu điện ngầm – khiến ít nhất 34 người thiệt mạng, hơn 170 người bị thương và đặt thủ đô của Bỉ trong mức cảnh báo khủng bố cao nhất. IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm gây ra các vụ khủng bố kinh hoàng này.

Hệ thống giao thông công cộng tại nơi được mệnh danh là “Trái tim của Châu Âu” đã hoàn toàn tê liệt sau loạt tấn công. “Mối đe dọa ở Bỉ được nâng lên mức 4 (mức cảnh báo tối đa) trong đó nhấn mạnh đặc biệt vào các trung tâm giao thông, sân bay, nhà ga và các nhà máy hạt nhân”, Thủ tướng Bỉ Charles Michel tuyên bố.

Người dân bỏ chạy tán loạn sau vụ nổ ở sân bay Zaventem (Bỉ). 

Khi “Trái tim Châu Âu” rỉ máu

Reuters dẫn lời Thủ tướng Charles Michel cho biết thêm, hai vụ nổ đầu tiên – được xác định là do đánh bom liều chết - xảy ra tại sân bay Zaventem ở thủ đô Brussels. Ít nhất 14 người chết và 81 người khác bị thương trong loạt vụ nổ này. Ngay sau đó, hàng loạt vụ nổ rung chuyển các ga tàu điện ngầm khắp Brussels  - nơi được mệnh danh là “Trái tim của Châu Âu” - khiến 20 người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương. Trong số này có ga tàu điện ngầm Maelbeek gần trụ sở Liên minh Châu Âu (EU).

Hình ảnh trên truyền thông xã hội cho thấy sự tàn phá khủng khiếp của các vụ nổ. Kính vỡ tung tóe, nằm rải rác trên sàn nhà. Khói bốc lên từ sân bay qua những cửa sổ vỡ tan. Hành khách bỏ chạy tán loạn. Một số người dính đầy bụi và đầy máu. Bên ngoài ga tàu điện ngầm Maelbeek, tiếng xe cứu thương chở những người bị nạn vang lên inh ỏi. Reuters dẫn lời Zach Mouzoun, một người vừa đến từ Genève, cho biết, “Mọi việc xảy ra thật khủng khiếp. Trần nhà bị sập. Máu vương khắp mọi nơi. Chúng tôi đã phải chạy trên những mảnh vỡ giống như trong thời chiến tranh...”.

Cửa kính và các vật dụng bị hất tung do bom nổ ở sân bay Zaventem ở Brussels. Ảnh: PA

Cả thế giới bàng hoàng

Cả thế giới đang hướng về Brussels, chia sẻ nỗi đau và cả nỗi bàng hoàng lo sợ đối với người dân và chính phủ Bỉ.

Các nhà lãnh đạo thế giới như Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Georgia Margvelashvili… đều tỏ ra rất sốc trước loạt vụ nổ này. An ninh tại khắp các nước Châu Âu cũng được thắt chặt tuyệt đối, nhất là Anh, Đức, Pháp và Hà Lan, các quốc gia tham chiến chống IS ở Syria. Tại các sân bay trên khắp Châu Âu, thủ tục kiểm tra hành lý hành khách được thực hiện nghiêm ngặt hơn.  EU hiện đã tuyên bố hủy tất cả các cuộc họp và đặt những cơ quan thuộc khối này ở mức cảnh báo màu cam - mức cao thứ 2. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Donald Tusk  lên án loạt tấn công này cho rằng, “nó cho thấy sự hèn hạ của những kẻ khủng bố vốn sống trong hận thù và bạo lực”.

“Đây là một ngày bi kịch, một ngày đen tối... Tôi muốn mọi người điềm tĩnh và đoàn kết”, Thủ tướng Bỉ Charles Michel tuyên bố.

Tại Anh, Thủ tướng Cameron tuyên bố sẽ làm mọi việc có thể để hỗ trợ Bỉ sau khi tuyên bố triệu tập ngay cuộc họp Ủy ban Khẩn cấp (COBRA). Thậm chí, London vẫn duy trì cảnh báo khủng bố ở mức “nghiêm trọng”. Tại Pháp, Tổng thống Francois Hollande mạnh mẽ cho rằng, các vụ tấn công ở Brussels đã đánh vào “toàn Châu Âu”, đồng thời hối thúc các nước cùng tiến hành các bước đi sống còn để đối phó mối đe dọa khủng bố đang rình rập. “Những kẻ khủng bố đã tấn công Bỉ nhưng toàn Châu Âu đã được nhắm mục tiêu”, ông nhấn mạnh. Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cũng khẳng định các vụ nổ tại Bỉ là vụ tấn công vào “Châu Âu dân chủ”.

Tại Mỹ, các quan chức an ninh nội địa và Cục Điều tra Liên bang (FBI) tuyên bố đang giám sát chặt chẽ tình hình. Đại sứ quán Mỹ tại Brussels khuyến cáo công dân tránh sử dụng giao thông công cộng.

Hành khách hoảng loạn sau loạt vụ nổ ở sân bay Zaventem ở Brussels. Ảnh: AP

IS nhận trách nhiệm

IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm đứng sau loạt tấn công khiến “Trái tim của Châu Âu” hoàn toàn tê liệt. Các nhân chứng cũng cho biết, trước khi xảy ra 2 vụ nổ trên, họ nghe thấy tiếng súng nổ và tiếng hét bằng giọng Arab.

Các vụ nổ chấn động thủ đô của Bỉ xảy ra chỉ 4 ngày sau vụ bắt giữ tên Saleh Abdeslam – nghi can chủ mưu loạt tấn công khủng bố Paris hồi tháng 11-2015 khiến 130 người thiệt mạng. An ninh trong những ngày qua cũng đã được đặt trong tình trạng báo động khủng bố cao do lo ngại khủng bố tấn công và hiện đã lên mức cao nhất. Chính phủ Bỉ ra lệnh dừng hoạt động tất cả các phương tiện giao thông công cộng tại Brussels, giống như London đã từng làm sau vụ khủng bố năm 2005 khiến 52 người thiệt mạng. Theo đó, các sân bay lớn, các ga tàu điện ngầm và các viện bảo tàng cũng đóng cửa.

Trong khi đó, binh sĩ, cảnh sát được điều đến đảm bảo an ninh xung quanh sân bay, các nhà ga trong mối lo ngại các nghi phạm tấn công Brussels vẫn đang lẩn trốn. Giới chức Bỉ cũng tăng cường an ninh tại các nhà máy hạt nhân trên khắp cả nước.

Khả Anh

Ảnh hưởng kinh tế như thế nào?

Hãng tin CNBC dẫn lời giới phân tích cho rằng, các vụ tấn công ở thủ đô của Bỉ dường như không gây tác động lâu dài trên thị trường, nhưng có thể tạo ra những trở ngại mới cho thương mại qua biên giới.

Trong đó, ngành du lịch tại nơi được mệnh danh là “Trái tim Châu Âu” chắc chắn bị ảnh hưởng lớn. Hiện giá cổ phiếu trong ngành du lịch, nhất là của các hãng hàng không giảm liên tiếp. Cổ phiếu Hãng hàng không Ryanair - hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Châu Âu - đã giảm 2,9% trong khi Air France mất đến 4% và IAG mất 2,5%. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế lạc quan cho rằng, sự suy giảm này sẽ chỉ trong ngắn hạn. Trong khi đó, nhiều người lo ngại, cũng giống như vụ tấn công Paris hồi năm 2015, loạt tấn công Brussels lần này sẽ gây tác động lớn hơn đến nền kinh tế và quan trọng hơn là làm thay đổi chính sách đối ngoại và an ninh nội địa của Châu Âu, nhất là trong bối cảnh lục địa già đang đối mặt cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất kể từ sau Thế chiến II.

T.Linh