IS thách thức Mỹ
(Cadn.com.vn) - Làn sóng tấn công mới nhất của Mỹ và các đồng minh nhằm vào IS ở Syria khiến hàng chục chiến binh IS thiệt mạng song vẫn chưa ngăn được bước tiến mạnh mẽ của nhóm này.
Cho đến nay, Lầu Năm Góc mở 198 cuộc không kích chống các mục tiêu IS ở Iraq và 33 lần tấn công ở Syria.
Trong đợt tấn công mới nhất hôm 25-9, các máy bay do Mỹ cùng với Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đánh 12 mục tiêu IS ở đông Syria, nơi các phần tử IS kiểm soát những nhà máy lọc dầu quy mô nhỏ. Đây là lần đầu tiên, các cuộc không kích do Mỹ đứng đầu nhằm vào các cơ sở dầu mỏ ở đông Syria trong nỗ lực nhằm cắt giảm nguồn thu nhập chủ chốt của IS.
IS SẼ TRẢ ĐŨA MẠNH MẼ?
Khai hỏa từ ngày 23-9, chiến dịch tấn công của Mỹ không chỉ nhằm hủy diệt căn cứ địa của IS trên quê hương Syria, mà còn tranh thủ tấn công các nhóm Hồi giáo cực đoan khác như Khorasan, Al-Nusra, Abu Yousef Al-Turki...
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các cuộc tấn công không thể ngăn các chiến binh tiến vào các khu vực của người Kurd. Người Kurd ở Syria cho biết, IS đáp trả bằng cách tăng cường tấn công ở phía bắc gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nơi hơn 140.000 thường dân bỏ chạy trong những ngày qua, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo và người tị nạn tồi tệ nhất trong cuộc nội chiến 3 năm qua. Một đoạn băng đăng trên YouTube cho thấy, các chiến binh IS sử dụng vũ khí bao gồm cả pháo binh khi chiến đấu với lực lượng người Kurd. “Sau khi giết người, bắt cóc, bọn chúng (IS) đốt cả làng... Khi tiến vào bất cứ ngôi làng, chúng chặt đầu một người để thị uy”, CNN dẫn lời Mazlum Bergaden, một người tị nạn cho biết.
Giới phân tích cho rằng, cuộc chiến chống IS lần này chắc chắn sẽ thay đổi đáng kể tương quan lực lượng ở Syria. Về lâu dài, nó sẽ tác động đến môi trường chiến lược cũng như trật tự khu vực Trung Đông. Rõ ràng, chiến dịch này vừa mang đến cơ hội, vừa tạo ra thách thức cho tất cả các bên liên quan đến nội chiến ở Syria. Và các nhóm Hồi giáo cực đoan - một khi bị cùng đường - sẽ tìm cách liên kết với nhau nhằm trả đũa Washington.
Một địa điểm của IS ở Syria bị Mỹ không kích. Ảnh: ABC |
CẦN SỰ ỦNG HỘ QUỐC TẾ
Hành động quân sự do Mỹ dẫn đầu ở Syria không được chấp nhận rộng rãi như ở Iraq. Hiện mới chỉ có 5 quốc gia Arab tham chiến cùng Mỹ. Trong khi đó, các quốc gia NATO, đồng minh thân cận với Washington khẳng định sẽ không tham chiến cùng Mỹ ở Syria. Iran - vốn được đánh giá là có thể giúp đẩy lui mối đe dọa từ IS ở Syria - cũng từ chối đứng chung chiến tuyến với Lầu Năm Góc.
Trong khi đó, liên minh quốc tế trong cuộc chiến chống IS ở Iraq lại gia tăng. Sau Pháp, Hà Lan hôm 24-9 tuyên bố sẽ đóng góp 6 máy bay chiến đấu F-16 và 250 quân để thực hiện các cuộc không kích và huấn luyện lực lượng Iraq và người Kurd. Quốc hội Bỉ đang cân nhắc yêu cầu điều 6 máy bay chiến đấu cùng 120 phi công và nhân viên hỗ trợ tham gia liên minh chống IS ở Iraq.
Thủ tướng Anh David Cameron cho biết đang thúc giục Quốc hội chấp thuận cho London tham chiến ở Iraq tại phiên họp bất thường vào hôm nay (26-9). Tổng thống Pháp phát động vòng mới của cuộc không kích IS ở Iraq, tính toán tham chiến ở Syria sau khi tuyên bố 3 ngày quốc tang (26 đến 28-9) sau vụ công dân Pháp Godel bị phiến quân đông Algerria chặt đầu.
Rõ ràng, với sức mạnh và sự tàn bạo của IS, Mỹ đang rất cần sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế mới có thể mong đến một chiến thắng. Bởi thách thức đặt ra quá nhiều. Bản thân Tổng thống Obama dự kiến chiến dịch “nhổ cỏ tận gốc” nhóm IS tại Syria có thể kéo dài hơn 3 năm với chi phí hơn 10 tỷ USD/năm. Nhưng thậm chí, Washington sẽ khó có thể đánh bại IS nếu thiếu đồng minh quân sự mạnh mẽ trên mặt đất.
Khả Anh