Israel ấn định ngày tấn công Rafah
Thông báo của Thủ tướng Netanyahu có đoạn: "Hôm nay, tôi nhận được báo cáo cụ thể về tiến trình đàm phán ở Cairo (Ai Cập), chúng tôi đang không ngừng nỗ lực để đạt được mục tiêu của mình, trước hết là thả tất cả con tin và giành được chiến thắng hoàn toàn trước Hamas". Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Israel không tiết lộ cụ thể thời điểm tiến hành chiến dịch.
Mỹ - Israel ngày càng bất đồng
Kế hoạch của Israel tiến hành một cuộc tấn công quân sự ở Rafah là trung tâm của sự bất đồng ngày càng tăng giữa Mỹ và Israel. Rafah là nơi trú ẩn của khoảng 1,4 triệu người Palestine phải di dời và cũng là điểm tiếp nhận hàng viện trợ cho Gaza. Số phận của người dân ở Rafah là điều khiến các tổ chức nhân đạo và đồng minh của Israel quan ngại nhất. Việc Israel triển khai chiến dịch tấn công vào khu vực đông đúc này sẽ gây ra thảm họa.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang gây áp lực buộc Israel phải tránh một hoạt động như vậy, đồng thời tuyên bố rằng Israel có thể đạt được các mục tiêu của mình thông qua các phương tiện khác. Điều này làm tăng thêm những khác biệt hiện có giữa hai nước, bao gồm cả việc Mỹ yêu cầu Israel thiết lập một chiến lược rõ ràng sau chiến tranh và giải quyết tình hình nhân đạo ở Gaza.
Sau hơn một tháng không liên lạc, Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Biden mới đây đã có 2 cuộc điện đàm. Trong khi người phát ngôn Nhà Trắng tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ của Mỹ đối với Israel trong việc tiêu diệt Hamas, thì nội dung của các cuộc điện đàm đã nêu bật những bất đồng chính giữa Mỹ và Israel liên quan đến việc tiến hành cuộc chiến ở Gaza.
Đàm phán vẫn bế tắc
Trong khi đó, một quan chức của phong trào Hồi giáo Hamas cho biết vòng đàm phán tại Cairo về ngừng bắn ở Dải Gaza không đạt được tiến triển nào. Hôm 7-4, Israel và Hamas đều đã cử đại diện tới Cairo để tham gia đàm phán, cùng với sự tham gia của các nhà trung gian hòa giải của Qatar, Ai Cập và Giám đốc Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) William Burns.
"Không có thay đổi nào về quan điểm của lực lượng chiếm đóng, do vậy không có gì mới trong các cuộc đàm phán ở Cairo. Vẫn chưa có bất kỳ tiến triển nào", một thành viên cấp cao của lực lượng Hamas tuyên bố hôm 8-4. Thông tin này trái ngược với thông tin mà kênh truyền hình Al-Qahera News trước đó cho biết đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza đã đạt được tiến triển sau khi các bên tham gia nhất trí về những điểm cơ bản. Theo các nguồn tin an ninh, cả hai bên đều đạt được những nhượng bộ có thể giúp mở đường cho một thỏa thuận ngừng bắn, được thực hiện theo ba giai đoạn.
Ngày 9-4, Ai Cập, Jordan và Pháp hối thúc ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza. Trong một tuyên bố chung, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi, Quốc vương Jordan Abdullah II và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi thực hiện ngay lập tức và vô điều kiện Nghị quyết 2728 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), trong đó yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza. Tuyên bố bày tỏ lo ngại về những hậu quả nguy hiểm nếu Israel mở chiến dịch quân sự ở Rafah, nơi hơn 1,5 triệu dân thường Palestine đang trú ẩn. Các nhà lãnh đạo nêu rõ: "Một chiến dịch như vậy sẽ chỉ mang lại thêm thương vong và bất hạnh, làm gia tăng rủi ro và hậu quả trong trường hợp người dân Gaza bị cưỡng ép di dời cũng như nguy cơ leo thang căng thẳng trong khu vực".
Nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường viện trợ nhân đạo ở Gaza, các nhà lãnh đạo Ai Cập, Jordan và Pháp hối thúc Israel đảm bảo cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Palestine. Các nhà lãnh đạo cũng yêu cầu thả ngay lập tức tất cả các con tin và tái khẳng định sự ủng hộ đối với các cuộc đàm phán do Ai Cập, Qatar và Mỹ làm trung gian nhằm hướng đến một thỏa thuận ngừng bắn, trao trả con tin và những người bị giam giữ.
Theo dữ liệu cập nhật của giới chức y tế Dải Gaza, tính đến ngày 8-4, tổng cộng 33.207 người Palestine đã thiệt mạng và 75.933 người khác bị thương trong các vụ tấn công của Israel vào vùng lãnh thổ này kể từ ngày 7-10-2023. Trong khi đó, số liệu của Israel cho thấy khoảng 1.200 người ở nước này đã thiệt mạng trong cuộc xung đột và hơn 200 người bị bắt làm con tin.
AN BÌNH