Báo Công An Đà Nẵng

Israel cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam xử lý đất bị nhiễm chất độc da cam

Thứ ba, 21/03/2017 07:55

(Cadn.com.vn) - Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Nhà nước Israel Reuven Ruvi Rivlin và Phu nhân đã bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 19 đến 25-3. Sáng 20-3, lễ đón chính thức Tổng thống Reuven Ruvi Rivlin và Phu nhân đã được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch theo nghi thức dành đón Nguyên thủ quốc gia. Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân chủ trì lễ đón. Sáng cùng ngày, hai bên hội đàm tại Phủ Chủ tịch.

Hai nhà Lãnh đạo nhất trí coi kinh tế là trọng tâm và đưa khoa học công nghệ trở thành trụ cột ưu tiên trong hợp tác song phương thời gian tới. Hai bên thống nhất cần khai thác tối đa tiềm năng và tính bổ trợ của hai nền kinh tế, nhất trí đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 3 tỷ USD trong những năm tới. Trên cơ sở đó, hai bên cam kết đẩy nhanh đàm phán tiến tới sớm ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel, khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, địa phương hai nước hợp tác trực tiếp nhằm xúc tiến trao đổi thương mại - kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư trong các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nhân lực, công nghệ thông tin - điện tử - truyền thông, xử lý nước...

Tổng thống Israel cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc xử lý và làm sạch các vùng đất bị nhiễm chất độc da cam. Ngoài ra, hai nhà Lãnh đạo cũng tập trung trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, văn hóa, giáo dục - đào tạo, du lịch..., cũng như hợp tác giữa các địa phương hai nước.

Về chính trị, hai bên nhất trí cần tăng cường tiếp xúc các cấp, khuyến khích quan hệ hợp tác trực tiếp giữa các địa phương, bộ, ngành, phát huy vai trò hiệu quả của các cơ chế hợp tác song phương như Ủy ban liên chính phủ, tham vấn chính trị...

Hai bên cũng trao đổi ý kiến về vấn đề Biển Đông, khu vực Trung Đông cũng như các vấn đề quốc tế, nhấn mạnh hợp tác có vai trò quan trọng và là xu thế để duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới. Việt Nam tái khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp, trong đó có tranh chấp ở Biển Đông, bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Việt Nam mong muốn sớm có hòa bình tại Trung Đông, do đó Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực của khu vực, quốc tế và các bên liên quan nhằm mang lại hòa bình cho khu vực này trên cơ sở luật pháp quốc tế, các nghị quyết của Liên hợp quốc... nhằm đi đến giải pháp toàn diện, công bằng, bền vững, tiến tới thành lập một Nhà nước Palestin độc lập, có chủ quyền, cùng tồn tại hòa bình bên cạnh Nhà nước Israel.

Đức Dũng