Báo Công An Đà Nẵng

Israel sẽ trả đũa Iran như thế nào?

Thứ ba, 16/04/2024 08:46
Giới chức Israel họp thảo luận phương án đáp trả Iran hôm 14-4. Ảnh: Tol

Nội các Israel bất đồng

Vào tối - giờ địa phương, nội các chiến tranh của Israel gồm Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và thủ lĩnh đối lập Benny Gantz, đã nhóm họp cùng các quan chức an ninh cấp cao để thảo luận về hành động tiếp theo của Tel Aviv sau vụ Iran tấn công chưa từng có vào lãnh thổ nước này. Cuộc họp này được đánh giá là sự kiện có thể định đoạt tương lai Trung Đông, bởi bất cứ quyết định nào được nội các chiến tranh Israel đưa ra đều có thể đánh dấu bước ngoặt quan trọng của khu vực vốn chưa bao giờ yên ả này. Tuy nhiên, kế hoạch trả đũa Tehran đã gây chia rẽ trong nội các của Israel. Các nguồn thạo tin cho biết phần lớn các bộ trưởng tán thành cuộc phản công, nhưng bất đồng nội bộ vẫn tồn tại liên quan đến vấn đề thời điểm và quy mô của hành động trả đũa. Dự kiến, nội các chiến tranh của Israel sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận về vấn đề này.

Một số báo cáo cho biết Tổng thống Joe Biden cũng đã khuyến cáo Thủ tướng Benjamin Netanyahu "suy nghĩ cẩn thận và có chiến lược", nội các chiến tranh đã đình chỉ các cuộc thảo luận và dự kiến sẽ triệu tập lại trong thời gian sớm nhất. Trong khi đó, nhật báo Hayom của Israel dẫn lời một quan chức nước này tuyên bố rằng "sẽ có hành động đáp trả". Mạng lưới truyền hình NBC dẫn lời một nguồn tin chính thức từ Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết, mặc dù quyết định vẫn chưa được đưa ra, "nhưng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sẽ cần đưa ra các lựa chọn" và "rõ ràng là Israel sẽ đáp trả". Hãng tin Reuters trích dẫn lời các quan chức Israel nói rằng, nội các chiến tranh ủng hộ việc trả đũa Iran, nhưng bị chia rẽ về thời gian và quy mô hành động.

Israel nên cân nhắc

Theo các nhà phân tích, hiện tại, quân đội Israel và chính phủ Israel về cơ bản đang tìm cách giải quyết các vấn đề quân sự chứ không phải là leo thang chúng. Israel đang trong cuộc chiến với Hamas ở Gaza và Israel đã lên kế hoạch tấn công Rafah bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ. Hậu quả của chiến tranh là danh tiếng quốc tế của Israel đã sụt giảm, sự ủng hộ của Mỹ giảm sút và việc nối lại quan hệ giữa Israel với các quốc gia Arab Vùng Vịnh đang bị tạm dừng. Người dân Israel có thể đã thấm thía mong muốn trở lại cuộc sống bình thường hơn, và nền kinh tế Israel đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ cả cuộc chiến tranh lẫn việc huy động ồ ạt lực lượng dự bị.

Israel tốn hơn 1,3 tỷ USD để đánh chặn tên lửa của Iran

Israel tuyên bố đã tự vệ thành công trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa mà Iran thực hiện tối 13-4. Nước này đã sử dụng các tên lửa đánh chặn, nhiên liệu máy bay và các thiết bị khác trị giá tổng cộng khoảng 1,06 tỷ đến 1,33 tỷ USD. Ước tính này chỉ bao gồm chi phí trực tiếp của Israel, không tính số lượng vũ khí đáng kể mà Mỹ và các đồng minh khác đã dùng để hỗ trợ Israel chống cuộc tấn công. Chuẩn tướng Israel Reem Aminoach tiết lộ, Israel đã sử dụng các loại vũ khí như tên lửa đánh chặn Arrow và David's Sling, có giá mỗi chiếc lần lượt khoảng 3,5 triệu USD và 1 triệu USD. Ông cũng tính cả chi phí xuất kích của các máy bay chiến đấu tham gia bắn hạ máy bay không người lái của Iran.

Ngoài ra còn có những cân nhắc về kỹ thuật quân sự. Lực lượng Không quân Hoàng gia Jordan đã hỗ trợ mạnh mẽ cho Israel không chỉ bằng cách bắn hạ máy bay không người lái và tên lửa hành trình của Iran bay qua lãnh thổ Jordan mà còn được cho là đã mở không phận cho máy bay chiến đấu của Israel làm điều tương tự. Tuy nhiên, Israel sẽ phải thận trọng khi tiến hành các cuộc tấn công của mình ngang qua không phận Jordan và không phận Saudi Arabia nếu không muốn làm suy yếu thêm nỗ lực bình thường hóa với Riyadh. Cân nhắc đó khiến lựa chọn còn lại cho máy bay và tên lửa của Israel bay tới tấn công các mục tiêu Iran chỉ là tuyến Syria - Iraq hoặc Thổ Nhĩ Kỳ-Iraq, và cả hai đều không phải là tuyến đường lý tưởng. Phạm vi của chúng tới nhiều mục tiêu quan trọng của Iran xa hơn các chuyến bay qua Jordan và Saudi Arabia. Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh của NATO với một lực lượng phòng không đáng gờm, trong khi ở Syria vẫn còn các tài sản đường không và phòng không của Nga đang hoạt động.

Về đường biển, Israel sở hữu nhóm tàu ngầm do Đức sản xuất có khả năng bắn tên lửa hành trình. Chúng có thể được triển khai ở Ấn Độ Dương, nơi tên lửa từ tàu sẽ chỉ bay qua vùng biển quốc tế và vùng biển của chính Iran. Nhưng họ chỉ có 5 chiếc với số lượng tên lửa hành trình hạn chế.

Những tính toán đó không thể ngăn cản một cuộc phản công của Israel vào Iran, bây giờ hoặc trong tương lai, nhưng nó chắc chắn làm phức tạp thêm vấn đề. Nó gợi ý rằng Israel có nhiều khả năng quay lại nhắm mục tiêu vào nhân viên và tài sản quân sự của Iran ở Syria và Lebanon, và có thể ở cả Iraq và Yemen, với mức độ ngày càng lớn hơn trong tương lai. Nói cách khác, Israel sẽ không bị cản trở bởi cuộc tấn công của Iran, nhưng có lẽ họ cũng sẽ không bị khiêu khích bởi nó. Dù cả Iran và Israel đều có lý do chính đáng để xuống thang, nền chính trị ở cả hai nước vẫn rất phức tạp, nỗi sợ hãi và sự bất ổn đang tăng cao. Một tính toán sai lầm lúc này sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.

LHQ tìm cách tháo ngòi "thùng thuốc súng" Trung Đông

Chiều 14-4 (giờ địa phương), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức phiên họp khẩn về tình hình Trung Đông, trọng tâm là vụ Iran tấn công trả đũa Israel hôm 13-3.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng Trung Đông đang ở bên bờ vực nguy hiểm. Người dân trong khu vực đang phải đối mặt với nguy cơ xung đột toàn diện và hiện giờ là thời điểm để xuống thang, giảm căng thẳng và kiềm chế tối đa. Ông Guterres nhắc lại tuyên bố trước đó bày tỏ lo ngại về vụ tấn công quy mô lớn từ Iran nhắm vào Israel, đồng thời kêu gọi các bên "lập tức chấm dứt hành động thù địch". Tổng Thư ký LHQ cũng kêu gọi các bên liên quan tôn trọng tuyệt đối sự an toàn của các cơ sở và nhân viên ngoại giao, lãnh sự trong mọi tình huống. Tổng Thư ký LHQ cho rằng vấn đề cấp thiết trong thời điểm hiện nay là tránh mọi hành động có thể dẫn tới đối đầu quân sự quy mô lớn, trên nhiều mặt trận khác nhau ở Trung Đông. Cộng đồng quốc tế có trách nhiệm, nghĩa vụ chung trong tiến trình can dự chủ động với tất cả các bên liên quan để ngăn chặn căng thẳng leo thang.

AN BÌNH

Ngày 15-4, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết tất cả các biện pháp phòng ngừa được áp dụng trước cuộc tấn công của Iran đêm 13-7 đã được dỡ bỏ. Các biện pháp phòng ngừa này ban đầu dự kiến hết hiệu lực vào tối 15-4 (giờ địa phương). Tuy nhiên, Cơ quan Mặt trận Nội địa của IDF đã quyết định dỡ bỏ các biện pháp này vào nửa đêm 14-4 sau khi đánh giá tình hình. Tuy nhiên, hiện tại, quân đội Israel cho biết vẫn duy trì cảnh giác cao sau vụ tấn công quy mô lớn của Iran nhằm vào quốc gia này.

Cùng ngày, các sân bay ở thủ đô Tehran và nhiều nơi khác tại Iran đã nối lại hoạt động sau khi tạm thời đóng cửa khi căng thẳng với Israel leo thang. Trong khi đó, EASA - Cơ quan An toàn hàng không Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục khuyến nghị thận trọng trong không phận của Iran và Israel và khoảng 100 dặm xung quanh Israel mặc dù không có rủi ro khi bay qua không phận các nước này đối với các chuyến bay dân dụng.