Israel tiến quân vào Syria
Các lực lượng an ninh của Syria cho biết quân đội Israel đã tiến sâu vào Syria, cách thủ đô Damascus khoảng 25 km về phía Tây Nam. Một nguồn tin an ninh Syria còn nói thêm rằng quân đội Israel đã tới Qatana, địa điểm nằm trong lãnh thổ Syria, cách khu phi quân sự 10km về phía Đông. Khu phi quân sự này là vùng đệm ngăn cách giữa Syria và Cao nguyên Golan.
Tuy nhiên, ngày 10-12, người phát ngôn của quân đội Israel đã bác bỏ thông tin cho rằng lực lượng nước này đã xâm nhập vào lãnh thổ Syria vượt quá vùng đệm ngăn cách giữa Syria và Cao nguyên Golan. Người phát ngôn này nêu rõ: "Thông tin này không đúng sự thật, các lực lượng của chúng tôi không rời khỏi vùng đệm".
Trước đó, các lực lượng của Israel đã chiếm giữ một vùng đệm ở phía Nam Syria và tiến hành không kích loạt mục tiêu ở Syria, bao gồm các căn cứ không quân, cứ điểm và kho vũ khí hiện đại trong đêm 9-12. Israel đã điều xe tăng và quân đội tiến vào vùng đệm này trong ngày 8-12 sau khi lực lượng đối lập chiếm giữ Damascus và Tổng thống Bashar al-Assad sang tị nạn tại Nga. Thời điểm đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết thỏa thuận năm 1974 thiết lập dải phi quân sự đã thực sự không còn hiệu lực sau khi quân đội Syria từ bỏ vị trí của họ. Thỏa thuận năm 1974 được chính phủ Israel và Syria đồng ý thiết lập một vùng đệm ở phía biên giới Israel, nơi chỉ có lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) mới được triển khai. Giải thích cho những bước đi này, Israel giải thích tiến vào vùng đệm trên Cao nguyên Golan để "ngăn các tay súng Syria xâm nhập" sau khi phe đối lập kiểm soát Damascus. Israel khẳng định nước này sẽ không tham gia vào tình hình hiện nay ở Syria và việc nước này chiếm giữ vùng đệm, cũng như thực hiện các cuộc oanh kích nói trên "chỉ mang tính phòng thủ, nhằm bảo vệ người dân Israel".
Ngày 9-12, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ tiếp tục kiểm soát Cao nguyên Golan, khu vực lãnh thổ được LHQ xác định là thuộc về Syria, trong thời điểm phe đối lập mới lật đổ thành công chính quyền Syria. Thủ tướng Israel phát biểu: "Cao nguyên Golan sẽ mãi mãi là một phần không thể tách rời của nhà nước Israel". Một ngày trước đó, Thủ tướng Israel đã ra lệnh cho quân đội tiến vào vùng đệm ngăn cách khu vực này với Syria. Ban đầu khi triển khai quân, ông Netanyahu chỉ mô tả bước tiến của Israel vào vùng đệm là tạm thời. Tại cuộc họp báo ngày 9-12, ông Netanyahu tuyên bố: "Hôm nay, mọi người đều hiểu tầm quan trọng to lớn của sự hiện diện của chúng tôi tại Cao nguyên Golan, chứ không phải ở chân đồi Cao nguyên Golan". Điều này nhằm ám chỉ đến đến việc Israel chiếm giữ khu vực này từ Syria trong cuộc chiến diễn ra trong 6 ngày vào năm 1967.
Đây là lần đầu tiên trong 50 năm qua Israel tiến vào và đóng tại các vị trí trên vùng đệm Cao nguyên Golan từ khi thỏa thuận rút quân năm 1974 được ký kết. Quân đội Israel sau đó từng một số lần tiến vào vùng này, song chỉ ở lại trong thời gian ngắn. Cao nguyên Golan là vùng đất rộng khoảng 1.800 km2, giáp với Syria, Israel, Jordan và Lebanon. Đây là một phần của Syria kể từ năm 1944, khi quốc gia Trung Đông được công nhận là nước cộng hòa độc lập. Israel kiểm soát khoảng 2/3 diện tích cao nguyên Golan sau chiến tranh năm 1967. Israel đã đơn phương sáp nhập Cao nguyên Golan vào năm 1981, một động thái bị cả thế giới coi là bất hợp pháp ngoại trừ Mỹ. Tuy nhiên, cho đến trước ngày 8-12, quân đội Israel vẫn chưa được đồn trú dọc theo biên giới Cao nguyên Golan và Syria. Trong khi đó, LHQ coi Cao nguyên Golan là một phần của Syria và đã thông qua Nghị quyết 242, kêu gọi Israel rút khỏi tất cả lãnh thổ mà họ chiếm đóng trong cuộc chiến năm 1967, bao gồm Cao nguyên Golan, Dải Gaza và Bờ Tây, song Israel đã từ chối.
Ngày 9-12, Đại sứ Syria tại LHQ Qusay al-Dahhak tuyên bố Israel phải rút quân khỏi Syria. Ông Qusay al-Dahhak nêu rõ: "Chúng ta cần chấm dứt hành động xâm lược của Israel đối với Syria. Chúng ta muốn lực lượng Israel xâm lược lãnh thổ của chúng ta ... phải rời đi". Theo nhà ngoại giao này, Israel phải tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và thỏa thuận phân chia lực lượng năm 1974. Theo thỏa thuận, chỉ có lực lượng LHQ mới được đồn trú tại vùng đệm ở Cao nguyên Golan.
Tiếp sau Ai Cập, Iraq và Qatar, các nước khác trong khu vực gồm Iran, Jordan và Saudi Arabia đã lên tiếng phản đối việc Israel chiếm giữ vùng đệm phi quân sự ở Cao nguyên Golan, cho rằng điều này vi phạm luật pháp quốc tế. Trong tuyên bố ngày 9-12, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia nhấn mạnh bước đi nói trên của Israel sẽ hủy hoại cơ hội khôi phục an ninh, ổn định và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Tương tự, phát biểu trước Quốc hội Jordan ngày 9-12, Ngoại trưởng nước này Ayman Safadi nhấn mạnh động thái nói trên của Israel đi ngược lại luật pháp quốc tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmail Baghaei cho rằng hành động của Israel vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.
AN BÌNH