Báo Công An Đà Nẵng

Israel-UAE với chuyến bay thẳng lịch sử sau thỏa thuận hòa bình

Thứ ba, 01/09/2020 14:49

Ngày 31-8, chuyến bay thương mại đầu tiên từ Israel tới Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã diễn ra, đánh dấu bước tiến lớn trong việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước sau một thỏa thuận hòa bình lịch sử.

Máy bay của hãng El Al được đánh dấu bằng từ “hòa bình” trong tiếng Arab, tiếng Anh và tiếng Do Thái.  Ảnh: EPA

Một máy bay từ hãng hàng không El Al Airlines của Israel thực hiện chuyến bay thẳng từ sân bay Ben Gurion ở Tel Aviv đến thủ đô Abu Dhabi của UAE vào sáng 31-8. Chuyến bay LY971 được đánh số đại diện theo mã quay số quốc tế của UAE. Chuyến bay được phép đi qua không phận Saudi Arabia, thường bị chặn đối với giao thông hàng không của Israel. Dự kiến, chuyến bay từ Abu Dhabi về Tel Aviv sẽ cất cánh vào hôm nay (1-9). Chuyến bay trở về sẽ được đánh số LY972, sau mã quay số quốc tế của Israel.

Trên chuyến bay này có những vị khách rất đặc biệt, bao gồm một phái đoàn của Israel và một số quan chức Mỹ làm trung gian cho thỏa thuận hòa bình giữa Israel và UAE gồm con rể Tổng thống Donald Trump và là cố vấn cấp cao của Nhà Trắng Jared Kushner và Cố vấn An ninh Quốc gia của Israel Meir Ben-Shabbat. Ông Kushner là nhân vật đã dẫn đầu các cuộc đàm phán bí mật dẫn đến thỏa thuận bình thường hóa quan hệ lịch sử Israel-UAE. Nói với các phương tiện truyền thông, ông Jared Kushner cho rằng: “Đây là một bước đột phá ấn tượng giúp Trung Đông an toàn hơn”.

Trong một dòng viết trên Twitter bằng tiếng Do Thái, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ca ngợi sự ra đời của chuyến bay như một ví dụ về "hòa bình vì hòa bình" - ám chỉ sự hoài nghi lâu nay của ông về quan điểm rằng chỉ có giao dịch đất đai bị chiếm đóng mới mang lại hòa bình giữa Israel và các nước Arab. Trong khi được nhiều nước phương Tây hoan nghênh, việc UAE công nhận Israel mà không có điều kiện tiên quyết về việc thành lập một nhà nước Palestine đã bị người Palestine tố cáo là “hành động phản bội”. Đổi lại mối quan hệ chính thức với UAE, ông Netanyahu đồng ý đình chỉ các kế hoạch gây tranh cãi nhằm sáp nhập các phần của Bờ Tây bị chiếm đóng - vùng đất mà người Palestine tuyên bố chủ quyền cho một nhà nước tương lai.

Trước UAE, Ai Cập và Jordan là các quốc gia Arab duy nhất khác ở Trung Đông chính thức công nhận Israel, sau khi lần lượt ký các hiệp ước hòa bình vào năm 1978 và 1994. Mauritania, một thành viên của Liên đoàn Arab ở Tây Bắc Châu Phi, thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel vào năm 1999 nhưng cắt đứt quan hệ vào năm 2010. Ngoài việc thiết lập 2 chuyến bay trên, Israel và UAE cũng đang thảo luận chi tiết về việc mở Đại sứ quán ở nhau, cũng như thiết lập các mối liên hệ thương mại và đi lại trước khi chính thức ký kết Hiệp định bình thường hóa quan hệ song phương theo thỏa thuận hôm 13-8. Trong động thái tích cực khác, hồi cuối tuần qua, UAE hủy bỏ đạo luật tẩy chay Israel, vốn có từ năm 1972, và đầu tháng này khi hai nước lần đầu tiên mở dịch vụ điện thoại trực tiếp.

Tổng thống Mỹ hôm 13-8 đã bất ngờ thông báo UAE và Israel đã nhất trí hướng tới bình thường hóa quan hệ trong một thỏa thuận do Washington làm trung gian, và nhận được sự ủng hộ của nhiều nước như Pháp, Đức. Tuy nhiên, nó vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của giới chức Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Mặc dù vậy, với Tổng thống Trump, nó được xem là thành quả ngoại giao vì nó có ý nghĩa quan trọng trong tham vọng hiện thực hóa tầm nhìn hòa bình tại Trung Đông. Khi cuộc bầu cử Tổng thống đang tới gần, tham vọng của nhà lãnh đạo Mỹ không chỉ là tạo lập một liên minh nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Iran tại khu vực, mà còn coi đây là bàn đạp “để đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, mà trước tiên là trên mặt trận ngoại giao.

KHẢ ANH