Báo Công An Đà Nẵng

Ít có nhà văn trẻ chọn nghề viết văn để sống...

Thứ bảy, 24/05/2014 08:57

(Cadn.com.vn) - Sáng nay (24-5), Hội Nhà văn TP Đà Nẵng tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2013-2018, đề ra phương hướng nhiệm vụ trong thời gian đến. Nhân sự kiện này, phóng viên (P.V) Báo Công an TP Đà Nẵng đã trao đổi với nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm-Chủ tịch Hội Nhà văn TP-một số vấn đề liên quan đến đội ngũ sáng tác trên lĩnh vực văn học của Đà Nẵng thời gian qua...

Chủ tịch Hội Nhà văn TP Đà Nẵng, nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm. Ảnh: P.T

Thưa ông! Thời gian qua, hội viên Hội Nhà văn TP gặt hái được một số thành quả đáng kể; có nhiều tác giả, tác phẩm đạt giải thưởng trong nước và quốc tế. Tuy nhiên,  so với tốc độ phát triển vượt bậc về KT-XH và cơ sở hạ tầng đô thị Đà Nẵng trong hơn 15 năm qua thì đời sống  VHNT của Đà Nẵng vẫn chưa theo kịp. Ông nghĩ sao trước nhận xét này?

 Trước khi trả lời vấn đề này, tôi xin được nói đôi nét về tình hình chung của Hội Nhà văn TPĐN. Có thể nói, văn học Đà Nẵng là sự tiếp nối dòng văn học Quảng Nam-Đà Nẵng (thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI). Sau năm 1975, một lực lượng đội ngũ viết văn, làm thơ, nghiên cứu văn học khá hùng hậu trưởng thành trong kháng chiến trở về Đà Nẵng tiếp tục xây dựng dòng văn học cách mạng của tỉnh QN-ĐN. Có thể nói, họ chính là những người có công đầu tiên trong việc xây dựng dòng văn học cách mạng tỉnh QN-ĐN.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng có một đội ngũ nhà văn trưởng thành trong dòng văn học đô thị miền Nam trước năm 1975, thế hệ trưởng thành từ năm 1975 và các tác giả trẻ trưởng thành từ những năm 1980 đến nay... Hiện nay, nhà văn các thế hệ vẫn tiếp tục sáng tác, có tác phẩm chất lượng về nội dung cũng như nghệ thuật... Thế mạnh trong sáng tác văn học của Đà Nẵng là đề tài viết về lịch sử và đề tài chiến tranh cách mạng. Thời gian qua, có một số tác phẩm của Đà Nẵng đã được cả nước đánh giá cao, được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Trở lại vấn đề được đề cập, đúng là nhận xét ấy không sai. Tuy nhiên, nhìn lại thì thấy, trong một thời gian dài, Đà Nẵng không phải là trung tâm lớn có khả năng, năng lực thu hút những nhà văn lớn về sống và sáng tác như Hà Nội và TPHCM. Đây là 2 TP có môi trường, điều kiện sống và sáng tác rất tốt, nên có nhiều nhà văn, nhà thơ sau năm 1975 về Đà Nẵng được một thời gian cũng đã chuyển vào TPHCM hoặc ra Hà Nội.

Vì vậy, lực lượng sáng tác của Đà Nẵng tương đối mỏng. Như đã nói, thế mạnh của Đà Nẵng vẫn là đề tài lịch sử và đề tài chiến tranh cách mạng. So với 2 đề tài này thì các tác phẩm viết về đề tài hiện đại gắn liền với sự phát triển của TP, đất nước, viết về thân phận những con người trong thời hiện đại..., đúng là chưa tạo được sức bật. Có cảm giác như đội ngũ nhà văn Đà Nẵng “đuối sức” trước mảng đề tài này, nếu có thì cũng chưa có tác phẩm nào mang tính khái quát cao, đủ tầm... Đây cũng là điều Hội Nhà văn TP hết sức quan tâm, trăn trở, mong muốn trong thời gian đến, cùng với sự phát triển của TP, Đà Nẵng sẽ thu hút nhiều hơn các nhà văn trong nước khai thác các đề tài này của Đà Nẵng...

Sáng tạo văn học là một công việc đòi hỏi tính tự thân của mỗi cá nhân rất cao. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân khiến đội ngũ nhà văn Đà Nẵng chưa có được những tác phẩm phản ánh đầy đủ cuộc sống đương đại,  được dư luận chú ý như một số tỉnh, thành phố khác?

 Khó có thể trả lời đầy đủ vấn đề này. Có một điều tôi nhìn thấy thế này, người xứ Quảng khi đi ra có điều kiện thì trưởng thành rất nhanh, đem lại những hiệu quả cụ thể. Ta có thể đơn cử, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh người Quảng Nam vào TPHCM lập nghiệp rất nổi tiếng. Anh được xem là nhà văn viết cho tuổi mới lớn nhất nhì tại Việt Nam hiện nay. Tại sao nhà văn không có những bước đột phá trong tác phẩm, theo tôi, yếu tố môi trường tác động rất lớn.

Thực tế, có nhiều nhà văn viết rất tốt, nhưng sau khi hoàn thành bản thảo thì hầu như không có “bà đỡ” nào bắt tay, không có một nhà phát hành nào tìm đến để hỗ trợ in ấn, quảng bá tác phẩm; hoặc tác phẩm in ra rồi cũng do điều kiện  về công tác quảng bá tác phẩm đến với bạn đọc còn hạn chế, nên không tạo được tiếng vang như ở một số nơi. Môi trường tác động rất quan trọng đến sáng tác của người làm nghệ thuật, văn học; tác động rất lớn đến nhiệt huyết của người viết. Khi có môi trường kích thích mạnh mẽ thì nhà văn mới có động lực để viết. Thực tế bây giờ nhà văn viết ra rồi tự anh bỏ tiền in, tự tìm bạn bè ký tặng, không ai nhận xét hay dở...

Về ý kiến cho rằng TP chưa quan tâm, tôi cho rằng chưa đúng lắm. Thực tế, văn học, đặc biệt là những sáng tác lớn, chính nhà văn mới là người thai nghén, đầu tư để có tác phẩm. Còn sự quan tâm của TP cũng chỉ là ở mức độ nào đó sau khi tác phẩm ra đời như tạo điều kiện in ấn, xuất bản. Hiện nay, Đà Nẵng sẵn sàng đối với những tác phẩm cũng sẽ hỗ trợ in ấn, không quá khó khăn trong vấn đề này. TP cũng mong muốn có những nhà văn nào mạnh dạn đăng ký sáng tác những tác phẩm lớn thì TP sẵn sàng đầu tư. Tuy nhiên, đến nay chưa có nhà văn nào mạnh dạn đăng ký đơn đặt hàng này...

Hội Nhà văn TP có vai trò như thế nào trong vấn đề phát hiện, đào tạo để nhà văn trẻ phát triển, trở thành đội ngũ kế cận tương lai?

 Đội ngũ nhà văn Đà Nẵng hiện nay quá mỏng, lớp kháng chiến đã lớn tuổi, họ đã hoàn thành xong sứ mệnh văn học của mình về đề tài chiến tranh cách mạng. Còn thế hệ nhà văn trẻ lại không hình thành hoặc hình thành một cách tự phát, và không ai chọn nghề viết văn để sống được. Từ hiện thực cuộc sống nên hiện nay Đà Nẵng chưa có nhà văn trẻ chuyên nghiệp. Nhiều người có năng lực nhưng không có thời gian đầu tư vì cuộc sống, mưu sinh... Theo lý thuyết thì có nghề văn đấy, nhưng trên thực tế đây là một nghề rất khó... Tôi rất tiếc là có một số tác giả trẻ (kể cả HS-SV ở các trại sáng tác trẻ) viết rất hay, thông minh, nhưng không ai chọn viết văn làm nghề cả.

Thôi thì, trong quá trình tương tác, sẽ có cơ duyên nào đó chăng... Văn học có tính đặc thù rất riêng, đòi hỏi tính tự thân của mỗi cá nhân rất cao. Về phần mình, Hội sẽ cố sức hết mình trong điều kiện có thể để tạo điều kiện phát hiện, phát triển các tài năng như: mở các trại sáng tác, tổ chức đi sáng tác thực tế, hỗ trợ trong in ấn... Tôi hy vọng tương lai không xa, đời sống văn học nghệ thuật của Đà Nẵng sẽ tạo được nhiều tiếng vang!

 Xin cảm ơn ông! Hy vọng cùng với sự nỗ lực và tâm huyết với Đà Nẵng, đội ngũ những người làm công tác sáng tác trên lĩnh vực văn học Đà Nẵng sẽ “cất cánh” bay xa!

P.Thủy (thực hiện)