Báo Công An Đà Nẵng

Italia mạnh tay chống dịch Covid-19

Thứ hai, 09/03/2020 08:09

Du khách đeo khẩu trang khi đến thăm Đấu trường La Mã tại Rome, Italia hôm 7-3, trước khi lệnh phong tỏa ở miền Bắc có hiệu lực.

Giới chức Italia đã quyết định đóng cửa rạp phim, nhà hát, bảo tàng cũng như các địa điểm vui chơi giải trí trên toàn quốc trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp với hơn 1.200 người được xác định nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua ở nước này, đánh dấu mức tăng theo ngày lớn nhất kể từ khi dịch bùng phát tại cách đây 2 tuần.

Hiện Italia là quốc gia có số người tử vong do Covid-19 nhiều nhất ngoài Trung Quốc với hơn 233 ca tử vong. Quốc gia Châu Âu này cũng đã ghi nhận gần 5.900 ca nhiễm, nhiều thứ 3 sau Trung Quốc và Hàn Quốc.

Gần 16 triệu người bị phong tỏa

Trên mạng xã hội Twitter ngày 8-3, Thủ tướng Giuseppe Conte cho biết, ông đã ký các kế hoạch nhằm siết chặt việc đi lại vào hoặc ra các khu vực rộng lớn ở miền Bắc nước này, bao gồm các thành phố Milan và Venice, nhằm nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 đang càn quét toàn cầu.

Theo đó, người dân ở miền Bắc Italia sẽ bị đặt trong tình trạng buộc phải cách ly từ sáng 8-3. Theo Reuters, lệnh phong tỏa chưa từng có tiền lệ sẽ ảnh hưởng đến khoảng 16 triệu người, chiếm gần 1/4 dân số Italia. Tất cả sẽ bị cách ly cho đến ngày 3-4. Người dân không được phép ra vào vùng Lombardy, vùng giàu có nhất Italia với thủ phủ là Milan, cũng như 14 tỉnh ở 4 vùng khác, bao gồm các thành phố Venice, Modena, Parma, Piacenza, Reggio Emilia và Rimini. Theo sắc lệnh, Italia cũng đã đóng cửa bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim và các cơ sở giải trí khác trên khắp cả nước. Các nhà hàng và quán bar sẽ được phép mở cửa từ 6 đến 18 giờ, chỉ khi họ có thể đảm bảo khách hàng ở cách nhau ít nhất 1m. Chính phủ cũng đã đóng cửa trường học, hộp đêm và sòng bài trên toàn quốc, trong khi nhân viên y tế không được nghỉ phép.

Việc áp đặt lệnh phong tỏa này là nhằm tránh để xảy ra nguy cơ Lombardy trở thành “Vũ Hán thứ 2”. Lombardy là vùng rộng nhất và giàu nhất nằm ở miền bắc Italy, chiếm tới 1/5 GDP cả nước với hơn 10 triệu người.

Căng thẳng và lo âu

Italia đã trải qua nhiều giờ hỗn loạn và mâu thuẫn trước khi Thủ tướng Conte ký sắc lệnh, vì tin rò rỉ cho rằng, chính phủ đang lên kế hoạch kiểm dịch mạnh mẽ. Các quán bar và nhà hàng trống rỗng khi mọi người đổ xô đến mua hàng trong khi nhà ga xe lửa ở vùng Padua vỡ trận. Khách du lịch với vali, đeo khẩu trang, găng tay và mang theo chai rửa tay xô đẩy lên tàu rời đi.

Nhưng Italia không phải là quốc gia duy nhất giới hạn các hoạt động công cộng và ra lệnh phong tỏa như thế này. Hiện, nhiều quốc gia phương Tây đang nỗ lực học theo Trung Quốc trong việc đối phó dịch bệnh bằng cách áp dụng các biện pháp kiểm soát du lịch và đóng cửa các sự kiện công cộng. Trên khắp thế giới, các sự kiện và lễ hội bị hoãn. Hạn chế và cảnh báo đi lại được ban hành. Giao thông, du lịch bị ảnh hưởng và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu đặt ra lo ngại về sự suy giảm kinh tế trên toàn thế giới. Saudi Arabia cấm khán giả đến bất kỳ cuộc thi thể thao nào bắt đầu từ 7-3. NBA, cũng như các đội thể thao của Anh và Nhật Bản đang xem xét làm điều tương tự, khi mùa bóng chày và bóng đá đang bắt đầu.

Sự lây lan của virus chết người này cũng đã gây tổn hại tâm lý. Các nhà chức trách và nhà sản xuất đã cố gắng đảm bảo người tiêu dùng không hoảng loạn, cảnh báo họ không cần phải tích trữ giấy vệ sinh, loại hàng hóa vốn đã “biến mất” khỏi các kệ hàng ở nhiều quốc gia khác nhau. Mối quan tâm đặc biệt là các tàu du lịch, nhiều trong số đó đang đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng do Covid-19.

Trong khi số người chết trên toàn cầu tăng lên trên 3.400, giờ đây có nhiều người khỏi bệnh hơn. Tính đến ngày 7-3, gần 90.000 trường hợp được chữa khỏi đã được báo cáo ở Châu Á; hơn 8.000 ca ở Châu Âu; 6.000 ở Trung Đông, và ít hơn 50 trường hợp được báo cáo cho đến nay ở Châu Phi… Trong khi nhiều nhà khoa học cho biết thế giới rõ ràng đang ở trong tầm ngắm của đại dịch - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không đồng ý như vậy, nói rằng, không nên dùng từ “đại dịch”. Theo WHO, virus Corona mới này vẫn ít gây ảnh hưởng hơn nhiều so với dịch cúm hàng năm, gây ra 5 triệu ca nhiễm bệnh nghiêm trọng trên toàn thế giới và lên tới 650.000 ca tử vong hàng năm, theo WHO.

Ở Iran, nỗi lo về virus và niềm tin của chính phủ đã trở thành một thách thức lớn đối với các nhà lãnh đạo đang quay cuồng với các lệnh trừng phạt của Mỹ. Thêm 1.076 ca nhiễm mới được xác nhận trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số người tử vong lên 145 và 5.823 người nhiễm bệnh. Tổng số người chết trong ngày 7-3 tiếp tục gia tăng với 21 trường hợp, trong đó có một chính trị gia, quan chức thứ 8 tử vong do Covid-19.  Hàn Quốc, quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất bên ngoài Trung Quốc, đã báo cáo 93 ca mới vào sáng 8-3, với tổng số lên tới 7.134 ca, trong đó có 50 người tử vong.

KHẢ ANH

CZECH KÊU GỌI ITALIA CẤM TẤT CẢ CÔNG DÂN ĐI LẠI TRONG CHÂU ÂU

Thủ tướng Czech Andrej Babis ngày 8-3 tuyên bố, Italia cần phải cấm tất cả công dân nước này đi lại trong Châu Âu.

Phát biểu trên đài truyền hình Czech, Thủ tướng Babis nêu rõ: “Italia cần cấm tất cả công dân của mình đi lại trong Châu Âu do chúng tôi không có khả năng ra yêu cầu như vậy từ bên trong Schengen (khu vực đi lại tự do trong EU gồm 26 nước).Đài truyền hình Czech đưa tin có 26 ca được xác nhận nhiễm tính đến tối 7-3, phần lớn những người nhiễm bệnh đều tới từ Italia hoặc tiếp xúc với người từng tới nước này.