Báo Công An Đà Nẵng

James Marape – "chủ nhân mới" của Papua New Guinea

Thứ bảy, 01/06/2019 13:06

Trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Papua New Guinea (PNG) ngày 30-5, cựu Bộ trưởng Tài chính James Marape giành chiến thắng áp đảo trước ông Mereke Mourata với số phiếu 101/8, trở thành Thủ tướng thứ 8 của nước này.

Cựu bộ trưởng tài chính James Marape được bầu làm Thủ tướng của PNG.   Ảnh: AFP

Bạn tâm giao của Thủ tướng

Ông Marape, 48 tuổi, tốt nghiệp Đại học PNG năm 1993 với bằng Cử nhân Nghệ thuật và danh dự về khoa học môi trường. Ông đặt chân vào Quốc hội lần đầu tiên vào năm 2007 với tư cách là ứng cử viên của đảng Liên minh Quốc gia, khi ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục trong chính phủ của Thủ tướng Michael Somare.

Trong cuộc bầu cử năm 2012, ông Marape là đại diện của khu vực Tari-Pori thuộc một tỉnh mới được thành lập có tên là Hela. Là một tỉnh cao nguyên, quê hương của những người tóc giả Huli nổi tiếng thế giới, Hela có cơ sở hạ tầng kém phát triển, đường sá nghèo nàn, điện chưa được phổ biến, hệ thống giáo dục và y tế xuống cấp. Ông Marape hứa sẽ khắc phục điều này cho người Huli của mình bằng nguồn tiền từ dự án khí hóa lỏng (LNG) đầu tiên của PNG. Nhưng tiến độ chậm hơn nhiều so với dự kiến. Sự kết hợp giữa nền kinh tế toàn cầu đang suy giảm và những dự báo quá lạc quan về dự án khiến dự án LNG thất bại. Cùng với ông O'Neill, với tư cách là Bộ trưởng Tài chính, ông Marape bị Ủy ban Giám sát chỉ trích nặng nề về vụ bê bối cho vay 1,23 tỷ USD với ngân hàng Thụy Sĩ USB mà PNG đã mua cổ phần tài trợ cho dự án LNG.

Ông Marape được bầu lại vào năm 2017 trong hoàn cảnh gây tranh cãi. Cuộc bỏ phiếu bị bao vây bởi bạo lực và các nhà quan sát bầu cử đã đặt câu hỏi về các lá phiếu thừa trong danh sách bầu cử. Nhưng cuối cùng, ông Marape được bổ nhiệm lại làm Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ của ông O'Neill.

Mất niềm tin

Niềm tin và lòng trung thành là đặc điểm trung tâm của nền văn hóa Huli, một trong những bộ lạc lớn nhất đất nước, ở vùng cao nguyên hỗn loạn PNG và đó là những yếu tố mà ông Marape, một nhà lãnh đạo của người Huli, đã viện dẫn khi từ chức Bộ trưởng Tài chính dưới thời chính phủ O'Neill hồi tháng 4.

Sau khi phục vụ ông O'Neill trung thành trong 7 năm, ông Marape cảm thấy những đề xuất chính sách bị phớt lờ và ông không còn giữ được niềm tin hay sự tin tưởng vào nhà lãnh đạo. Ông cảm nhận được điều này sau khi ông O'Neill thông qua dự án khai thác khí đốt tự nhiên hóa lỏng trị giá 16 tỷ USD với tập đoàn dầu khí Total của Pháp và tập đoàn ExxonMobil của Mỹ vào tháng 4. Để phản đối, ông Marape lãnh đạo các bộ trưởng và chính trị gia thuộc phe chính phủ đồng loạt từ chức.

Việc ông Marape từ chức thúc đẩy cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra tại PNG, buộc ông O'Neill cũng có động thái tương tự. Hôm 26-5, Thủ tướng O'Neill phải tuyên bố từ chức để tránh nguy cơ chính phủ bị lật đổ nếu có thêm một cuộc bỏ phiếu khác tại Quốc hội. Giới phân tích cho rằng, với chiến thắng của ông Marape, nhiều chính sách của chính quyền tiền nhiệm sẽ tiếp tục được duy trì, song sẽ gây trở ngại đối với chính sách năng lượng.

AN BÌNH