Báo Công An Đà Nẵng

Jerusalem vẫn “sôi sùng sục”

Thứ hai, 18/12/2017 11:07

HĐBA LHQ đang xem xét một dự thảo nghị quyết khẳng định, bất cứ sự thay đổi nào đối với quy chế của Jerusalem đều không có hiệu lực pháp lý và phải bị hủy bỏ. Động thái này rõ ràng nhằm phản ứng với quyết định gây sóng gió của Mỹ: công nhận thành phố này là thủ đô của Israel. 

Người Indonesia xuống đường tuần hành phản đối Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Ảnh: AFP

“Quyết định Jerusalem” của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đang phủ bóng khắp thế giới Hồi giáo, thổi bùng ngọn lửa bạo lực ở khu vực Trung Đông.

Nhiều cuộc biểu tình bùng nổ khắp nơi trên thế giới để ủng hộ người Palestine – quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp từ “quyết định Jerusalem” của ông Trump. Ngày 18-12, tại Indonesia - quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới  - hàng chục ngàn người đã xuống đường tuần hành để phản đối Tổng thống Trump. Đây là cuộc tuần hành lớn nhất tại Indonesia kể từ khi Tổng thống Trump đưa ra quyết định đi ngược lại với chính sách của Mỹ trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Cảnh sát Indonesia ước tính có khoảng 80.000 người đã tham gia cuộc tuần hành. Người biểu tình chủ yếu mặc đồ trắng, kêu gọi ông Trump thay đổi quyết định. Bộ trưởng các vấn đề tôn giáo Indonesia và Thống đốc Jakarta cũng có mặt ở khu vực tuần hành, vốn chỉ cách Đại sứ quán Mỹ vài mét. Cuộc tuần hành diễn ra trong hòa bình, nhưng cảnh sát đã phải dựng hàng rào thép gai bên ngoài đại sứ quán Mỹ tại Jakarta. Có khoảng 20.000 cảnh sát và binh sĩ được triển khai để bảo đảm an ninh.

Jakarta là một trong những quốc gia lên án mạnh mẽ nhất quyết định của Tổng thống Trump. Trước đó, một loạt các cuộc biểu tình nhằm phản đối quyết định của Mỹ đã diễn ra tại quốc gia Hồi giáo này, trong đó ở một số nơi, người biểu tình quá khích đã đốt quốc kỳ của Mỹ và Israel.

Không chỉ tại Indonesia, tại nhiều quốc gia Arab và Hồi giáo khác trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran hay Saudi Arabia, các cuộc biểu tình bạo động xảy ra liên tiếp. Nhưng lo ngại nhất là ở Gaza và khu vực Bờ Tây, nơi người biểu tình Palestine liên tục đụng độ với cảnh sát Israel. Căng thẳng gia tăng khi trong ngày 18-12, quân đội Israel tăng cường chiến dịch bắt giữ những người Palestine tại khu vực chiếm đóng Bờ Tây, bao gồm cả Đông Jerusalem, bắt giữ hàng trăm người. Quân đội Israel bắt 400 người Palestine trong cuộc trấn áp mà Israel đặt biệt danh là “Chiến dịch ngọn nến xanh”. Báo chí Israel đưa tin đây là một trong những chiến dịch bắt giữ quy mô lớn nhất trong nhiều năm qua, với sự tham gia của 1.600 binh sĩ. Nhiều nước và tổ chức quốc tế đã lên án chiến dịch này.

Để tìm một lối đi cho cuộc khủng hoảng hiện nay, HĐBA LHQ đang xem xét một dự thảo nghị quyết khẳng định, bất cứ sự thay đổi nào đối với quy chế của Jerusalem đều không có hiệu lực pháp lý và phải bị hủy bỏ. Ai Cập đã trình bản dự thảo lên HĐBA hôm 16-12. Bản dự thảo nhấn mạnh, Jerusalem là vấn đề “phải được giải quyết thông qua đàm phán” và bày tỏ “rất lấy làm tiếc về các quyết định mới đây liên quan đến quy chế của Jerusalem” nhưng không đề cập cụ thể đến động thái của Tổng thống Mỹ Trump.

Tài liệu này trở thành hành động đáp trả mạnh mẽ nhất “quyết định Jerusalem” của chính quyền Tổng thống Trump. Mục đích của dự thảo nghị quyết này, là nhằm củng cố những nguyên tắc đã có trong việc giải quyết vấn đề Palestine - Israel, theo đó, tình trạng của Jerusalem sẽ được xác định trong các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các bên.

Theo các nguồn tin, cơ quan quyền lực nhất thế giới này có thể bỏ phiếu về biện pháp được đề xuất vào hôm nay (18-12) với dự đoán “phần thắng” sẽ nghiêng về Palestine. Tuy nhiên, lo ngại đặt ra là Mỹ sẽ sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn dự thảo nghị quyết dù tất cả, hoặc hầu hết 14 thành viên còn lại của HĐBA ủng hộ văn bản này.

KHẢ ANH