Báo Công An Đà Nẵng

Joe Biden và đồn đoán về “cơn sóng thần” ngoại giao

Thứ hai, 17/08/2020 20:10

Cựu Phó Tổng thống Joe Biden đang vượt mặt Tổng thống Donald Trump trong các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử. Nếu thật sự ông Biden trở thành ông chủ Nhà Trắng sau cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với chính sách đối ngoại “thay đổi 180 độ”, trong đó có thể bãi bỏ hoàn toàn những chính sách táo bạo của ông Trump.

Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Biden và “phó tướng” Harris trong một chiến dịch tranh cử.   Ảnh: Reuters

Từ Trung Đông đến Châu Á, Châu Mỹ Latinh đến Châu Phi và đặc biệt là Châu Âu và về các vấn đề bao gồm thương mại, khủng bố, kiểm soát vũ khí và nhập cư, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ và các cố vấn của ông đã tuyên bố sẽ giải quyết theo kiểu tạo ra “cơn sóng thần” thay đổi cách Mỹ xử lý trên trường quốc tế. Với một vài ngoại lệ, người Mỹ có thể mong đợi ông Biden tái tham gia với các đồng minh truyền thống. Trong khi ông Trump đi theo chủ nghĩa hình tượng trong việc sử dụng các mối đe dọa thẳng thắn, kiểu lăng mạ để nhấn mạnh quan điểm của mình, ông Biden chắc chắn sẽ có khuynh hướng khác, trong đó chủ yếu là tìm kiếm điểm chung và sự thỏa hiệp.

Trong lịch sử, chính sách đối ngoại của Mỹ không thay đổi gì nhiều giữa các đời tổng thống của đảng Dân chủ và Cộng hòa. Các đồng minh và đối thủ vẫn giữ nguyên và một quân đoàn ngoại giao phi đảng phái theo đuổi lợi ích của Mỹ. Nhưng điều đó đã thay đổi dưới thời ông Trump. Theo chính sách “Người Mỹ trước tiên”, ông Trump luôn chỉ trích và ngờ vực các đồng minh trong khi nói chuyện nồng nhiệt với những đối thủ truyền kiếp như Triều Tiên và Nga. Nhưng ông Trump cũng thấy rất khó để có những thay đổi nhanh chóng. Giới học thuật thường nói rằng chính sách đối ngoại của Mỹ đang đi theo kiểu: nói dễ làm khó.

Tổng thống Trump đã nhìn thấy điều đó khi ông đã không thể rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ngay trong năm đầu khi lên nắm quyền mà phải mất đến 2 năm. Những thông báo công khai việc rút khỏi thỏa thuận Hiệp ước Khí hậu Paris và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng sẽ không thực sự trở thành hiện thực cho đến sau cuộc bầu cử ngày 3-11, nếu ông tiếp tục đắc cử. Quyết định điều động lại hàng nghìn binh sĩ từ Đức của ông cũng có thể phải mất nhiều năm. Các vấn đề ban đầu của Tổng thống Trump có thể phản ánh sự thiếu kinh nghiệm nắm quyền chính trường của cả ông và các cố vấn hàng đầu. Ông Biden, với kinh nghiệm ở Thượng viện và Nhà Trắng, có thể điều hành mọi việc tốt hơn, nhất là trong việc đưa ra những thay đổi nhanh chóng. Nói với các phóng viên tại Delaware, ông Biden khẳng định “tôi biết cách hoàn thành công việc trên phạm vi quốc tế. Đó là điều tôi đã làm trong suốt cuộc đời mình. Ông Trump không có khái niệm về nó”.

Chiến dịch tranh cử của ông Biden cũng đã tập hợp một đội ngũ cố vấn chính sách đối ngoại giàu kinh nghiệm: Jake Sullivan từng là phó trợ lý của Tổng thống Barack Obama và giám đốc hoạch định chính sách tại Bộ Ngoại giao. Nicholas Burns từng đảm nhận các vị trí chính sách đối ngoại cấp cao dưới thời các Tổng thống George W. Bush và Bill Clinton. Tony Blinken từng là Thứ trưởng ngoại giao và phó cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Obama. Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia và đại sứ LHQ dưới thời ông Obama. Và cả cái tên đang nổi danh: “phó tướng” Harris mới được công bố của ông Biden.

Tuy nhiên, đội ngũ chiến dịch tranh cử của Trump coi kinh nghiệm chính sách đối ngoại của Biden như một điểm yếu. “Thành tích xoa dịu và chủ nghĩa toàn cầu của Joe Biden sẽ gây bất lợi cho chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ, và sau nhiều thập kỷ giữ nguyên hiện trạng, Tổng thống Trump đã nói rõ rằng, Mỹ sẽ không còn bị phần còn lại của thế giới lợi dụng”, Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Ken Farnaso cho biết trong một tuyên bố.

KHẢ ANH