Báo Công An Đà Nẵng

Jordan sẽ làm gì với Abu Qatada?

Thứ ba, 09/07/2013 11:17

 

(Cadn.com.vn) - Giáo sĩ Hồi giáo cực đoan Abu Qatada cuối cùng cũng bị trục xuất khỏi Anh. Y sẽ phải đối mặt với những gì tại quê nhà Jordan? Tất nhiên, y sẽ bị đưa ra xét xử lại về tội khủng bố. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi được đặt ra về việc liệu Jordan có thể kết án giáo sĩ mà một thẩm phán người Anh gọi là “một cá nhân thực sự nguy hiểm”?

 

Bị giam giữ

 

Các nhà chức trách Jordan không thích sử dụng từ “nhà tù” - nhưng một khi Qatada về nước, đó chính xác là nơi y sẽ đến. Một khi bước ra khỏi máy bay, sẽ không có bữa tiệc chào mừng nào cả. Y sẽ bị bắt và đưa đến một nhà tù dân sự, và quá trình xét xử lại bắt đầu.

 

Các nhà chức trách xác nhận rằng, Tổng cục Tình báo Jordan (GID), cơ quan an ninh liên quan đến việc ngược đãi các tù nhân, sẽ không được tham gia vào vụ bắt giữ, thẩm vấn, tạm giam Qatada. Qatada sẽ bị giam tại Trung tâm Cải cách và Phục hồi chức năng Juweida, một nhà tù ở phía nam thủ đô Amman, nơi đang có 1.000 tù nhân đang chờ xét xử. Vì vụ việc lần này nhận được sự quan tâm lớn của công chúng, nên khả năng Qatada bị ngược đãi trong khi bị giam giữ là rất ít. Ngoài ra, việc đối xử công bằng với y là điều kiện tiên quyết đưa ra trong thỏa thuận giữa Anh và Jordan nhằm mở đường cho việc trục xuất Qatada.

 

Tuy nhiên vẫn có nhiều lo ngại về phiên tòa sắp tới tại Tòa án An ninh quốc gia. Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May nói với các nghị sĩ “đó không phải là một tòa án bán quân sự”, như theo đề nghị của các nhà phê bình. Tòa án này nằm trên một ngọn đồi ở huyện Marka, đối diện trụ sở chính của quân đội. Qatada sẽ được xét xử bởi 3 thẩm phán dân sự, nhưng công tố viên là một sĩ quan quân đội.

 

 

 

Giáo sĩ Abu Qatada chuẩn bị được đưa lên xe về Jordan. Ảnh: Reuters 

 

Phiên tòa “Cải cách  và thách thức”

 

Tháng 4-1999, Qatada, lúc đó đang ở Anh, bị kết tội âm mưu gây ra một vụ nổ, trong phiên tòa được biết đến với tên gọi “Cải cách và thách thức”.

 

Kẻ cầm đầu âm mưu, Abdul Nasser Al-Hamasher đưa ra nhiều bằng chứng chống lại Qatada. Al-Hamasher cho biết, Qatada đã khuyến khích thực hiện vụ tấn công. Tuy nhiên, sau đó, Al-Hamasher tuyên bố ông đã bị GID tra tấn để thú nhận điều này. Khi Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECtHR) xem xét lại trường hợp này, họ kết luận rằng, có bằng chứng cho thấy Al-Hamasher bị đánh đập. ECtHR sau đó đưa ra phán quyết cấm trục xuất giáo sĩ vì “nguy cơ thực sự” rằng y có thể bị tra tấn. Phán quyết quan trọng này khiến các quan chức và Bộ trưởng Anh phải thường xuyên đến Jordan, quyết tâm tìm cách để đưa Qatada về nước.

 

Các nhà chức trách Jordan lúc đầu không muốn đưa Qatada về nước. Nhưng một bước đột phá xảy ra khi hai nước hồi tháng 3 đạt được thỏa thuận cấm sử dụng các biện pháp tra tấn trong tiến trình xét xử. Quốc hội ủng hộ hiệp ước bởi vì nó chứa các điều khoản tạo điều kiện thuận lợi để Jordan được nắm trong tay nhiều tên tội phạm nguy hiểm, như chú của Vua Abdullah, Walid al Kurdi, người bị kết án vắng mặt 37 năm về tội tham nhũng hồi tháng 6, được cho là đang sống ở London. Al-Hamasher sẽ được gọi làm nhân chứng trong phiên tòa tái thẩm. Dù ông này sẽ khai rằng họ bị tra tấn khi đưa ra lời cáo buộc, nhưng Qatada có thể bị ép phải thừa nhận tham gia vào âm mưu khủng bố.

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Ahmad Ziadat Jordan bác bỏ vấn đề này đồng thời khẳng định, phiên tòa sẽ “làm sáng tỏ hơn vai trò của Qatada trong việc tài trợ và lập kế hoạch âm mưu khủng bố, hành động ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh đất nước”.          

 

Lo lắng

 

Qatada cũng bị cáo buộc gây quỹ cho âm mưu khủng bố thứ hai có tên “Thiên Niên Kỷ” khi gần 30 phần tử thánh chiến lên kế hoạch để khởi động các cuộc tấn công vào một khách sạn ở Amman, nằm ở biên giới với Israel.

 

Ali Soufan, một nhân viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã phát hiện một ngôi nhà tại Amman có các bình chứa acid và các hóa chất được cho là dùng để chế tạo bom. Súng, đạn và kíp nổ cũng được phát hiện tại nhiều địa điểm khác. Abu Qatada bị buộc tội cung cấp tiền mặt cho âm mưu này và động viên tinh thần của các phần tử thánh chiến thông qua các bài viết ca ngợi. Năm 2000, giáo sĩ một lần nữa bị xét xử và bị kết án 15 năm tù giam và lao động khổ sai. Tuy nhiên, cũng như cáo buộc đầu tiên, các nhân chứng chống lại y hiện cho biết họ bị cưỡng chế trong khi thú tội.

 

Vì thế, hiện nay, gia đình Qatada lo lắng,  “lịch sử sẽ lặp lại”. Trong khi đó, người bạn Marwan Shehadeh tin rằng, ông có thể được tuyên bố trắng án.

 

An Bình (Theo BBC)