Karachi - thành phố chết chóc
(Cadn.com.vn) - Cảnh sát Pakistan đang chiến đấu ác liệt chống Taliban, không chỉ ở khu vực phía bắc giáp biên giới Afghanistan, mà còn ở Karachi, trung tâm kinh tế và văn hóa. Cảnh sát ở Karachi phải hoạt động hết sức căng thẳng, với 15.000 nhân viên đảm bảo an ninh cho thành phố hơn 20 triệu người. Trung bình, mỗi ngày có 1 sĩ quan cảnh sát bị giết trong khi đang làm nhiệm vụ.
5 tháng trước, Taliban tổ chức cuộc tấn công táo bạo. 10 người đàn ông trang bị vũ khí ăn mặc như nhân viên an ninh xông vào nhà ga hàng hóa của sân bay bận rộn nhất Pakistan, ở Karachi, giành quyền điều khiển một máy bay. Trong trận chiến kéo dài qua đêm, hầu hết các tay súng bị bắn trong khi số còn lại tự cho nổ tung mình. Ít nhất 28 người chết.
Cảnh sát Karachi đang chiến đấu chống lại Taliban với quyết tâm nhổ tận gốc các phiến quân ẩn trong các vùng ngoại ô thành phố, nhưng đó là công việc nguy hiểm. Trong số 15.000 nhân viên cảnh sát trong thành phố, trung bình 1 người phải hy sinh mỗi ngày. “Chống lại chúng ở phía bắc Pakistan thì dễ hơn bởi vì chúng ta có mục tiêu rõ ràng. Tuy nhiên, tại thành phố như Karachi, điều này rất khó vì có hơn 70 nhóm riêng biệt... và bạn không biết ai là kẻ thù của mình. Chúng tôi đang trong một cuộc chiến thực sự”, ông Ijaz, sĩ quan cấp cao của Cục Điều tra hình sự Karachi, nói.
Trong hơn thập kỷ qua, thủ đô kinh tế của Pakistan thường xuyên xảy ra các vụ giết người vì động cơ chính trị nhưng giờ đây tất cả các bên đều có chung kẻ thù: Taliban.
Cảnh sát Karachi trong vụ đột kích ban đêm. Ảnh: BBC |
Đột kích
Ijaz và đội ngũ 25 cán bộ trang bị vũ khí thường xuyên thực hiện các cuộc tấn công ban đêm vào những nơi ẩn náu như vậy.
Những nơi này nhanh chóng trở thành khu vực cấm đi lại đối với các đơn vị cảnh sát khác, đặc biệt là sau khi mặt trời lặn. Ijaz nói lực lượng của ông thường thực hiện nhiều cuộc tấn công trong khoảng thời gian 1-4 giờ để không bị phát hiện. Tại một số nơi, người dân địa phương phải trả tiền bảo kê cho Taliban và người ngoài không thể di chuyển tự do trong khu vực này.
Trong tòa nhà được canh gác cẩn thận, các nghi phạm bị nghi ngờ là thành viên Taliban đang bị giam giữ để thẩm vấn. Ijaz cởi mở về việc sử dụng “cánh tay xoắn”. Ông thừa nhận trấn nước và súng hơi cay đôi khi được sử dụng. “Chúng tôi không thể nhẹ nhàng yêu cầu các nghi phạm khai báo sự thật. Chúng không phải là những đứa trẻ, chúng là những tay tội phạm lão luyện và phải bị đối xử như thế này”, ông lập luận.
Tuy nhiên, Ủy ban Nhân quyền của Pakistan, lại có quan điểm khác. Họ cáo buộc cảnh sát Karachi tra tấn những người bị giam giữ và thậm chí xử tử họ ngoài vòng pháp luật.
Tiến trình xét xử chậm chạp
Tại một phòng khác, cảnh sát đang tra hỏi 1 nghi phạm. Y bị còng tay, bịt mắt.
“Tôi đánh bom thành phố này, đặt bom trong xe hơi, xe kéo hoặc khối xi-măng. Tôi giết chết 20-25 người trong các cuộc tấn công. Khi tôi xem tin tức về những người đang hấp hối, tôi thấy hạnh phúc vì họ là những kẻ đạo đức giả. Tôi cũng sử dụng súng. Tôi đã giết chết 4-5 cảnh sát”, y khai. Sau đó, y bị buộc tội giết người và âm mưu chống lại nhà nước. Tuy nhiên, khó có thể nói khi nào y bị đưa ra xét xử, bởi hệ thống tư pháp của Pakistan nổi tiếng là chậm chạp.
Kể từ tháng 9-2013 đến cuối tháng 8-2014, không một trường hợp khủng bố nào được đưa ra xét xử. Ijaz cho biết điều này khiến cảnh sát nản lòng. Các nhân chứng đang lo sợ. Làm chứng tại tòa án chống lại Taliban là rủi ro mà nhiều người không sẵn sàng chấp nhận. Tuy nhiên, Ijaz cho biết mình vẫn đầy quyết tâm trong cuộc chiến chống khủng bố. Đó là chiến thắng của niềm tin.
An Bình
(Theo BBC)