Báo Công An Đà Nẵng

Kazakhstan chìm trong biểu tình bạo loạn

Thứ sáu, 07/01/2022 21:51

Tổng thống Kazakhstan đã đề nghị Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu hỗ trợ ngăn bạo loạn ở nước này, khi các cuộc biểu tình chống chính phủ tiếp tục lan rộng.

Người biểu tình đứng bên ngoài văn phòng thị trưởng Almaty, Kazakhstan ngày 5-1. Ảnh: Reuters 

Trụ sở chính phủ trong "biển lửa"

Các cuộc biểu tình bắt đầu vào ngày 2-1 ở miền tây Kazakhstan khi giá cả khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng cao. Người dân Kazakhstan dùng LNG làm nhiên liệu chạy ô-tô thay vì xăng. Trong khi đó, chính phủ từ chối tiếp tục trợ giá và nói rõ rằng từ nay trở đi, giá LNG sẽ chỉ do thị trường kiểm soát. Giá LNG đã tăng gấp đôi ngay lập tức - từ 0,14 đến 0,28 USD/lít. Chính phủ cho rằng không trợ giá sẽ giúp giá LNG cân bằng dựa trên cung và cầu cũng như thu hút thêm đầu tư cho sản xuất. Các nhà chức trách cho rằng mô hình cũ đã khiến các nhà sản xuất LNG liên tục thua lỗ.

Các cuộc biểu tình leo thang bạo lực khi những người biểu tình đốt xe cảnh sát, xông vào các tòa nhà chính phủ, phóng hỏa dinh tổng thống và chiếm giữ sân bay quốc tế ở Almaty. Truyền thông địa phương đưa tin sân bay ở Almaty, thành phố lớn nhất của Kazakhstan, đã bị người biểu tình đột nhập, trong khi chính phủ nước này ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc (Hiện lực lượng chức năng Kazakhstan đã giành lại quyền kiểm soát sân bay này). Lệnh hạn chế đi lại được áp đặt tại 3 thành phố lớn và 14 tỉnh, dự kiến kéo dài đến ngày 14-1. Tại 3 thành phố lớn, người biểu tình tấn công các quan chức chính quyền địa phương, đập phá các tòa nhà của chính phủ. Bộ Nội vụ Kazakhstan cho biết, người biểu tình cũng kéo về dinh tổng thống cũ ở Almaty, đập phá và phóng hỏa tòa nhà này. Một số tòa nhà chính phủ cũng bị đốt phá. Thành phố Almaty cũng là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề nhất.

An ninh bất ổn đã buộc Tổng thống Tokayev phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại tỉnh Mangistau, thành phố Almaty và mới đây là tại thủ đô Nur-Sultan. Trước tình hình này, vào tối 5-1 (giờ địa phương), Tổng thống Kazakhstan đã chính thức yêu cầu sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên CSTO trước tình hình bạo lực leo thang trong nước do các phần tử khủng bố đứng đằng sau. Nhà lãnh đạo Kazakhstan cho rằng các băng nhóm khủng bố hoạt động ở Kazakhstan đã được đào tạo ở nước ngoài và do đó có thể coi là khủng bố quốc tế.

CSTO có 6 quốc gia thành viên, gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan. Điều lệ của tổ chức này cho phép giải quyết tình trạng bất ổn nội bộ, nhưng phải được thực hiện trên cơ sở quyết định của một quốc gia có chủ quyền. Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Tokayev nhấn mạnh rằng: "Đây là một trang rất khó khăn trong lịch sử của quốc gia và nhiều điều phải được nghiên cứu, nhưng điều chính yếu bây giờ là bảo vệ đất nước, bảo vệ công dân".

Khói lửa bao trùm thành phố Almaty. Ảnh: Reuters

Sáng 6-1, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, người đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng tối cao CSTO đã quyết định cử các lực lượng gìn giữ hòa bình tới Kazakhstan. Theo ông Pashinyan, quyết định này được đưa ra sau khi tham vấn với lãnh đạo các quốc gia thành viên của CSTO và xuất phát từ sự can thiệp từ bên ngoài vào tình hình của Kazakhstan.

Trước  các cáo buộc chính Mỹ đứng sau các cuộc biểu tình bạo lực làm rung chuyển Kazakhstan, phát ngôn viên Nhà Trắng đã phủ nhận. "Nhà Trắng đang theo dõi sát sao tình hình ở Kazakhstan và ủng hộ lời kêu gọi các bên bình tĩnh, để người biểu tình thể hiện quan điểm một cách hòa bình và giới chức trách Kazakhstan kiềm chế", bà Jen Psaki nói với các phóng viên hôm 5-1.

Trong khi đó,  Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở quốc gia láng giềng Kazakhstan và kêu gọi các bên tiến hành đối thoại trong bối cảnh tình trạng bất ổn chưa từng thấy đã vượt tầm kiểm soát ở quốc gia Trung Á này. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh ủng hộ một giải pháp hòa bình cho tất cả các vấn đề trong khuôn khổ pháp lý và hiến pháp cũng như thông qua đối thoại, chứ không phải bằng các hành động bạo loạn đường phố hay vi phạm pháp luật. Nga hy vọng tình hình tại Kazakhstan có thể sớm trở lại bình thường. Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho rằng Kazakhstan có thể giải quyết được các vấn đề nội bộ của nước này, và điều quan trọng là không có sự can thiệp từ bên ngoài.

Cả hai tuyên bố đều không đề cập đến Mỹ.

KHẢ ANH