Báo Công An Đà Nẵng

Kể chuyện 7 Dũng sĩ Điện Ngọc (3)

Thứ bảy, 11/04/2015 10:00

* KỲ CUỐI: TÌNH ĐỒNG ĐỘI, TÌNH DÂN

(Cadn.com.vn) - ... Trời chạng vạng thì địch bắt đầu rút quân, chỉ còn một ít tên vừa bắn cầm chừng vừa rút. Tưởng Nghĩa và Tám đều hy sinh, Võ Như Hưng lên khỏi giếng bò vào xóm nhà dân. Trước khi bò ra khỏi giếng, trong bóng tối, Võ Như Hưng thấy ba đống đen đen ở trong giếng, nghĩ đó là Tựu, Nghĩa và cái giỏ bộc phá. Rồi Hưng bò ra đám thuốc lá nằm thấy người khỏe lại, biết địch đã rút hết. Bỗng nghe có tiếng sột soạt, Võ Như Hưng ra tín hiệu và Tám nhận ra, đáp lại. Thì ra Nghĩa chết nằm đè lên người Tám nên Võ Như Hưng không biết Tám nằm dưới.

Tỉnh lại, Tám đẩy Nghĩa ra ngồi dậy, thấy im ắng liền chồm lên miệng ao, bám vào bụi cỏ ống leo lên. Thế là Hưng và Tám gặp nhau trong đám cây thuốc lá ngã rạp. Trời tối mịt, mưa bay bay. Không còn người dẫn đường, lơ mơ mà bò vô đụng ấp chiến lược thì chết, Hưng chỉ ánh đèn sáng xa xa kia, nói đó là Cầu Đỏ, cứ nhắm hướng đó đi sẽ  không sợ lạc. Hưng dìu Tám đi một đoạn thì kiệt sức. Tám nói khát quá tìm nước uống. Hưng vừa bò đến gần một cái ao khác định xuống uống và cởi áo nhúng nước đem về vắt cho Tám uống thì nghe tiếng mõ, tiếng kẻng vang lên, tiếng hô la truy bắt Cộng sản. Thế là hai anh em bỏ uống nước, bò ra khỏi làng, nhắm hướng Cầu Đỏ, băng thổ mà đi.

Quanh các bờ thổ đều có rào tre, dứa dại và gai lưỡi long. Cả người Tám và Hưng dính đầy gai lưỡi long. Tám bảo Hưng cố thoát đi để Tám nằm lại. Dù bị thương nặng nhưng Hưng vẫn không đành để bạn nằm lại, thế là hai anh em cắn răng bò. Lúc này chân trái Tám máu ra nhiều, tê cứng, bò rất đau nên phải dựa vào hai cùi chỏ và hai bàn tay cùng sự động viên của Hưng. Khi trườn đến một đám đất cày, sức đã cạn kiệt, Tám nói với Hưng: “Tôi với anh khoét một cái hục, tôi nằm xuống, anh lấy đất cày lấp lên người tôi chỉ chừa hai con mắt. Trời sắp sáng rồi, anh bò về báo cho anh em biết, nếu xuống được thì xuống đón em sau” nhưng Hưng không chịu.

Gần 4 giờ sáng thì hai anh em bò đến bờ sông Tứ Câu. Thấy một bụi gai Kim Đàn (loại chanh rừng nhiều gai), hai người quyết định nằm lại đó. Hưng đẩy Tám vào trước rồi bò vào nằm bên Tám. Bấy giờ vùng này rất ít nhà dân nhưng vẫn nghe có tiếng chó sủa xa xa, mấy con gà đi ăn thấy người thì cục tác. Trời nắng dần lên, nóng và khát nước nhưng hai người không dám bò xuống sông uống. Bình thường con sông hẹp chừng vài chục mét này bơi một nháy là tới bờ bên kia, chừ cả hai đều bị thương nên sông nước là một chướng ngại.

Lúc đầu ai cũng nghĩ đến việc kiếm chuối cây làm bè nhưng lấy gì chặt chuối cây, vả lại, gặp dân sẽ lộ. Tám bỗng nhớ chuyện ở quê, liền nói với Võ Như Hưng: “Ở đây phụ nữ sinh con thường nằm giường tre. Đủ cữ thì ném giường xuống sông. Anh xem có cái giường nào tấp ở ven sông không?”. Hưng bò đi một đoạn thì thấy một cái giường tre. Quá mừng. Hưng tháo bốn chân giường ra lấy dây thắt lưng bó vào thân giường thành cái bè. Nằm một ngày chịu đói chờ màn đêm xuống, Hưng kéo Tám ra khỏi lùm cây. Cái chân bị thương của Tám chết cứng đờ nên không nhúc nhích được, thế là phải từ từ kéo Tám dần xuống sát mép sông.

Từ bờ xuống tới mép nước khá cao, lại trơn trợt nên Hưng không tài nào dìu Tám xuống được đành để Tám tự tuột xuống tới mép nước. Sau khi uống mỗi người một bụng nước, Hưng đẩy Tám nằm lên bè cho Hưng đẩy. Mới đẩy ra gần giữa sông, gặp nước sâu, chảy lừ đừ nhưng Hưng không còn sức vì vết thương nhức nhối, lại đói cồn cào. Tay Hưng không bám được cái thanh giường, muốn chìm, thế là Tám lăn xuống sông, đẩy Hưng lên bè, tay trái Tám bám vào cái bè, tay phải làm chèo bơi qua bờ bên kia. Tấp được vào bờ rồi thì quá mừng, song cả hai đều ngất ngư, bò vào sát bụi cây nằm một lúc thì tỉnh. Lại lo sẽ gặp địch trong khi hai cây tiểu liên không có một viên đạn.

Đang chuẩn bị tinh thần bò qua đường số 1về Điện Thắng, Điện Hòa thì hai người nghe tiếng động và một bóng người. Ai? Địch hay ta? Địch thì phải dọa cho nó sợ. Rồi họ nhận ra một người lính tổng đoàn, có súng. Hưng cầm cây súng lên đạn hai lần rẹt, rẹt hai tiếng tắc cu, tắc cu, là ám hiệu của Tổ khi xuất quân. Hưng dừng lên đạn thì người lính tổng đoàn từ bụi tre ven bờ sông bước lại. Anh ta cõng Tám lên vai, Hưng theo sau, đi một đoạn thì vào một nhà ông Đội Điền, chú của bà Đặng Thị Mạnh và Đặng Thị Tý, hai cơ sở do Đặng Bảo Trung (từng làm quyền Trưởng Ban Binh vận Quảng Đà) làm Bí thư.

Nhà ông Đội Điền có nhà thờ tộc Đặng là nơi từng nuôi giấu cán bộ Huyện ủy Điện Bàn... Hôm ấy chủ nhà chưa kịp kiếm gì cho hai anh ăn thì ba người tạm biệt gia đình đi ngay trong đêm, vượt qua đường số 1 lên đến làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng thì gần sáng. Ba người ngồi bên bụi cây nghỉ một lúc thì băng đồng về đến nhà bà Toàn ở Quang Hiện xã Điện Hòa khi vừa sáng...

Tượng đài Dũng sĩ Điện Ngọc.

Cuộc đụng độ giữa các chiến sỹ và địch diễn ra gần một ngày làm cho các cán bộ Điện Bàn và du kích các xã Điện Ngọc, Điện Nam, Điện Thắng rất lo lắng. Huyện ủy cử du kích bám theo hành lang lên xuống giữa vùng đông và vùng trung chờ đón anh em trở lại. Quả vậy, một tổ du kích mật của thôn Ngân Hà xã Điện Ngọc đã đưa Hưng và Tám về đến nhà bà Toàn ở làng Quang Hiện trước khi trời sáng. Tám nhớ, lúc gặp tổ du kích, hai anh em đều kiệt sức, mê man vì mất máu nhiều, đói...

Sau này, cả những ngày bị tai biến không còn đi lại được, Nguyễn Tám cứ ân hận vì không thực hiện được tâm nguyện là sau khi lành vết thương hoặc sau ngày hòa bình sẽ tìm thăm gia đình cơ sở ở làng Quang Hiện và ông Đội Điền. Ông lão tóc râu bạc trắng  mà Tám Rìu nhìn thấy trong đêm được anh em cõng vào nhà, Tám Rìu mong một lần gặp lại nhưng không thực hiện được... Sau trận Điện Ngọc, Tám tham gia đánh địch ở Đại Lộc. Võ Như Hưng chiến đấu cũng bị thương thủng ruột, đồng đội khiêng lên trạm xá trên dốc Ông Thủ.

Trạm xá không có thuốc mê, các y sỹ lấy dây buộc chân tay Võ Như Hưng để mổ vết thương. Mổ chưa xong thì Hưng chết, được đồng đội chôn cất ở gần Bệnh xá trên Dốc Ô Rây. Trận đó Nguyễn Tám bị thương nặng được chuyển ra miền Bắc điều trị. Võ Như Hưng sau đó được phong tặng AHLLVT. Lê Tấn Hiền cũng được truy phong AHLLVT... Tám Rìu tâm sự: “Bảy Dũng sĩ thì đã đi sáu rồi, hơn nửa thế kỷ trôi qua, mình sống đến lần thứ bốn mươi kỷ niệm ngày giải phóng, được tận mắt nhìn từng ngày quê hương đổi thay là hạnh phúc lớn lắm rồi!”.

Hồ Duy Lệ