Báo Công An Đà Nẵng

Kế hoạch áp giá trần dầu Nga gặp cản trở mới

Thứ sáu, 07/10/2022 08:47
Quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ giúp Nga tiếp tục kiếm được nguồn thu đáng kể từ xuất khẩu dầu thô. Ảnh: nherd.com

Quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ được đưa ra đúng như dự báo trước đó của giới phân tích về một động thái để kéo giá dầu tăng trở lại. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Abdulaziz bin Salman, bảo vệ động thái trên, nói rằng ưu tiên của họ là "duy trì một thị trường dầu bền vững", tại một cuộc họp báo sau cuộc họp trực tiếp đầu tiên của OPEC+ kể từ tháng 3-2020. Saudi Arabia cho biết việc cắt giảm tương đương 2% nguồn cung toàn cầu là cần thiết để phản ứng với việc tăng lãi suất ở phương Tây và nền kinh tế toàn cầu yếu hơn. Về phần mình, Bộ trưởng Năng lượng UAE Suheil al-Mazroui nói rằng OPEC+ "vẫn là một tổ chức kỹ thuật và điều rất quan trọng là quyết định vẫn mang tính kỹ thuật chứ không phải chính trị".

Mỹ tức giận

Quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ là quyết định không được Mỹ mong đợi trong bối cảnh các nền kinh tế toàn cầu đang nỗ lực kiềm chế lạm phát tăng do giá năng lượng đẩy. Quyết định giảm sản lượng được đánh giá như một động thái "tăng áp" cho giá đầu, tiếp tục đẩy lạm phát lên cao dù đã lên tới những mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ ở nhiều quốc gia, khiến kinh tế toàn cầu tiếp tục chậm lại. Trước đó, ngày 4-10, một nguồn thạo tin cho biết Mỹ đã đề nghị OPEC+ không tiếp tục cắt giảm mạnh sản lượng, trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang tìm cách chặn đà tăng giá xăng dầu trong nước.

Nhưng quyết định giảm sản lượng đã vấp phải sự chỉ trích ngay lập tức từ Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã có chuyến công du gây tranh cãi tới Saudi Arabia hồi tháng 7 dưới áp lực khi Washington phải đối mặt với việc tăng giá tại các trạm nhiên liệu. "Rõ ràng là OPEC+ đang đứng về phía Nga với thông báo hôm nay", Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói. Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden “thất vọng với quyết định thiển cận của OPEC+ khi cắt giảm sản lượng trong khi nền kinh tế toàn cầu đang đương đầu với tác động tiêu cực tiếp diễn” của việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Thời điểm mà OPEC+ đưa ra quyết định mới nhất trên cũng không tốt cho chương trình nghị sự chính trị của ông Biden vì nó diễn ra trước cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ vào tháng tới.

Nga được lợi

Đồng minh phương Tây do Mỹ đứng đầu đã tìm cách cô lập nền kinh tế Nga, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu năng lượng, để phản ứng với chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine. Áp trần giá dầu là một phần kế hoạch sâu rộng do chính quyền Mỹ đưa ra và G7 đã đồng ý vào tháng trước. Mục đích là khiến giá bán dầu Nga thấp hơn hiện nay. Bộ Tài chính Mỹ tính toán rằng biện pháp này sẽ khiến Nga mất đi hàng chục tỷ USD hàng năm.

Để giảm doanh thu từ dầu của Nga, Mỹ, châu Âu và các đồng minh sẽ cần thuyết phục Ấn Độ và Trung Quốc, những nước mua lượng dầu đáng kể của Nga, chỉ mua với giá đã thỏa thuận. Tuy nhiên, theo nhật báo Sabah của Thổ Nhĩ Kỳ, việc cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ có thể giúp Nga hạn chế được tác động tiêu cực từ trừng phạt khi EU vừa mới thông qua một gói trừng phạt bao gồm giới hạn giá dầu của Nga. Thông qua giảm nguồn cung, quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ có khả năng giữ giá dầu toàn cầu ở mức cao, giúp Nga tiếp tục kiếm được nguồn thu đáng kể từ xuất khẩu dầu thô. Động thái này khiến dầu thô Nga thậm chí còn có giá trị hơn trên thị trường thế giới. Quyết định này cũng có thể làm giảm khả năng một số quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ ủng hộ áp trần giá dầu Nga. Nếu không có sự hợp tác của các quốc gia này, kế hoạch áp trần giá dầu Nga sẽ có ít tác động hơn nhiều.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, đã tham dự cuộc họp trên của OPEC+, cho biết áp mức trần giá sẽ có "tác động bất lợi" đối với lĩnh vực dầu mỏ toàn cầu, cảnh báo rằng các công ty Nga sẽ "không cung cấp dầu cho những nước" đưa ra mức giới hạn như vậy. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak gọi quyết định của OPEC+ mang tính lịch sử, “chủ yếu liên quan đến việc cân bằng thị trường, vốn đang đi vào vùng hỗn loạn và không chắc chắn, đặc biệt là trong giai đoạn thu đông, khi nhu cầu giảm và nguồn cung cần được điều chỉnh”.

AN BÌNH