Báo Công An Đà Nẵng

Xét xử vụ án tham ô hơn 25 tỷ đồng ở Cty CP Procimex Việt Nam:

Kế toán trưởng lãnh án chung thân

Thứ sáu, 18/05/2018 13:03

Sau lần hoãn vì bị cáo ngất xỉu trong quá trình xét hỏi, ngày 16-5, TAND TP Đà Nẵng tiếp tục mở phiên tòa xét xử đối với bị cáo Bùi Thị Hòa (1959, P.Chính Gián, Thanh Khê, TP Đà Nẵng) và Đoàn Thị Anh Thư (1974, P.Mỹ An, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) về tội "Tham ô tài sản".

Bị cáo Hòa và Thư

Vụ án đã kéo dài nhiều năm, qua nhiều cấp xét xử, trước đây bị cáo Hòa bị truy tố về tội "Tham ô tài sản" và bị cáo Thư bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Trong phiên xét xử theo trình tự sơ thẩm lần này, cả hai bị cáo đều bị truy tố cùng tội "Tham ô tài sản".

Theo nội dung vụ án, ông Nguyễn Điểm được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Procimex Việt Nam (Cty CP Procimex VN) đóng tại P.Thọ Quang, Sơn Trà, TP Đà Nẵng, thành lập năm 2008 và có 55% vốn Nhà nước, chuyên chế biến, bảo quản các sản phẩm từ thủy sản và thịt... Cùng thời điểm này, Bùi Thị Hòa đảm nhiệm vai trò  kế toán trưởng và Đoàn Thị Anh Thư là thủ quỹ. Tháng 11-2012, ông Điểm đột tử, Tổng Giám đốc mới được điều về thay thế đã tiến hành kiểm tra tài chính của Cty mới phát hiện số tiền quỹ thực tồn chênh lệch so với sổ sách kế toán hơn 25,3 tỷ đồng.

Trong phiên tòa sáng 16-5, bị cáo Hòa cho rằng, nội dung cáo trạng truy tố bị cáo là đúng người đúng tội, bị cáo không có ý kiến gì. Bị cáo khai: do cần tiền sử dụng cho mục đích cá nhân nên ông Điểm đã chỉ đạo rút ở ngân hàng về nhập quỹ tiền mặt của Cty. Bị cáo yêu cầu Lê Thị Kim Loan, kế toán tiền mặt ngân hàng của Cty lập séc và giao Thư đến ngân hàng rút về theo yêu cầu của ông Điểm. Để qua mặt các cơ quan chức năng, Hòa hạch toán khống bằng cách ghi phiếu chi gửi tiền vào tài khoản ngân hàng qua chứng từ khống trên sổ quỹ kế toán. Thư cũng hạch toán tương tự trên sổ quỹ.  Thường vào cuối năm Cty phải báo cáo số liệu kế toán đã được đơn vị kiểm toán xác nhận. Phía Procimex thuê chi nhánh Cty TNHH kiểm toán PKF (Đà Nẵng) thực hiện và ông Điểm đã chỉ đạo Hòa chỉnh sửa số liệu xác nhận số dư trong tài khoản của Cty tại ngân hàng Eximbank, VP Bank. Theo đó, khi ngân hàng gửi giấy xác nhận về thì Hòa ghi số liệu khống cho phù hợp với khoản đã rút trong năm 2011 trên giấy A4 dán chồng lên số liệu trong giấy xác nhận gốc của ngân hàng, sau đó photocopy rồi cung cấp cho PKF nên đơn vị này không phát hiện ra sai phạm. Trong báo cáo tài chính gửi HĐQT và ban kiểm soát của Cty hàng quý, ông Điểm đã ghi số dư tiền gửi ngân hàng tiền tỷ nhưng thực tế chỉ có mấy trăm triệu đồng...

Bị cáo Hòa mặc dù nhận lỗi nhưng luôn miệng cho rằng bị cáo chỉ làm theo sự chỉ đạo của ông Điểm. Tuy nhiên, khi luật sư đặt câu hỏi, ông Điểm chỉ đạo bị cáo bằng văn bản hay bằng miệng, bị cáo có bằng chứng gì không? Hay bị cáo cho rằng "chết không đối chứng" nên bị cáo đổ hết trách nhiệm cho ông Điểm?, bị cáo Hòa im lặng. Nói về việc bị cáo biết việc làm của ông Điểm là sai trái nhưng bị cáo không báo cáo HĐQT, hay có nhiều cách để ngăn chặn nhưng sao bị cáo không làm. Bị cáo Hòa khai, khi phát hiện, bị cáo đã nhiều lần nhắc nhở nhưng ông Điểm nói rằng Cty này sắp trở thành Cty của gia đình ông nên đừng lo, cứ để ông giải quyết. Vì bị cáo tin tưởng lời ông Điểm nên sự việc mới ra như vậy. Riêng việc bị cáo giả mạo chữ ký của ông Điểm trong một số giấy tờ chi để rút tiền, chứng từ... là do bị cáo quá sợ nên làm giả để đối phó. Nhiều câu hỏi từ phía luật sư được đưa ra, với người có trình độ chuyên môn như bị cáo, biết rõ nguyên tắc tài chính nếu thực hiện như việc chỉ đạo của ông Điểm là hoàn toàn sai nhưng bị cáo đã không lên tiếng, im lặng làm theo. Trong trường hợp này, nếu bị cáo không ký xác  nhận liệu ông Điểm có rút được tiền? Việc rút tiền được thực hiện nhiều lần, điều này chứng tỏ bị cáo thông đồng để thực hiện?  Không có cơ sở để bị cáo nói toàn bộ số tiền bị cáo rút séc đều đưa hết cho ông Điểm? Bị cáo Hòa nhận sai và cho biết, lúc này bị cáo làm việc "dưới trướng" của ông Điểm nên không thể làm khác.

Không chỉ ở phiên tòa lần này mà ở tất cả các phiên tòa, bị cáo Thư đều kêu oan. Bị cáo Thư  trình bày, bị cáo với vai trò thủ quỹ của Cty nên bị cáo thực hiện theo đúng quy định. Khi có giấy tờ hợp lệ từ lãnh đạo, bị cáo chỉ thực hiện nhiệm vụ của mình. Bị cáo không thể biết được "âm mưu" mà ông Điểm cũng như bị cáo Hòa "ăn rơ" với nhau. Chính vì vậy, việc truy tố bị cáo tội "Tham ô tài sản" là không đúng.

Đây là một vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, hai bị cáo trong vụ án là người có nhận thức, trình độ chuyên môn nhưng lại cố ý làm sai vì vậy cần phải được xử lý nghiêm minh. Sau khi xem xét mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo, HĐXX TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Hòa mức án chung thân, bị cáo Thư 7 năm tù về tội "Tham ô tài sản"; buộc bị cáo Hòa, Thư và ông Điểm bồi thường cho Cty số tiền 25,360 tỷ đồng, trong vụ án này vì ông Điểm đã chết nên những người thừa kế phải có trách nhiệm bồi thường.

TRANG TRẦN