Báo Công An Đà Nẵng

Kết cục bi thảm cho trùm khủng bố Abu Anas Al Libi

Thứ ba, 08/10/2013 10:10

(Cadn.com.vn) - "Tên khủng bố bị truy nã gắt gao nhất" Abu Anas Al Libi đi khắp nơi trên thế giới - Afghanistan, Pakistan, Sudan, Kenya, Anh, Iran và nhiều nơi xa hơn nữa- gia nhập những nhóm khủng bố và những kẻ thù khét tiếng nhất thế giới của Mỹ và phương Tây. Nhưng cuộc phiêu lưu của Al Libi kết thúc hôm 6-10 tại nơi bắt đầu: quê nhà Libya.

Bắt giữ chớp nhoáng

Lực lượng hoạt động đặc biệt của Mỹ bắt cóc nhà hoạt động cấp cao này của Al-Qaeda tại thủ đô Tripoli của Libya. Al Libi trở về nhà sau buổi cầu nguyện buổi sáng vào khoảng 6 giờ 30 (giờ địa phương) thì bị một nhóm 10 người đàn ông đeo mặt nạ trong 3 chiếc xe chặn lại.

Abu Anas Al Libi

Theo nhà phân tích chống khủng bố người Libya Noman Benotman, vợ của Al Libi chứng kiến hoàn toàn hoạt động bắt giữ từ cửa sổ ngôi nhà. Al Libi cố gắng mở ngăn chứa đồ của chiếc xe để lấy khẩu súng - nhưng đã bị lực lượng đặc biệt của Mỹ nhanh chóng giật lấy, đập vỡ cửa sổ xe hơi.

Toàn bộ hoạt động bắt giữ kéo dài chưa đầy 1 phút. "Sau đó, họ biến mất. Đó là một kiệt tác", ông Benotman, Chủ tịch Quỹ Quilliam, một tổ chức chống khủng bố có trụ sở tại London cho biết. Mỹ cho biết, nhiệm vụ được tiến hành với sự đồng ý của chính phủ Libya, song Tripoli cho biết, họ đang yêu cầu Washington giải thích về vụ việc. Theo kế hoạch, Al Libi sẽ bị đưa về New York.

Mỹ từ lâu muốn đưa Al Libi ra xét xử với cáo buộc về vai trò của y trong các vụ đánh bom tại Đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania năm 1998 khiến hơn 200 người thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương. Edith Bartley, người có cha và em trai thiệt mạng trong vụ tấn công này cho biết, cô cảm thấy nhẹ nhõm khi Al Libi bị bắt giữ. Nic Robertson, một cựu phóng viên của CNN chuyên viết về Al-Qaeda, cho biết vụ bắt giữ Al Libi là một "thỏa thuận lớn".

Afghanistan, Anh, Iran và xa hơn nữa

Trên trang mạng Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Al Libi nằm trong danh sách "Những tên khủng bố bị truy nã gắt gao nhất" và được treo thưởng 5 triệu USD cho ai cung cấp thông tin dẫn đến vụ bắt giữ y. Theo thông báo của FBI, Al Libi bị cáo buộc "âm mưu giết công dân Mỹ, giết người, phá hủy các tòa nhà và tài sản của Mỹ, và có ý định phá hủy các tiện ích quốc phòng của Mỹ". Nhưng thật ra, y còn gây ra nhiều hành động khủng khiếp hơn thế.

Al Libi gia nhập Al-Qaeda ngay sau khi tổ chức khủng bố này thành lập và bắt đầu hiện diện tại Afghanistan và Pakistan. Khi nhóm khủng bố của ông trùm Osama bin Laden chuyển tới Khartoum, Sudan năm 1992, Al Libi đi cùng. Trong những năm 1990, Al Libi được biết đến như một trong những nhà hoạt động có khả năng nhất của Al-Qaeda, đặc biệt là về giám sát và máy tính.

Một thành viên của Al-Qaeda lúc đó khai rằng, Al Libi đến Nairobi năm 1993 để tìm kiếm các mục tiêu tấn công, trong đó có Đại sứ quán Mỹ. Vụ nổ tại thủ đô Nairobi 5 năm sau đó cướp đi sinh mạng của hơn 200 người và làm bị thương 5.000 người. Vụ nổ ở Tanzania diễn ra cùng lúc đó cũng khiến 11 người thiệt mạng.

Al Libi có lúc gia nhập Nhóm Thánh chiến Hồi giáo Libya trước khi chuyển đến Qatar và sau đó là Manchester, Anh. Tại đây, vào năm 2000, cảnh sát bố ráp nhà của y. Các nhà chức trách phát hiện tài liệu được gọi là "Manchester Manual" gồm hàng trăm trang hướng dẫn thực hiện một chiến dịch khủng bố, trong đó có tài liệu kêu gọi "tấn công, nổ mìn và phá hủy" các đại sứ quán. Tuy nhiên, cảnh sát không bắt được Al Libi. Y rời khỏi Anh trước đó. Al Libi trải qua một thời gian ở Afghanistan, nhưng sau sự sụp đổ của Taliban, y chạy trốn tới Iran, trước khi về  Libya.

Vụ tấn công khủng bố tại Đại sứ quán Mỹ ở Nairobi (Kenya) năm 1998 được cho là có liên quan đến Abu Anas Al Libi. Ảnh: CNN

Rơi vào tay Mỹ

Tháng 12-2010, trước thời điểm xảy ra cái chết của nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi, các nhà chức trách Libya thông báo cho một ủy ban của LHQ rằng, Al Libi đã trở lại, thậm chí còn cung cấp địa chỉ nơi ở của y tại Tripoli.

Al Libi dường như ở tại Libya vào mùa xuân năm 2011, khi cuộc nội chiến trở nên ác liệt nhất. Các nhà phân tích chống khủng bố cho rằng, Al Libi có thể không được bắt giữ vào thời điểm đó vì tình hình an ninh tại Libya. Lúc đó, các cựu chiến binh thánh chiến - đặc biệt là các cựu  thành viên của Nhóm Thánh chiến Hồi giáo Libya đang lớn mạnh. Không rõ chính phủ Libya đã biết về sự hiện diện của Al Libi  trong bao lâu. Không có hiệp ước dẫn độ  giữa Libya và Mỹ có thể làm phức tạp thêm vấn đề. Tất nhiên, khi mà Al Libi đang ở trong tay Mỹ, tất cả mọi thứ đều thay đổi.

Ngoài việc bị đưa ra xét xử, Al Libi sẽ bị thẩm vấn về những gì y biết về Al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khác. Y có thể cung cấp những thông tin giá trị y đã phối hợp bên trong Libya, cũng như những nhân vật khác của Al-Qaeda.

An Bình

(Theo CNN)