Báo Công An Đà Nẵng

Kết đắng của nhóm thanh niên giả lệnh bắt của công an để lừa đảo

Thứ năm, 15/10/2020 11:50

Để thực hiện kế hoạch lừa đảo, 4 nam thanh niên đã mua lại các thẻ ngân hàng, giả danh công an, làm giả lệnh bắt của công an để thông báo việc nạn nhân liên quan đến đường dây ma túy, rửa tiền, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để chứng minh mình trong sạch. Với thủ đoạn này, các đối tượng đã chiếm đoạt tổng số tiền 3,3 tỷ đồng của nhiều bị hại. 

Bị cáo Nguyễn Văn Phi – cầm đầu đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

TAND tỉnh Nghệ An vừa xét xử các bị cáo: Nguyễn Văn Phi (1990, trú xã Bảo Đài, H. Lục Nam, Bắc Giang) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong vụ án này, 3 bị án Phạm Đình Luận (1993), Nguyễn Hữu Thu (1991) Phạm Đình Phi (1999, bị xét xử cách đây 2 năm) được trích xuất đến TAND tỉnh Nghệ An tham gia phiên xét xử bị cáo Phi với tư cách là nhân chứng.

Theo hồ sơ vụ án, trong khoảng tháng 8-2018, khi đang ở Đài Loan, Nguyễn Văn Phi liên hệ với Phạm Đình Luận (là em rể họ của Phi) tìm người mở tài khoản ở các ngân hàng. Phi mua lại các thẻ ngân hàng trên với giá 3 triệu đồng mỗi thẻ. Luận nhờ Thu, Phạm Đình Phi đến các ngân hàng, mở tổng cộng 15 tài khoản ATM. Nguyễn Văn Phi thống nhất với Luận, Thu, Đình Phi khi có tiền chuyển vào các tài khoản trên thì rút tiền mặt, Phi sẽ trả từ 15-20% số tiền đó. Cũng trong thời gian này, Phi liên hệ với Nguyễn Hữu Ngọc, Phùng Văn Sang (cùng trú Bắc Giang) thuê mở tài khoản ATM và mua lại.

Để thực hiện hành vi lừa đảo, Nguyễn Đình Phi sử dụng giao thức chuyển đổi giọng nói, giả danh nhân viên viễn thông và cán bộ điều tra gọi điện thoại tới các nạn nhân thông báo có liên quan đến đường dây mua bán ma túy, rửa tiền, yêu cầu chuyển tiền trong tài khoản để “chứng minh không liên quan” đến các hoạt động tội phạm nói trên. Các số điện thoại gọi tới nạn nhân đều được Phi sử dụng phần mềm chuyển đổi số có đuôi 113 làm người nghe nhầm tưởng là đang làm việc với công an. Do thiếu hiểu biết, lại bị đe dọa và tin tưởng vào lời hứa sau khi chứng minh không liên quan đến tội phạm sẽ trả lại tiền, các bị hại đã chuyển tiền vào các tài khoản do Phi chỉ định.

3 bị án Nguyễn Hữu Thu, Phạm Đình Luận, Phạm Đình Phi có mặt tại tòa với tư cách là người làm chứng.

Thậm chí, khi các nạn nhân tỏ vẻ nghi ngờ, Phi còn làm giả lệnh bắt khẩn cấp có chữ ký của Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến (thời điểm đó là Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Bộ Công an) gửi qua zalo để lừa đảo. Đó là trường hợp lừa đảo đối với nạn nhân Hoàng Thị P.L. (trú TP Vinh). Phi gọi điện cho chị L. để thông báo nợ cước điện thoại. Qua điện thoại, chị L. khẳng định không nợ cước thì Phi trong vai “đại úy công an” thông tin rằng chị L. đã bị kẻ xấu sử dụng giấy tờ tùy thân để đăng ký các cuộc gọi quốc tế có liên quan đến hoạt động mua bán ma túy và rửa tiền, đang bị công an điều tra. Đồng thời, Phi yêu cầu gửi toàn bộ số tiền trong tài khoản để “chứng minh không phải là tiền phi pháp”. Chị P.L. tỏ ý không tin thì được Phi gửi qua zalo một bản chụp “lệnh bắt khẩn cấp” có chữ ký của Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến. Phi dọa chị L. nếu không chuyển tiền vào tài khoản theo chỉ định thì trong 15 phút nữa sẽ có công an địa phương áp giải đến làm việc với cơ quan điều tra. Khi thấy lệnh bắt có ghi rõ tên tuổi, địa chỉ của mình, lại có chữ ký của Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, chị P.L. hoảng sợ, vội vã chuyển 2 lần tiền đến 2 tài khoản Phi chỉ định. Nguyễn Văn Phi đã chiếm đoạt của chị L. hơn 169 triệu đồng.

Tương tự, Phi chiếm đoạt của bà Bùi Thị H.T. (Nha Trang, Khánh Hòa) gần 2,5 tỷ đồng, 2 bị hại khác ở TP Vinh mỗi người gần 250 triệu đồng. Riêng ông Nguyễn Văn Đ. (trú TP Vinh), khi đang chuyển 200 triệu đồng cho Phi thì người con trai phát hiện, báo công an và ngân hàng phong tỏa tài khoản, lấy lại toàn bộ số tiền trên. Chỉ trong 1 tuần, nhóm Luận, Thu và Đình Phi đã rút tổng cộng hơn 3,3 tỷ đồng gửi cho Phi. Hành vi của Luận, Thu và Đình Phi bị CA tỉnh Nghệ An phát hiện, bắt giữ và đưa ra xét xử sau đó không lâu. Còn Nguyễn Văn Phi bị công an bắt khi vừa từ Đài Loan trở về nước vào tháng 3-2020.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa, HĐXX có đủ kết luận hành vi của Nguyễn Văn Phi phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đây là một vụ án phạm tội có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tiền của các bị hại và bị cáo Phi là người chủ mưu. Ngày 13-10, HĐXX tuyên án Nguyễn Văn Phi 16 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

DƯƠNG HÓA