Kết nối cung cầu không còn là hình thức
(Cadn.com.vn) - Với phương thức tổ chức mới, Hội nghị kết nối cung cầu khu vực miền Trung- Tây Nguyên do Bộ Công thương và TP Đà Nẵng tổ chức hôm 8-10 đã đi vào thực tiễn hơn là hình thức. Từ đây, 450 doanh nghiệp (DN) đến từ hơn 30 tỉnh thành cả nước đã có cơ hội hợp tác, thúc đẩy liên kết để tạo sức mạnh cạnh tranh cho mình.
Hội nghị là sáng kiến của Bộ Công Thương nhằm tạo cơ hội kết nối giữa các DN trong khu vực để tăng cường liên kết vùng, tăng sức mạnh cạnh tranh cho hàng Việt. Ở 3 khu vực, Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng. Năm 2015 Hội nghị kết nối cung cầu khu vực miền Trung- Tây Nguyên đã được tổ chức lần đầu và mang lại kết quả khả quan. Theo đó ngay tại Hội nghị đã có 42 cặp biên bản ghi nhớ được ký kết với tổng trị giá hơn 320 tỷ đồng. Năm 2016, tại Hội nghị cũng có 40 cặp biên bản được ký kết trong nhiều lĩnh vực từ dịch vụ, giáo dục, nông nghiệp, chuyển giao công nghệ... với tổng trị giá hàng trăm tỷ đồng.
Ông Hồ Kỳ Minh- Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng có hơn 16,5 ngàn DN, tổng vốn hơn 84 ngàn tỷ đồng, tuy nhiên phần lớn là các DN nhỏ. Để có thể tăng sức mạnh cạnh tranh, thúc đẩy phát triển đòi hỏi phải có sự hợp tác, liên kết. Trong thực tế, hoạt động liên kết của DN TP cũng có chuyển biến rõ nét theo chiều sâu. Song trước đòi hỏi thực tế thị trường cần phải mở rộng hợp tác với các DN trong khu vực, trong những lĩnh vực cùng kinh doanh... Hội nghị kết nối cung cầu khu vực với qui mô rất lớn này sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, liên kết cho các DN. Cũng theo ông Minh, Hội nghị lần này không chỉ có qui mô lớn, thu hút nhiều DN, mở rộng nhiều địa phương mà cách thức tổ chức cũng gắn với thực tiễn, hiện quả hơn. Đơn cử như các hoạt động đồng hành trong khuôn khổ chương trình Nhận diện hàng Việt, tự hào hàng Việt là rất thiết thực. Điều này không chỉ giúp các DN quảng bá được sản phẩm của mình để mở ra cơ hội tìm kiếm đối tác mà còn đưa thương hiệu tới gần hơn với người tiêu dùng.
Đại diện các DN trao đổi thông tin hợp tác, liên kết. |
Tránh những hội nghị mang tính hình thức chỉ vài bài phát biểu qua loa và những biên bản hợp tác mang tính tượng trưng, Hội nghị này hướng đến tính thực tiễn hơn, tạo diễn đàn cho DN được nói, được nghe những điều thiết thực nhất, mong muốn nhất của mình, đúng với tính chất kết nối cung cầu. Trước khi diễn ra Hội nghị, BTC đã gửi phiếu tham khảo tới hơn 400 DN từ 25 tỉnh thành để có thông tin cập nhật thực tế về DN. Từ đó, BTC đã tổng hợp nhu cầu thực tiễn của từng DN như địa chỉ, lĩnh vực hoạt động, qui mô phát triển, nhu cầu cần mua, cần bán, cần hợp tác... Khi tới hội nghị, DN nào quan tâm tới lĩnh vực, cần hợp tác với đối tác nào có thể trực tiếp trao đổi. Ngoài ra, trong diễn đàn Hội nghị cũng dành nhiều thời gian để DN nói lên tiếng nói của mình, hiến kế để nâng cao hiệu quả hợp tác, kết nối cung cầu.
Đại diện một DN kinh doanh siêu thị ở An Giang nói trước đây ông không bỏ thời gian tham gia các hội nghị liên kết vì cho rằng nó quá hình thức, không hiệu quả. Tuy nhiên, kể từ năm 2015, sau khi tham gia Hội nghị kết nối cung cầu khu vực tại Đà Nẵng được gặp trực tiếp, xem tận mắt nhiều sản phẩm đặc sản vùng miền nên ông đã quyết định hợp tác với nhiều DN cung cấp đặc sản, đưa đến các siêu thị ở cửa khẩu bán và rất hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Thúy Mai - Phó giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, BTC Hội nghị đã dành một không gian lớn để giới thiệu 200 gian hàng của các DN tham gia Hội nghị. Từ đây, các DN sẽ trực tiếp tham quan, tìm hiểu để có sự liên kết trong đầu tư phát triển sản phẩm, liên kết tiêu thụ sản phẩm, hợp tác cung ứng nguyên liệu...
Hiện nay cơ sở hạ tầng kinh tế miền Trung- Tây Nguyên đang phát triển mạnh với sự hình thành của Khu Công nghệ cao Đà Nẵng mang tầm quốc gia, 58 khu công nghiệp, 13 khu kinh tế, 130 siêu thị... Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác, liên kết. Mặt khác, phần lớn qui mô, năng lực của DN khu vực còn nhỏ, do đó để phát triển, đủ sức cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường trong nước buộc phải có sự hợp tác, liên kết. Việc tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu qui mô lớn cho các DN vì thế càng có ý nghĩa thiết thực hơn. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận việc nắm bắt cơ hội để hợp tác, phát triển của nhiều DN vẫn khá dè dặt. Một số ký kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm giữa các đơn vị mới chỉ mang tính thăm dò, giá trị chưa cao. Một số liên kết của DN mới dừng lại ở DN sản xuất với DN thương mại, thiếu những liên kết giữa các DN sản xuất với nhau mua nguyên liệu đầu vào, bán thành phẩm đầu ra. Hoặc các DN chưa tham gia hình thành các liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất, nhiều DN ngại chia sẻ thông tin, kinh nghiệm...
Hải Quỳnh