Báo Công An Đà Nẵng

Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại

Thứ bảy, 21/05/2022 13:54

Dịch COVID-19 trong suốt 2 năm qua đã tác động mạnh mẽ tới hoạt động sản xuất-kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Song song đó, nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, thiếu hụt nguyên liệu dẫn tới sụt giảm doanh thu. Trước tình hình trên, các doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh để phù hợp với tình hình mới; trong đó, hoạt động kết nối giao thương cung cầu hàng hóa luôn được chú trọng thực hiện. Ngoài ra, các hoạt động kết nối giao thương bằng nhiều hình thức thích hợp sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, việc triển khai các đề án cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã ở các địa phương là hết sức cần thiết, qua đó kết nối giao thương, tăng cường kết nối cung cầu nội địa, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước với sức tiêu thụ của gần 100 triệu dân.

Năm 2020, Bộ Công Thương giao Cục Xúc tiến thương mại làm đầu mối phối hợp với 5 địa phương (Hà Giang, Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái) đồng tổ chức "Chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp địa phương với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại" lần đầu tiên rất thành công. Thông qua chương trình đã giúp đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm, kết nối hiệu quả nhà cung ứng địa phương với hệ thống phân phối, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và các tổ chức Xúc tiến thương mại theo vùng và các nhóm sản phẩm tiềm năng.

"Năm 2022 với sự tham dự của hơn 400 doanh nghiệp từ 23 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ, quy mô gấp 5 lần so với năm 2020, chúng tôi rất kỳ vọng và mong nhận được sự quan tâm cao nhất của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Từ đó, tạo nền tảng nhân rộng ra các khu vực, vùng miền, góp phần hình thành các chuỗi giá trị liên kết sản xuất, phân phối, tiêu dùng và xuất khẩu bền vững, hiệu quả", ông Vũ Bá Phú nói.

Với những thị trường cao cấp và khó tính như Nhật Bản, theo ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại-Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, các doanh nghiệp nước ngoài muốn có chỗ đứng tại thị trường này cần nghiên cứu tìm hiểu rõ về thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó đa dạng hóa mẫu mã, hình thức sản phẩm cùng với việc tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành.

"Khi gặp gỡ đối tác Nhật lần đầu tiên, doanh nghiệp Việt Nam cần mang theo danh thiếp, catalogue, hồ sơ giới thiệu công ty, hàng mẫu… Khi đã có mối quan hệ làm ăn với đối tác Nhật, doanh nghiệp cần chú trọng duy trì mối quan hệ đó một cách lâu dài, bền vững...," ông Minh khuyến nghị. Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Central Retail thông tin hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thành công sang Thái Lan, như Mr. Viet (coffee), Bibica, Belvie (Socola), Vifon, Trung Nguyên...

"Có thể thấy, thị trường Thái Lan cũng không quá khó tính. Điều quan trọng là doanh nghiệp Việt đáp ứng đúng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của người Thái Lan", đại diện Central Retail chia sẻ thêm.

T.T