Kết nối Ngân hàng và Doanh nghiệp
P.V: Ông có thể cho biết về ý nghĩa của Chương trình kết nối “Ngân hàng - Doanh nghiệp”?
Ông Võ Minh: Chương trình kết nối “Ngân hàng - Doanh nghiệp” là một chương trình hành động của ngành Ngân hàng, nhằm kết nối ngân hàng với DN. Thông qua đó làm tốt công tác đối thoại với DN, thông tin và phổ biến chính sách về tiền tệ, tín dụng..., từ đó giúp DN nắm bắt và hiểu rõ chính sách để tiếp cận thuận lợi chính sách cũng như tuân thủ chính sách nhằm bảo đảm chính sách được thực thi hiệu quả và phát huy tác dụng. Đồng thời, thông qua chương trình này, tổ chức triển khai và thực hiện các chính sách, cơ chế về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng đi vào thực tiễn cuộc sống có hiệu quả, đặc biệt là giúp cho các tổ chức tín dụng (TCTD) nhận diện đầy đủ vai trò và trách nhiệm trong việc hỗ trợ DN, trách nhiệm thực thi chính sách...
P.V: Kết quả triển khai Chương trình kết nối “Ngân hàng - Doanh nghiệp” trên địa bàn TP trong năm qua như thế nào, thưa ông?
Ông Võ Minh: Tiếp tục triển khai Chương trình kết nối “Ngân hàng - Doanh nghiệp”, trong năm 2023, NHNN Chi nhánh Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hội nghị, chương trình gặp gỡ, đối thoại với DN trên địa bàn TP nhằm kịp thời nắm bắt và xử lý những vướng mắc, khó khăn của DN trong công tác tín dụng, các vấn đề về lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ lãi suất, thủ tục vay vốn, v.v... Đặc biệt, thông qua chương trình này, trong năm 2023, các TCTD trên địa bàn TP đã cam kết cho vay hơn 2.110 tỷ đồng, dư nợ đạt hơn 1.451 tỷ đồng cho 414 DN; thực hiện giảm lãi suất cho 13 DN trên tổng dư nợ được giảm lãi suất là hơn 209 tỷ đồng. Về tình hình thực hiện lãi suất cho vay đối với DN, luôn tuân thủ các chủ trương, quy định của NHNN Việt Nam về lãi suất cho vay, nhất là tiết giảm chi phí hoạt động để nhiều lần giảm lãi suất cho vay với mức giảm phổ biến từ 0,5% - 2%/năm nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho DN giảm áp lực về chi phí tài chính. Đối với công tác hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước cho các khoản vay của DN, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ lãi suất đạt hơn 16 tỷ đồng cho 89 lượt khách hàng; tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02, lũy kế đến tháng 10-2023 là hơn 4.415 tỷ đồng với 419 lượt khách hàng...
P.V: Đâu là những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai chương trình này?
Ông Võ Minh: Đầu tiên phải kể đến là tăng trưởng tín dụng đối với DN còn khiêm tốn, chưa đạt so với yêu cầu và cam kết đã đặt ra. Nguyên nhân là do đa phần DN trên địa bàn TP là DN nhỏ và vừa, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính còn hạn chế, thiếu tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo có giá trị thấp, tính minh bạch và chính xác của thông tin liên quan đến tình hình tài chính và kinh doanh của DN chưa rõ ràng hoặc chưa đủ tin cậy, dự án sản xuất kinh doanh thiếu tính khả thi... dẫn đến các ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng quy mô tín dụng. Tiếp đến là việc triển khai các chương trình tín dụng theo chương trình phục hồi kinh tế như: gói hỗ trợ lãi suất 2%, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đầu tư xây dựng nhà ở xã hội... còn chậm và chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Bên cạnh đó, nhiều DN trên địa bàn TP gặp phải một số vướng mắc về các thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép đầu tư dự án dẫn đến chưa thể giải ngân vốn vay được vì phải đợi DN hoàn thiện các thủ tục đầu tư, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến dòng vốn tín dụng của doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tiến độ cũng như tính khả thi và khả năng trả nợ của dự án.
P.V: Chương trình kết nối “Ngân hàng - Doanh nghiệp” trong thời gian đến sẽ tập trung vào những vấn đề trọng tâm nào?
Ông Võ Minh: Trong năm 2024, Chương trình sẽ tăng cường gặp gỡ, đối thoại DN bằng nhiều hình thức để chia sẻ, nắm bắt và xử lý tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của DN trên lĩnh vực tín dụng. Các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn TP tiếp tục tiết giảm chi phí, cắt giảm những thủ tục và các loại phí không cần thiết, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để có dư địa giảm lãi suất cho vay nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho DN; tập trung nguồn vốn và ưu tiên nguồn vốn cho vay đối với cộng đồng DN, nhất là các DN hoạt động trên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các lĩnh vực tạo động lực tăng trưởng kinh tế của TP; tích cực triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho DN gặp khó khăn; đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất, chính sách tín dụng ưu đãi, v.v... đến các đối tượng DN thụ hưởng. Đặc biệt, chúng tôi sẽ triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của NHNN về hoạt động đại lý bảo hiểm của các TCTD, trong đó, chú trọng tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động này, nhất là xử lý nghiêm những trường hợp yêu cầu khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không bắt buộc theo quy định khi cấp tín dụng cho khách hàng.
P.V: Xin cảm ơn ông !
PHÚ NAM (thực hiện)