Báo Công An Đà Nẵng

Kết quả bầu cử Mỹ ảnh hưởng đến Trung Đông như thế nào?

Thứ bảy, 07/11/2020 17:04

Một sự bình tĩnh kỳ lạ bao trùm khắp Trung Đông trong bối cảnh cả thế giới đang chờ đợi kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Kết quả này có thể dẫn đến những tính toán chính trị đối với các quốc gia có ảnh hưởng ở Trung Đông. Từ định mệnh thỏa thuận hạt nhân Iran đến thỏa thuận thế kỷ mà Tổng thống Trump từng nhắc đến dành cho Israel và Palestine sẽ được quyết định sau kết quả bầu cử Mỹ 2020.

Cựu Phó Tổng thống Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc họp báo chung tại Jerusalem hồi tháng 3-2016.   Ảnh: CNN

Cựu phó Tổng thống Biden từng hứa hẹn sẽ cân nhắc đến nhiều khía cạnh phải thay đổi trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Trump nếu chiến thắng bầu cử Mỹ 2020. Đối với nhiều người ở Trung Đông, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump có nhiều thay đổi trong cách tiếp cận với các quốc gia khu vực và tất nhiên Washington vẫn giữ vai trò chủ chốt trong tương tác giữa các quốc gia.

Israel, Palestine và “thỏa thuận thế kỷ”

Nỗ lực bình thường hóa quan hệ bằng các thỏa thuận giữa Israel và 3 nước Arab có lẽ là một trong những điểm nổi bật trong nhiệm kỳ tổng thống 4 năm của ông Trump.

Hồi tháng 8, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel, trở thành quốc gia Arab hoặc Hồi giáo đầu tiên trong hơn hai thập kỷ. Giới lãnh đạo Palestine coi những thỏa thuận này là một sự phản bội bởi nó đã giáng một đòn mạnh vào giấc mơ trở thành nhà nước của Palestine bằng cách thúc đẩy mạnh mẽ hơn Sáng kiến Hòa bình Arab năm 2002. Động thái này gia tăng căng thẳng đối với Palestine sau nhiều năm Tổng thống Trump tập trung vào chính sách đơn phương – chẳng hạn như một mực tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel và hợp pháp hóa các khu định cư của Israel mặc dù bị xem là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế.

Cựu phó Tổng thống Biden hoan nghênh các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ và nhấn mạnh ông sẽ thúc đẩy thêm nhiều quốc gia trong khu vực thực hiện các bước đi tới các thỏa thuận tương tự. Tuy nhiên, ông Biden đưa ra nhận định phản đối chủ nghĩa đơn phương trong cách tiếp cận của Tổng thốngTrump đối với vấn đề Israel và Palestine. “Ông Biden đã phản đối bất kỳ động thái đơn phương nào làm suy yếu hướng giải quyết xuất phát từ hai bên. Ông Biden cũng phản đối việc thôn tính và mở rộng khu định cư và sẽ tiếp tục có hành động nếu giành chiến thắng bầu cử”, trang web đưa tin về chiến dịch tranh cử của ông Biden nêu rõ.

Ông Biden cũng cam kết sẽ đảo ngược cách tiếp cận liên quan đến việc Tổng thống Trump rút khỏi việc hỗ trợ nhân đạo và kinh tế đối với người dân Palestine đồng thời mở lại cơ quan đại diện của Tổ chức Giải phóng Palestine ở Washington cũng như lãnh sự quán Mỹ tại Jerusalem chịu trách nhiệm về các vấn đề Palestine.

Tuy nhiên, theo CNN, nếu ông Biden cố gắng đảo ngược quyết định của Tổng thống Trump về một số điểm mấu chốt quan trọng của các cuộc đàm phán giữa Israel và Palesatine, cụ thể là vấn đề Jerusalem và các khu định cư thì chắc chắn ông Biden sẽ phải va chạm với một số người ủng hộ vấn đề của Israel ở Washington.

Thỏa thuận hạt nhân Iran

Cựu Phó Tổng thống Biden nói rằng ông sẽ khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân Iran từ thời chính quyền Obama, được biết đến là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), thỏa thuận mà Tổng thống Trump đã rút khỏi vào năm 2018. Kể từ sau đó, Iran đã liên tục chịu áp lực trừng phạt mạnh nhất trong lịch sử. Đáp lại, Tehran khởi động lại chương trình hạt nhân của họ.

“Nếu Iran cam kết tuân thủ các nghĩa vụ hạt nhân thì Mỹ sẽ tái tham gia JCPOA như một khởi đầu cùng làm việc cùng với các đồng minh của Mỹ ở Châu Âu và các cường quốc khác trên thế giới nhằm mở rộng các ràng buộc hạt nhân trong thỏa thuận”, ông Biden nhấn mạnh. “Làm như vậy sẽ giúp nâng cao uy tín của Mỹ, thể hiện cho thế giới thấy rằng Mỹ sẽ tuân thủ các cam kết quốc tế”, ông Biden nói thêm.

Hứa hẹn của ông Biden về việc Mỹ quay lại đàm phán thỏa thuận hạt nhân có thể là một trong số những lý do tại sao Iran từ chối trở lại bàn đàm phán với Tổng thống Trump. Có lẽ Tehran đang chờ đợi kết quả bầu cử Mỹ trước khi có quyết định có đàm phán tiếp hay không. Tuy nhiên, nếu ông Trump tái đắc cử, Iran có thể sẽ gặp khó khăn trong việc chống lại các quyết định của Tổng thống Mỹ và nền kinh tế của Iran trong 4 năm tới chắc chắc sẽ vô cùng khó khăn. “Nhìn chung, việc Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được xem là một điểm nổi bật của Trung Đông trong 4 năm qua và sự trở lại của ông có thể đưa khu vực này trở thành vùng lãnh thổ như chưa từng biết đến”, CNN nhận định.

Ông Rami Khouri, một nghiên cứu sinh không thường trú tại Trường Harvard Kennedy nói rằng, “Chính sách đối ngoại của Mỹ không thành công lắm. Khi đánh giá một khu vực, hãy nhìn vào tính ổn định của khu vực đó, nhìn vào dư luận và sau đó nhìn vào sự lãnh đạo”.

AN BÌNH