Báo Công An Đà Nẵng

Kết thúc có hậu

Thứ sáu, 18/10/2013 12:14

(Cadn.com.vn) - Một kết thúc có hậu cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của Tổng thống Barack Obama khi chính phủ Mỹ đã mở cửa trở lại và thoát ải tử thần: vỡ nợ.

Hình ảnh Tổng thống Barack Obama ngày 17-10 đặt bút ký ban hành dự luật dài 35 trang, chấm dứt tình trạng đóng cửa kéo dài 16 ngày qua của chính phủ Mỹ và nâng mức trần nợ công, chính thức khép lại vở bi kịch có hậu cho nền kinh tế số 1 thế giới.

Việc ông Obama ký dự luật này một cách nhanh chóng, chỉ vài giờ sau khi Quốc hội lưỡng đảng nhất trí thông qua dự luật nâng trần nợ công 16.700 tỷ USD và cho phép chính phủ Mỹ mở cửa trở lại, cho thấy tình hình “nước sôi lửa bỏng” như thế nào. Phát biểu trong phòng họp của Nhà Trắng, Tổng thống Obama hy vọng rằng, thời gian tới, Quốc hội sẽ không tiêu tốn quá nhiều thời gian mới tìm được tiếng nói chung như lần này.

THOÁT HIỂM VÀO PHÚT CHÓT...

Sau 11 giờ họp căng thẳng, Quốc hội Mỹ tạm gác lại những bất đồng, thông qua một thỏa thuận cứu nước Mỹ. Tại Hạ viện, thỏa thuận này giành được với 285 phiếu ủng hộ và 144 phiếu chống, trong khi ở Thượng viện, tỷ lệ phiếu chống ít hơn (81 phiếu ủng hộ và 18 phiếu chống).

Nước Mỹ và cả thế giới thở phào nhẹ nhõm khi chính phủ liên bang được cứu vào phút chót, bởi việc nền kinh tế lớn nhất thế giới vỡ nợ sẽ là thảm họa tài chính thế giới. Văn phòng ngân sách Nhà Trắng cho biết, hàng trăm hàng ngàn nhân viên liên bang vốn nhàn rỗi trong 16 ngày qua, trở lại làm việc vào ngày 17-10. Bế tắc được phá vỡ chỉ một ngày trước khi Bộ Tài chính tuyên bố cạn tiền khiến sàn chứng khoán Mỹ tăng điểm, gần đến mức “cao nhất mọi thời đại”.

Thị trường thế giới cũng phản ứng tích cực với động thái bất ngờ từ nước Mỹ. Ở trong nước, Thượng nghị sĩ John McCain, người từng cảnh báo đảng Cộng hòa không nên “mặc cả” vấn đề Obamacare với giới hạn nợ công hoặc chi tiêu ngân sách, cho rằng, thỏa thuận đánh dấu “kết thúc cuộc phiêu lưu khổ sở đối với người Mỹ”. Theo vị chính trị gia từng tranh cử Tổng thống này, “đây là một trong những chương đáng xấu hổ nhất mà tôi từng trải trong những năm qua”.

Tổng thống Obama phát biểu cảm ơn Quốc hội đã cứu chính phủ Mỹ. Ảnh: AP

Trong bài phát biểu ngay sau khi nhận tín hiệu tích cực từ Mỹ, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim nhận định, nền kinh tế toàn cầu thoát một thảm họa tiềm năng. Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất của Mỹ, hoan nghênh động thái tháo gỡ bế tắc của Washington, cho rằng, quyết định này góp phần vào sự ổn định của kinh tế toàn cầu.

... NHƯNG CÒN NHIỀU NỖI LO

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là thỏa thuận lần này chỉ tạm thời cứu nước Mỹ chứ không giải quyết được các vấn đề cơ bản của chi tiêu và thâm hụt ngân sách vốn gây căng thẳng giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ.

Theo đó, dự luật ngân sách sửa đổi chỉ cấp ngân sách cho chính phủ đến ngày 15-1 và gia hạn đến ngày 7-2-2014 quyền vay nợ của Bộ Tài chính Mỹ. Do đó, người Mỹ lại phải đối mặt với một cuộc chiến cay đắng về ngân sách và khả năng chính phủ lại đóng cửa vào đầu năm 2014. Viễn cảnh này làm dấy lên những lo ngại về khả năng bùng phát cuộc chiến chính trị đe dọa vị thế nước nhà. Nếu Quốc hội không chuẩn bị cho đầu năm tới, cuộc “nội chiến” sẽ còn gay cấn hơn rất nhiều. Ngoài việc nâng giới hạn nợ liên bang, thỏa thuận này kêu gọi tạo ra một ủy ban lưỡng đảng bàn về vấn đề cắt giảm thâm hụt dài hạn có thể có được sự chấp thuận của Quốc hội. Quốc hội sẽ phải hoàn thành mọi việc vào ngày 13-12, nhưng giới phân tích cho rằng, đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.

Trong tình cảnh hiện nay, rõ ràng, dù được cứu, diễn biến từ nước Mỹ khiến người ta đặt ra câu hỏi, liệu nền kinh tế số 1 thế giới có còn là nơi trú ẩn an toàn và trung tâm tài chính ổn định hay không.

Khả Anh