Báo Công An Đà Nẵng

Kết thúc ngày thi cuối cùng kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Đề thi đạt mục đích phân loại thí sinh

Thứ tư, 27/06/2018 12:47

Sáng nay (27-6), các TS đăng ký dự thi tổ hợp môn khoa học xã hội (KHXH) gồm: Sử- Địa- Giáo dục công dân (GDCD) tại Đà Nẵng đã có mặt tại 23 điểm thi để thực hiện môn thi cuối cùng kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Trong môn Sử, có 39 TS vắng thi /6387 TS đăng ký dự thi (ĐKDT); môn Địa vắng 39 TS/ 6159 TS ĐKDT, GDCD vắng 29TS/5.614 TS ĐKDT. Có 2 HĐT không tổ chức thi là THPT Phan Châu Trinh và THPT Tôn Thất Tùng.

Tâm trạng các TS Đà Nẵng sau khi kết thúc giờ làm bài tổ hợp môn KHXH.

So với 2 ngày thi trước, kết thúc giờ làm bài tổ hợp môn thi cuối cùng, TS Đà Nẵng ra về với tâm trạng thoải mái hơn. Do mỗi TS có một mã đề thi khác nhau, nên việc nhận xét độ khó dễ của các môn, đặc biệt là môn Sử vì thế mà cũng khác nhau. Một số TS thì cho rằng, đề Sử chương trình kiến thức rải đều, số khác lại cho biết, đề ra tập trung một giai đoạn lịch sử. Trong khi đó, các em suy luận, đề thi phải bao quát, phải rải đều kiến thức của các giai đoạn lịch sử Việt Nam nên các em ôn tập theo hướng tổng quát, vì thế làm bài không được tốt. Theo đó, TS Hồ Thị Ngọc Dung- HS trường THPT Nguyễn Hiền, thi để xét tốt nghiệp, đăng ký xét tuyển vào ĐH khối A- thì cho rằng: “Trong 3 môn của tổ hợp KHXH, em thấy môn Sử độ phân hóa giữa khó dễ là 50-50; đề dài so với thời lượng 50 phút làm bài. 2 môn còn lại  tương đối dễ, nhất là môn GDCD em làm dư thời gian. Theo em, đề thi tổ hợp môn KHXH có tính phân hóa, phân loại để xét tuyển ĐH đối với các bạn đăng ký dự thi khối C, D. Với các bạn dự thi chỉ để xét tốt nghiệp cũng có thể làm tàm tạm”. Còn TS Thùy Linh dự thi tại điểm thi trường THPT Trần Phú, dự thi vừa để xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH khối D- lại cho biết, do ôn tập tổng quát, tập trung chủ yếu giai đọan chống Mỹ, trong khi đó mã đề thi của em (310) chủ yếu ra giai đoạn  đầu chống Pháp nên em làm không được tốt. Cũng theo Linh, mã đề thi môn GDCD của em, các tình huống đưa ra hơi bị rối. Nếu đọc không kỹ sẽ dễ nhận định sai trong việc chọn đáp án.

Là TS ĐKDT tổ hợp môn KHXH vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH khối C, TS Phan Mỹ Dung (HS trường THPT Trần Phú) đánh giá khá khách quan khi cho rằng, đề thi năm nay khó hơn năm ngoái, có tính phân loại TS để xét tuyển ĐH. Theo đó, cả 3 môn, độ khó có sự tăng dần từ câu 25 trở lên. “Với đề Sử, theo em là khó hơn so với đề Sử năm ngoái. Trong đó, chủ yếu ra phần lịch sử Việt Nam. Về kiến thức chương trình lớp 11 thì cả Lịch Sử Việt Nam lẫn Lịch Sử đều có 2 câu, không quá khó đối với các bạn ôn tập kỹ, nhưng không dễ với các bạn không chịu ôn tập phần kiến thức nằm trong chương trình lớp 11. Cách ra đề Sử năm nay đòi hỏi TS phải hiểu sâu bản chất của sự kiện lịch sử mới có thể nhận xét, nhận định được vấn đề. Nếu bạn nào hiểu không sâu, không kỹ sẽ dễ bị “nhiễu” trước những phương án đề thi đưa ra. Thường trong 1 hỏi câu trắc nghiệm sẽ có 4 phương án lựa chọn, trong đó có 2 phương án na ná giống nhau nhằm “gây nhiễu” TS. Nếu nắm không chắc kiến thức, TS sẽ dễ chọn nhầm đáp án. Đối với đề Địa, độ phân hóa cũng khá rõ. Theo đó, tuy cho sử dụng át-lát để làm bài, nhưng nếu bạn nào không ôn tập kỹ phần lý thuyết và không biết cách sử dụng át-lát sẽ làm không tốt đề thi này. Đề GDCD theo em các tình huống đưa ra cũng gây “rối” cho TS nếu không chịu đọc kỹ đề”.

Báo cáo nhanh của BCĐ Thi kỳ thi THPT Quốc gia tại Đà Nẵng cho biết, không có TS nào vi phạm quy chế thi trong môn thi cuối cùng này. Như vậy, kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia 2018, Đà Nẵng không có TS vi phạm quy chế thi.

P.Thủy