Báo Công An Đà Nẵng

Kết thúc ngày thi cuối cùng kỳ thi THPT quốc gia 2018: "Dễ thở" với đề thi tổ hợp môn khoa học xã hội

Thứ năm, 28/06/2018 09:12

So với đề thi tổ hợp môn khoa học tự nhiên, đề thi tổ hợp môn khoa học xã hội (KHXH) "dễ thở" hơn. Đó là ghi nhận của nhóm P.V xã hội tại Đà Nẵng và một số tỉnh thành miền Trung sau khi kết thúc giờ làm bài môn thi cuối cùng kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa kiểm tra tại các điểm thi của cụm thi 33.  Ảnh: HẢI LAN

Vừa sức thí sinh

Theo phản ánh của nhiều TS Đà Nẵng và một số tỉnh, thành miền Trung, đề thi tổ hợp môn KHXH không quá khó, sát với chương trình học, nhưng hơi dài so với thời gian làm bài. Với đề thi này, nhiều TS có thể đạt trên điểm trung bình. Trong 3 môn: Sử, Địa, Giáo dục công dân (GDCD), đề Sử độ khó có nhỉnh hơn. Theo nhận xét của các TS ở Thừa Thiên-Huế, độ khó ở môn Sử chính là kiến thức trải dài các giai đoạn lịch sử, phạm vi đề ra khá rộng nên TS phải ôn tập kỹ, hiểu sâu mới làm đạt điểm cao ở môn thi này. Đồng quan điểm này, TS Quảng Nam và Đà Nẵng cho biết thêm, đề môn Sử có tính phân loại rõ rệt với mức độ khó tăng dần từ câu 25 trở lên. TS Phan Mỹ Dung (HS trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng, dự thi để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH khối C) chia sẻ: "Cách ra đề Sử năm nay đòi hỏi TS phải hiểu sâu bản chất của sự kiện lịch sử mới có thể nhận định được vấn đề. Nếu bạn nào hiểu không sâu, không kỹ sẽ dễ bị "nhiễu" trước những phương án đề thi đưa ra. Theo em, không riêng gì Sử, các môn Địa, GDCD, độ khó bắt đầu tăng dần từ câu 25 trở lên. Vì thế, đề thi tổ hợp môn KHXH có tính phân loại cao".

Chia sẻ về môn Địa Lý, nhiều TS ở Đà Nẵng cũng như một số tỉnh thành miền Trung cho rằng, tuy khá dễ nhưng đề năm có nhiều câu hay. TS Vũ Thu Trang, điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu (TP Pleiku) nhận xét: "Em thấy môn Địa lý năm nay khá hay với nhiều câu hỏi đề cập đến các vấn đề xã hội. Em dự tính mình được khoảng 8 điểm môn này".

Đối với môn GDCD, hầu hết TS đều có chung nhận xét, các tình huống đưa ra trong đề thi, nếu không tỉnh táo, đọc không kỹ đề sẽ dễ chọn nhầm đáp án. Với việc "gây nhiễu" này, nhiều TS đã lúng túng khi đọc xong câu hỏi. TS Nguyễn Thị Mai Ngọc (THPT Trần Cao Vân, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) chia sẻ:  "Có nhiều câu tình huống trong đề GDCD rối rắm, đọc xong em chỉ biết cười như câu 111 và 119 trong mã đề 305. Với cấu trúc đề như năm nay, nói học thuộc bài là có thể làm tốt môn GDCD là không đúng".

Dù vậy, so với sự căng thẳng của 2 ngày thi trước, nhất là đề thi tổ hợp môn KHTN, thì theo các TS, đề thi tổ hợp môn KHXH vừa sức có độ phân hóa nhằm phục vụ công tác tuyển sinh ĐH.

TS Đà Nẵng sau khi kết thúc giờ làm tổ hợp môn KHXH, kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia 2018.  Ảnh: P.THỦY

Một kỳ thi có nhiều câu chuyện rơi nước mắt

Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đã chính thức khép lại. Sẽ có nhiều vấn đề cần được đưa ra để phân tích, nhìn nhận nghiêm túc mặt hạn chế nhằm rút kinh nghiệm cho những mùa thi sau được tốt hơn. Tuy nhiên, đây cũng là mùa thi mà ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên cũng như cả nước có nhiều câu chuyện đau lòng gây xúc động rơi nước mắt. Đó là câu chuyện về cô gái Nguyễn Thị Thu Thủy (HS lớp 12/2 trường THPT Tiểu La, H.Thăng Bình, Quảng Nam) nuốt ngược nước mắt vào trong, gắng gượng vượt qua nỗi đau tang chồng tang để hoàn thành xong kỳ thi. Trưa ngày 27-6, sau khi kết thúc giờ làm bài thi tổ hợp môn KHXH, em trở về nhà phụ cùng người thân lo tang ma cho cha và bà nội. Những ai biết được hoàn cảnh bi thương của em cũng đều tự hỏi: Nghị lực, sức mạnh nào giúp em vượt qua nỗi đau mất mát quá lớn này để hoàn thành xong kỳ thi đời mình? Được biết, trưa ngày 24-6 (trước hôm em đi thi nửa ngày), cha mẹ Thủy trên đường đi bán rau từ Đà Nẵng về, khi đến trạm thu phí Điện Thắng (Quảng Nam) thì bị TNGT. Cha mẹ em được đưa đi cấp cứu ngay sau đó. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, cha em mất ngay sau đó, còn mẹ hiện vẫn còn nằm viện. Thảm cảnh hơn, khi nhìn  thấy xe đưa thi thể cha em về đến đầu ngõ, bà nội em đã đột quỵ và qua đời. Nén nỗi đau đớn tột cùng vào lòng, Thu Thủy bước vào phòng thi với một quyết tâm phải thi tốt để thực hiện lời hứa với cha...Đó là câu chuyện về mẹ TS Lê Anh Tuấn (HS trường THPT Nguyễn Tất Thành, H.Đắc R'lắp, Đắc Nông), sau khi đưa con trai đến điểm thi trong môn thi ngoại ngữ chiều 26-6, quay xe về nhà trọ thì bị TNGT và qua đời. Nhận hung tin, sợ ảnh hưởng đến tâm lý thi cử của em, sau khi cân nhắc, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh cùng BGH trường THPT Nguyễn Tất Thành đã quyết định tìm cách nói khéo để giấu thông tin mẹ em mất. Chờ em thi xong môn thi cuối cùng (KHXH) mới cho hay. Trong chiều 26 và sáng ngày 27-6, đích thân lãnh đạo nhà trường đã đưa đón em đi thi....

Đọng lại sau kỳ thi này còn là những câu chuyện về nghị lực, quyết tâm vượt lên bệnh tật, tai nạn để đến điểm thi, hoàn thành sứ mệnh 12 năm đèn sách. Nếu như trường hợp của em Hồ Thị Hà ở H.Đakrông (Quảng Trị) phải cấp cứu trong ngày thi đầu tiên vì biến chứng nặng do rắn cắn cận kề ngày thi thì TS  Trần Minh Luyện (xã Triệu Vân, H. Triệu Phong, Quảng Trị) vừa phẫu thuật tràn khí màng phổi, đang điều trị tại BVĐK tỉnh Quảng Trị cũng quyết tâm không bỏ lỡ kỳ thi. Luyện đã tác động với gia đình viết cam đoan để em có thể rời giường bệnh đến điểm thi Trường CĐSP tỉnh. Sau khi hoàn thành bài thi KHXH, trưa 27 - 6, Luyện lập tức trở lại bệnh viện để điều trị...

Đối với mỗi một con người, sự học là suốt đời. Trên hành trình bước vào đời của những TS không may mắn đột ngột mất đi người thân, mong sao, nghị lực sẽ giúp các em vượt lên nỗi đau, sự mất mát để thực hiện tâm nguyện, ước mơ mà người thân yêu đã tin tưởng đặt vào các em.

NHÓM PVXH

* Sáng 27-6, Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa làm trưởng đoàn đến kiểm tra cụm thi số 33 tỉnh TT-Huế. Đoàn đã đi kiểm tra tại điểm thi trường THCS Chu Văn An (TP. Huế) và THPT Phú Bài (TX. Hương Thủy). Qua làm việc tại một số điểm thi, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao công tác chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất cho kỳ thi THPT quốc gia. Đồng thời đặc biệt lưu ý đối với Trưởng điểm, Phó Trưởng điểm cũng như cán bộ thực hiện nhiệm vụ tại các điểm thi phải đảm bảo tuyệt đối an toàn đối với bộ đề thi cũng như bài làm sau mỗi môn thi của TS. Thứ trưởng đề nghị các trường nêu cao tinh thần trách nhiệm, không được chủ quan ở bất kỳ khâu nào cho đến khi kỳ thi kết thúc. Thứ trưởng cũng dành thời gian thăm hỏi các bậc phụ huynh đợi con ngoài điểm thi và lực lượng thanh niên tình nguyện, các lực lượng xã hội tham gia hỗ trợ, tiếp sức kỳ thi.

* Trong môn thi cuối cùng, tại Quảng Trị, có 1 trường hợp bị đình chỉ thi do mang ĐTDĐ vào phòng thi. Quảng Nam có 1 TS bị đình chỉ thi vì sử dụng tài liệu.