Báo Công An Đà Nẵng

Kêu gọi các nhà đầu tư lớn trồng, chế biến các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh

Thứ sáu, 28/02/2020 16:57

Ngày 27-2, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức buổi làm việc với một số đơn vị, doanh nghiệp về thực trạng phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì buổi làm việc.

Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại buổi làm việc.

Khan hiếm nguồn cây giống

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam thông tin: Từ năm 2017 đến tháng 2-2020, Sở đã trình UBND tỉnh phê duyệt Phương án sử dụng môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh cho 9 tổ chức với tổng diện tích hơn 313ha, diện tích sâm đã trồng hơn 20ha. Hằng năm, Sở NN&PTNT đều tổ chức kiểm tra việc tác động dưới tán rừng để trồng sâm Ngọc Linh của các doanh nghiệp. Qua kiểm tra đã phát hiện một số vi phạm như trồng sai vị trí, ranh giới, chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật được ban hành. Cụ thể như Cty CP Nguyên liệu Giấy miền Trung trồng không đúng vị trí ranh giới được duyệt (0,245ha), phát hiện có 5 gốc cây bị chặt hạ… Trên cơ sở đó, Sở đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị các đơn vị khẩn trương khắc phục cũng như chấn chỉnh, giải quyết các sai phạm liên quan.

Bên cạnh đó, hiện nay do nhu cầu bảo vệ cây sâm Ngọc Linh, các đơn vị và nhóm hộ gia đình đã phát dọn toàn bộ thực bì dưới tán rừng (bao gồm cả cây tái sinh) làm luống để trồng sâm tập trung, gây tác động xấu đến rừng, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của sâm về sau, cũng như công tác bảo tồn hệ sinh thái rừng; một bộ phận nhân dân không đồng ý với chủ trương cho doanh nghiệp vào thuê môi trường rừng để trồng sâm, doanh nghiệp muốn thuê phải thỏa thuận với nhân dân địa phương. Tình trạng trộm cắp sâm Ngọc Linh xảy ra khiến một số hộ dân phải di dời sâm đến nơi khác. Đặc biệt, một số nơi dân không cho chủ rừng và kiểm lâm đến địa điểm trồng sâm gây khó khăn trong công tác kiểm tra quy trình, quy hoạch trồng sâm và quản lý, bảo vệ rừng trong vùng trồng sâm.

Đánh giá về công tác phát triển giống sâm Ngọc Linh, ông Lê Minh Hưng cho rằng, hiện nay trên địa bàn tỉnh nguồn cây giống sâm Ngọc Linh rất khan hiếm, nguyên nhân là do cây sâm Ngọc Linh mới chỉ được nhân giống hữu tính từ các nguồn cây giống có sẵn. Trong đó, số lượng cây sâm giống được nhân chủ yếu từ 2 đơn vị là Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam (với diện tích trồng sâm là 8,5ha) và Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh H. Nam Trà My (diện tích 3,5ha). Đây là nguồn cây giống chính cung cấp hạt nhằm nhân giống để phục vụ cho việc mở rộng, phát triển cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, còn có một lượng cây giống được nhân dân trồng để phục vụ sản xuất.

So với lượng cây giống còn khiêm tốn như hiện nay, trong khi đó nhu cầu mở rộng và phát triển cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh rất lớn. Do vậy, cần có những nghiên cứu, cơ chế chính sách để khuyến khích nhằm nâng cao tỷ lệ gieo ươm và đầu tư phát triển giống cây trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến.

Người dân ươm hạt sâm Ngọc Linh để tạo nguồn giống.

Tiềm năng lớn

Còn ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND H. Nam Trà My thông tin thêm, sau khi đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh đến năm 2030 được thông qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, phát triển trồng sâm các xã trong vùng quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh để mở rộng vùng nguyên liệu; bảo tồn được 100ha cây sâm Ngọc Linh, tương đương với 2 triệu cây và phát triển vùng nguyên liệu sâm trên 1.600ha với hơn 1.200 hộ tham gia; do có sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan truyền thông đã giới thiệu, quảng bá những giá trị đích thực của sâm Ngọc Linh đến mọi tầng lớp người dân trong và ngoài tỉnh, do đó giá sản phẩm sâm Ngọc Linh tăng lên rất cao: Giá cây giống loại 1 năm tuổi từ 50 ngàn tăng lên 300 ngàn đồng/cây; giá sâm củ các loại bình quân từ 75-100 triệu đồng/kg, loại đặc biệt lên đến 200 triệu đồng/kg; mỗi héc-ta trồng sâm sau 5 năm người dân có thể thu được 30 đến 50 tỷ đồng.

Sản lượng sâm khai thác hàng năm tăng nhanh, trước đây sản lượng khai thác từ 1-2 tấn tươi/năm, nay sản lượng đã tăng lên 5-7 tấn, tương đương từ 300 đến 420 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp đã sản xuất ra được các loại sản phẩm từ sâm Ngọc Linh như: Nước uống tăng lực, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, rượu sâm, dung dịch uống, gói sủi, trà sâm, viên nang sâm…

Tại buổi làm việc, một số đơn vị, doanh nghiệp đã có ý kiến về những thuận lợi cũng như khó khăn trong việc tiếp cận hiện trạng đất rừng để trồng sâm; chất lượng, số lượng cây giống còn nhiều hạn chế; tình trạng sâm giả tràn lan khó kiểm soát ảnh hưởng đến thương hiệu sâm Ngọc Linh…

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, thủ tục đất đai được xem là vấn đề vướng mắc nhất hiện nay, vì liên quan đến nhiều vấn đề, như phong tục tập quán đồng bào thiểu số; nằm trong diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng… “Từ những vướng mắc đó, chúng ta phải xác định các khu vực người dân có quyền sử dụng nhằm làm rõ để bàn giao cho người dân hoặc doanh nghiệp quản lý. Người dân vùng cao hàng ngàn năm qua sống gắn bó với núi rừng, giờ doanh nghiệp mình muốn vào những khu vực đó phải thông qua họ cũng là điều dễ hiểu. Nhưng địa phương phải tuyên truyền làm sao cho người dân hiểu chủ trương của tỉnh để họ đồng thuận, phối hợp”- ông Thanh nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Lê Trí Thanh cũng ủng hộ chủ trương nuôi cấy mô cây giống sâm Ngọc Linh để cung cấp giống cho người dân cũng như các doanh nghiệp; nghiên cứu nguồn phân bón thay thế lớp mùn tự nhiên, tuy nhiên phải đảm bảo chất lượng cho cây; tăng cường công tác phòng ngừa dịch bệnh, có phát đồ điều trị cho từng loại dịch bệnh; tăng cường phối hợp giữa địa phương với các ngành chức năng để ngăn chặn tình trạng sâm Ngọc Linh giả… “Tăng cường xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư lớn vào trồng và chế biến các sản phẩm từ sâm. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó phải kiểm tra, chủ động, xác định lại nguồn gốc đất; có cơ chế hỗ trợ cụ thể để thu hút các nhà đầu tư” ông Thanh lưu ý.

BÃO BÌNH