Báo Công An Đà Nẵng

KGB và những thâm cung bí sử

Thứ hai, 12/12/2016 10:15

(Cadn.com.vn) - Giống như Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô (nay là Nga) - KGB - có bề dày đáng nể trong hoạt động tình báo trên quy mô toàn cầu, trong đó có những thâm cung bí sử chưa được tiết lộ.

Mua các ngân hàng Mỹ

Khi KGB không thể dùng các điệp viên để khám phá những bí mật của chính phủ Mỹ, phương án sử dụng hệ thống ngân hàng làm công cụ được nhắm tới.

Vào giữa những năm 1970, KGB nghĩ ra kế hoạch đặc biệt, ngấm ngầm mua 3 ngân hàng của Mỹ tại khu vực Bắc California và coi đây là một phần của hoạt động bí mật nhằm thu thập các thông tin liên quan đến công nghệ trong khu vực. 3 ngân hàng được KGB lựa chọn kỹ bởi trước đó các ngân hàng này thực hiện các giao dịch vay cho các Cty công nghệ. Hơn nữa, nhiều khách vay trong số này ký hợp đồng với quân đội Mỹ nên KGB hy vọng sẽ nắm bắt được các bí mật công nghệ quân sự của Mỹ.

Để thực thi kế hoạch này, KGB ký hợp đồng với một doanh nhân từ Singapore tên là Amos Dawe, thay mặt KGB mua các ngân hàng nói trên. Tuy nhiên, trước khi KGB có thể tiếp quản được các ngân hàng này, CIA đã phát hiện thương vụ này, bởi số tiền doanh nhân Amos Dawe chuyển cho Mỹ có nguồn gốc từ Liên Xô.

Quy mô "phủ sóng" của chiến dịch RYAN.

Chiến dịch RYAN

Những năm 1980, Chiến tranh Lạnh đạt đến tột đỉnh, nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev tuyên bố, Mỹ đang tích cực chuẩn bị cho cuộc chiến tranh chống Liên Xô, thậm chí có thể khởi động cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ bất cứ lúc nào.

 Vì vậy, để đối phó với nguy cơ này, KGB phát động chiến dịch có tên "RYAN Operation",  một trong những chiến dịch có quy mô giám sát lớn nhất lịch sử nhân loại. Mục tiêu của chiến dịch RYAN là cung cấp dấu hiệu cảnh báo sớm nhất của một cuộc tấn công hạt nhân do Mỹ tiến hành, thông qua việc sử dụng vệ tinh COSMOS. Nhờ vệ tinh này, KGB muốn chụp ảnh các căn cứ quân sự của Mỹ, và giám sát chặt chẽ các động thái trước khi vũ khí hạt nhân được phóng đi nhắm vào Liên Xô. Ngoài ra, KGB còn giám sát tất cả các hệ thống radar của Mỹ để phát hiện nhanh các động thái của Mỹ.

Ngoài việc giám sát từ xa, "Chiến dịch RYAN" còn tạo ra một mạng lưới các điệp viên sẵn sàng hành động nếu Mỹ phát động chiến tranh chống Liên Xô. Chiến dịch RYAN là một hoạt động có quy mô lớn và tốn kém, cuối cùng buộc phải thu hẹp vào năm 1984.

Hành động nhanh chóng trong vụ khủng hoảng con tin

Năm 1974, KGB cho thành lập một lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố tinh nhuệ với cái tên bí ẩn Alpha Group (AG). AG do KGB điều hành để thực thi xứ mệnh, nhiệm vụ bí mật và nguy hiểm cho Liên Xô.

Năm 1985, Liên Xô gặp phải sự cố khủng hoảng con tin, sau khi 4 nhà ngoại giao bị những kẻ khủng bố Hồi giáo bắt cóc tại Lebanon. Nhóm này tuyên bố, việc bắt cóc các nhà ngoại giao để ngăn chặn việc Liên Xô ủng hộ Syria trong cuộc chiến tại Lebanon.  Sau khi các nhà ngoại giao bị bắt, những kẻ bắt cóc gửi hình ảnh đáng sợ cho giới báo chí Liên Xô, trong đó có những cảnh các con tin bị gí súng vào đầu. Bọn khủng bố yêu cầu Liên Xô buộc các lực lượng Syria ngừng tấn công các lực lượng được Iran hỗ trợ tại miền bắc Lebanon nếu không các con tin sẽ bị thủ tiêu tức thì.

Ban đầu, Liên Xô đưa ra đề nghị đàm phán với những kẻ khủng bố để giải phóng con tin nhằm hạn chế thương vong. Sau khi một con tin bị giết hại, Liên Xô từ bỏ đàm phán, KGB vào cuộc điều tra. KGB phát hiện tổ chức đứng sau vụ bắt cóc này chính là Hezbollah. Và họ lập tức vào cuộc hành động. Sau đó, những kẻ khủng bố Hồi giáo thả hết 3 nhà ngoại giao của Liên Xô.

Kim Hùng
(Theo Listverse)