Báo Công An Đà Nẵng

Khả năng Brexit không thỏa thuận đang hiện hữu

Thứ năm, 15/10/2020 19:12

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 13-10 cho rằng khả năng Brexit không thỏa thuận giữa Anh và Liên minh Châu Âu (EU) đã hiện hữu khi thời gian để hai bên tìm cách đạt thỏa thuận đã hết.

Khả năng Anh và Liên minh Châu Âu (EU) không đạt được thỏa thuận hậu Brexit đang ngày càng hiện hữu.    Ảnh: Europa

Phát biểu trước Ủy ban đối ngoại Quốc hội Pháp, ông Le Drian nhận định rằng xét diễn biến tình hình hiện tại EU và Anh vẫn chưa đạt được thống nhất về những điểm tồn tại, thì giả thuyết một Brexit không thỏa thuận giữa hai bên là "rất thực" và hoàn toàn có thể xảy ra. Ông Le Drian nhấn mạnh: "Ai cũng biết người Anh giỏi về chiến thuật, nhưng lúc này không phải là lúc chơi chiến thuật vì thời hạn đã cận kề”. Theo Ngoại trưởng Pháp, EU không thay đổi lập trường hiện tại về các nội dung thỏa thuận, trong khi đã gần đến hạn chót để hai bên đạt thỏa thuận, do đó, trong khoảng thời gian từ ngày 15-10 đến 15-11 tới hai bên cần phải thống nhất được về những điểm còn tồn tại. Ông Le Drian cho biết EU cũng đã chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra, trong đó có tình huống Brexit không thỏa thuận.

EU quyết không nhượng bộ

Ngày 7-9 vừa qua, Thủ tướng Boris Johnson nêu rõ thời hạn chót để đạt được một thỏa thuận thương mại song phương hậu Brexit là ngày 15-10. Nếu sau thời hạn này mà hai bên không đạt thỏa thuận, Anh sẽ có một thỏa thuận "theo kiểu Australia" với EU, tức là giao dịch thương mại với EU theo các quy định và thuế quan của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

EU chưa bao giờ công nhận "tối hậu thư" mà Thủ tướng Anh đưa ra, song trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier trước đó đã cảnh báo rằng nếu không có được một thỏa thuận trước khi kết thúc tháng 10 thì các nước thành viên EU cũng như Nghị viện Châu Âu (EP) khó thông qua về mặt thủ tục trong năm nay.

Hôm 13-10, các trưởng bộ phận của EU cảnh báo mặc dù thời gian để liên minh và Anh đạt thỏa thuận thương mại trong giai đoạn hậu Brexit không có nhiều, nhưng EU sẽ không nhượng bộ Anh trong các vấn đề như quy định về cạnh tranh bằng và quyền đánh bắt cá, vốn đang là những vấn đề chính cản trở đàm phán song phương đi đến đích cuối cùng.

Phát biểu khi tới Luxembourg tham dự các cuộc đàm phán Brexit cùng các bộ trưởng đến từ các nước thành viên EU khác, Bộ trưởng Các vấn đề EU của Đức Michael Roth hối thúc Anh có hành động thiết thực nhằm tháo gỡ những bế tắc về vấn đề đánh bắt cá - cơ chế giải quyết mâu thuẫn và các quy định trợ cấp nhà nước trong đàm phán thỏa thuận thương mại với EU. Ông Roth cho biết EU đang nỗ lực để hai bên đạt thỏa thuận nhưng cùng với đó cũng chuẩn bị cho kịch bản giao thương từ năm 2021 mà không có một thỏa thuận nào quy định về các vấn đề thuế quan và hạn ngạch. Nhấn mạnh đàm phán đang trong giai đoạn rất quan trọng, với áp lực cực lớn khi thời hạn chót cận kề, Bộ trưởng Đức Roth khẳng định EU muốn có tiến triển rõ rệt từ phía các đối tác Anh trong các vấn đề quan trọng như đánh bắt cá, cạnh tranh bình đẳng...

Bộ trưởng Các vấn đề EU của Phần Lan Tytti Tuppurainen cũng đồng ý với người đồng cấp Đức, cho rằng hiện vẫn còn nhiều vấn đề mở. Bà khẳng định, EU mong muốn đạt được thỏa thuận với Anh nhưng không phải với mọi giá. Bà cho rằng, các quốc gia Châu Âu cần chú ý tới các cuộc đàm phán kỹ thuật Anh-EU, trong đó có vấn đề hàng không, một vấn đề quan trọng với Phần Lan.

Bộ trưởng Các vấn đề EU của Pháp Clement Beaune nhấn mạnh điều quan trọng là 27 quốc gia thành viên EU phải đoàn kết cùng quan điểm. Theo ông, toàn liên minh phải "rất chắc chắn" về những ưu tiên hàng đầu, trong đó có vấn đề đánh bắt cá, đảm bảo cạnh tranh công bằng là điều kiện không thể thiếu nếu Anh muốn tiếp cận thị trường chung Châu Âu với 450 triệu người mà không có một rào cản thuế quan nào.

Theo kế hoạch, các lãnh đạo EU sẽ họp trong ngày 15, 16-10 tại Brussels và nghe trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier báo cáo. Bộ trưởng Roth khẳng định các quan ngại chính của EU hiện nay là cách quản lý thỏa thuận, các quy định về sân chơi công bằng trong cạnh tranh. Chính phủ của Thủ tướng Johnson luôn phản đối để thỏa thuận quan hệ thương mại song phương chịu sự chi phối của luật pháp Châu Âu, và khẳng định London phải có quyền quyết định về vùng đánh bắt cá của nước này như một cách khẳng định chủ quyền. Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, hoạt động thương mại giữa hai cựu đối tác sẽ trở về "vạch xuất phát" là dựa trên các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - một kịch bản được cho là sẽ gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng về kinh tế và giao thông song phương.

AN BÌNH