Khắc khoải một “Khúc hát lưu dân”
(Cadn.com.vn) - “Khúc hát lưu dân” là tập thơ thứ ba của Nguyễn Đức Dũng (Hội viên Hội VH-NT Quảng Nam), do NXB Hội Nhà văn ấn hành vừa ra mắt bạn đọc. Tập thơ gồm 35 bài, là sự tiếp nối mạch nguồn xúc cảm của anh về đất và người xứ Quảng quê anh. Như anh đã viết trong bài thơ cùng tên: “Kìa bạn bè con đến thế gian này ca hát rồi đi/ Những cánh sao nhỏ nhoi tự cháy hết mình qua trời xa thẳm/ Con tự cháy một nốt trầm thứ mẹ/ Nốt trầm đáng yêu vừa đẹp vừa buồn”.
Lưu dân nhưng không... lưu xứ. Đó là mạch chủ đạo để Nguyễn Đức Dũng trải lòng cùng bản quán, về thế thái nhân tình, trách nhiệm của người nghệ sĩ với quê hương và rộng ra là cương thổ của Tổ quốc: “Ta cúi xuống ruột gan không chịu thấu/ Từng lá xanh cứ khắc khoải lìa cành/ Con trai mẹ như củ khoai củ đậu/ Nghìn năm âm thầm hôn hết áo khăn” (Khúc hát lưu dân) hay “Có đất nước nào như đất nước ta/ Lưng gánh mưa nguồn ngực phơi giông bão/ Mỗi góc ruộng bờ cây là mỗi niềm xương máu/ Mỗi tên người tên đất cứ rưng rưng” (Cương Thổ)...
Nhà thơ Phan Chín, Phó Chủ tịch Thường trực Hội VH-NT Quảng Nam cho rằng: “Khúc hát lưu dân không phải là một khúc ca buồn của những xa lạc, chia ly mà là khúc hát nhớ thương miên man và ngọt ngào của một trái tim luôn khao khát tìm về”. Và, Nguyễn Đức Dũng vẫn tiếp tục “cháy” hết mình, tận hiến với thơ bằng trái tim đa - cảm - hồn - nhiên của người nghệ sĩ: “Cạn lòng chẳng ngại khen chê/ Sân si tôi hỏi đi về những đâu? Lẫn tôi trong biếc xanh nào/ Lòng như lá nọ rụng vào trôi kia” (Về bên suối).
Nguyễn Đức Dũng (1958), quê xã Điện Quang, H. Điện Bàn (Quảng Nam), hiện sống và làm việc tại TP Tam Kỳ. Ngoài “Khúc hát lưu dân”, anh đã xuất bản hai tập thơ: “Áo giấy cho sông” (2010), “Nắm níu” (2012) và có nhiều bài thơ in trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Thơ anh đoạt nhiều giải thưởng, trong đó tập thơ “Nắm níu” được giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam.
Thạch Hà