Khắc phục hậu quả lũ quét ở Mù Cang Chải
* Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn làm việc cả ngày lẫn đêm để tìm kiếm người mất tích
Tại hiện trường nơi trận lũ quét tàn phá ở khu vực tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải (Yên Bái) vào ngày 3-8, ông Giàng A Củ, 67 tuổi, dân tộc Mông ở bản Kim Nọi, xã Kim Nọi, H. Mù Cang Chải cho biết: “Chính quyền luôn cảnh báo người dân phải đề phòng với lũ ống, lũ quét khi mùa mưa bão đến. Người dân chúng tôi cũng đã chủ động làm theo nhưng chẳng ai ngờ được cơn lũ khủng khiếp đến thế. Cả đời tôi chưa bao giờ chứng kiến cơn lũ kinh hoàng thế! Có lẽ cả trăm năm nay, ở đây cũng chưa từng có lũ lớn như vậy. Đây quả là một thảm họa mà chẳng ai lường hết được!”.
Trận lũ ống xảy ra sáng 3-8 làm thị trấn Mù Cang Chải, xã Lao Chải và xã Kim Nọi (H. Mù Cang Chải, Lào Cai) chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong ảnh: Toàn bộ sân vận động Mù Cang Chải bị ngập hơn 1m trong bùn đất. |
Theo ông Lê Trọng Khang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND H. Mù Cang Chải, khoảng 5 giờ 30 phút ngày 3-8, lũ từ núi Kim Nọi bất ngờ đổ về dọc theo khe suối hướng thẳng vào thị trấn. Theo đó, những tảng đá rất to từ trên núi Kim Nọi, bình thường cả trăm người đẩy cũng không di chuyển nổi nhưng lũ đã cuốn phăng đi. Chỉ vài phút sau, hàng chục nóc nhà đã bị lũ nhấn chìm...
Anh Lê Doãn Dũng (1985) trú tổ 8, với vẻ mặt thất thần, nghẹn ngào kể lại: “Sáng sớm hôm đó, khi nghe tiếng hô hoán của hàng xóm, tôi bật dạy chạy ra ngoài thì đã thấy lũ tràn đến cửa. Tôi vừa kịp hô vợ và hai con lao ra nhưng không kịp. Vợ và các con tôi đã bị cuốn mất trong lũ, bản thân tôi cũng đã bị nước cuốn trôi gần 500 m nhưng may mắn bám được cành cây ven suối nên được người dân cứu mạng”.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân H. Mù Cang Chải, đến nay toàn huyện có 23 người thương vong, trong đó có 14 người chết và mất tích; thiệt hại 54 nhà, trong đó có 29 nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn; 6 công trình bị thiệt hại. Trên tuyến đường Quốc lộ 32 từ đèo Khau Phạ và thị trấn huyện lỵ có tới 35 điểm sạt lở. Hệ thống thủy lợi các xã Lao Chải, Kim Nọi, Chế Tạo và Khao Mang bị phá hỏng hoàn toàn... Ước tính tổng thiệt hại do lũ quét ở đây khoảng 150 tỷ đồng.
* Chiều 3-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, đoàn công tác của một số bộ ngành, cũng đã đến hiện trường lũ quét chỉ huy cứu nạn, khắc phục hậu quả và thăm hỏi người dân. Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn, Quân khu 2, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải... phối hợp ứng cứu dân, đồng thời đánh giá lại vùng địa chất nguy hiểm tiềm ẩn lũ quét, làm lại đường giao thông, khắc phục công trình bị phá hủy.
Ngày 4-8, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái đã kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm, các tổ chức trong và ngoài tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sỹ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh ủng hộ nhân dân H. Mù Cang Chải bị thiệt hại do mưa lũ. Ngay sau lễ phát động, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ủng hộ 30 triệu đồng; Ban Chỉ đạo Tây Bắc ủng hộ 200 triệu đồng; Văn phòng Tỉnh ủy Yên Bái, Ban Đại diện Hội người cao tuổi, Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái ủng hộ nhân dân H. Mù Cang Chải gần 30 triệu đồng...
Hiện các lực lượng cứu hộ, cứu nạn làm việc cả ngày lẫn đêm để tìm kiếm người mất tích và khắc phục hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, do địa hình chia cắt, địa bàn rộng phức tạp, lượng đất đá vùi lấp rất lớn... trong khi đó, hầu hết người mất tích bị nước cuốn trôi nên rất khó xác định được địa điểm, vị trí để tìm kiếm. Yên Bái đang rất cần sự chia sẻ giúp đỡ từ các bộ ngành Trung ương và các tỉnh cùng những tổ chức, nhà hảo tâm giúp đỡ người dân nhanh chóng vượt qua đau thương, mất mát để ổn định đời sống.
l Ngày 4-8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2016, những tháng đầu năm 2017 và triển khai công tác trong thời gian tới. Theo báo cáo, tính từ đầu năm 2017 đến hết ngày 30-7-2017 toàn quốc xảy ra 1.768 vụ, thiên tai, tai nạn, sự cố, giảm 203 vụ so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên số người chết lại lên tới 511 người, tăng 42 người so với cùng kỳ năm 2016; số mất tích là 145 người, tăng 45 người so với cùng kỳ năm 2016...
Đặc biệt, sáng 3-8 vừa qua, trận lũ quét kinh hoàng đã gây thiệt hại lớn về người cho hai tỉnh Yên Bái, Sơn La. Hiện tại, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn đang rất nỗ lực để tìm kiếm, cứu chữa các nạn nhân. Trước tình hình này, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đang nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ, chủ động ứng phó tốt hơn với những diễn biến khó lường của thời tiết, cũng như giảm thiểu thiệt hại do cháy nổ gây ra.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của lực lượng tìm kiếm cứu nạn, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt, trong việc hạn chế ở mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản cho nhân dân và Nhà nước. Công tác cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn đã được các lực lượng triển khai kịp thời, có hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”. Phó Thủ tướng cũng ghi nhận và biểu dương nỗ lực của các lực lượng tìm kiếm cứu nạn đang rất nỗ lực, chạy đua với thời gian để tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống sau trận lũ quét lịch sử sáng 3-8.
B.T – T.T
Thủ tướng chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 1131/CĐ-TTg về tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ. Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, nhất là các tỉnh Yên Bái và Sơn La tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn mất tích; rà soát, chủ động di dời khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để đảm bảo an toàn tính mạng. Tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có người bị nạn; hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng chu đáo cho người bị thiệt mạng; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời; tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị sạt lở, ngập sâu. Huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường sau lũ; chủ động khắc phục hậu quả, tập trung khôi phục công trình hạ tầng hư hỏng, đặc biệt là các trạm y tế, bệnh viện, trường học, công trình giao thông, thủy lợi, điện để bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho người dân. |