Báo Công An Đà Nẵng

Khắc phục “thẻ vàng” IUU: Đà Nẵng quản lý nguồn gốc hải sản từ cửa biển

Thứ sáu, 28/09/2018 16:00

Thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Thời gian qua, TP Đà Nẵng đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật về việc quản lý hoạt động khai thác xa bờ nhằm nỗ lực xóa thẻ vàng lấy lại thẻ xanh cho ngành thủy sản Việt Nam.

Lực lượng chức năng tuyên truyền về cấm khai thác bất hợp pháp cho ngư dân tại cảng cá Thọ Quang.

Nhằm chung tay cùng các địa phương khắc phục “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản Việt Nam, tại TP Đà Nẵng các lực lượng chức năng đã và đang quyết liệt thực hiện công tác quản lý nguồn gốc hải sản. Một trong các biện pháp được lực lượng Biên phòng Đà Nẵng thực hiện nhằm tăng nhận thức của ngư dân đó là kiểm tra, kiểm soát và tuyên truyền cho ngư dân ngay từ cửa biển.

Mỗi chiếc tàu cá chuẩn bị ra khơi đều được lực lượng Biên phòng Sơn Trà, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng cấp phát một cuốn “nhật ký khai thác hải sản”. Ngoài việc kiểm tra các giấy tờ theo quy định như đăng ký số danh bạ thuyền viên, giấy phép khai thác, thì nhiệm vụ của các cán bộ tại trạm kiểm soát biên phòng này còn hướng dẫn các chủ tàu ghi chép nhật ký khai thác của từng chuyến biển. Theo Đồn Biên phòng Sơn Trà, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng, thì cán bộ ở Đồn phải hướng dẫn cho bà con ghi nhật ký khai thác theo từng ngày, từng mẻ lưới, đúng tọa độ và đúng số lượng…

Theo quy định, những tàu cá đảm bảo các thủ tục, chứng minh được nguồn gốc mới được vào cảng bán hải sản, hơn nữa cũng do các tàu đã được cấp phát và yêu cầu ghi nhật ký khai thác trước khi ra khơi nên những chuyến biển về ngư dân Đà Nẵng đã có ý thức hơn trong việc ghi nhật ký khai thác.

Ngư dân Trần Văn Chiến, thuyền trưởng tàu ĐNa 90778 TS cho biết: “Mỗi lần đi biển ngư dân chúng tôi đều ghi lại nhật ký khai thác, ở tọa độ bao nhiêu, đánh bắt được bao nhiêu sản lượng một cách rõ ràng về nộp lại cho lực lượng chức năng…”. Đối với các trường hợp cố ý không thực hiện, không chứng minh được nguồn gốc hải sản, lực lượng chức năng TP Đà Nẵng đã có những hình thức xử lý theo quy định. Đồn Biên phòng Sơn Trà luôn đảm bảo lực lượng trực thường xuyên, thực hiện kiểm tra, kiểm soát tàu cá trước khi xuất bến, kiểm tra chặt chẽ các nhật ký khai thác hải sản, cũng như phiếu kiểm soát nghề cá do Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá đã cấp phát cho bà con ngư dân. Khi kiểm tra, những trường hợp nào không ghi nhật ký thì lực lượng Biên phòng kiên quyết không xuất bến cho các tàu cá không đảm bảo các yêu cầu, điều kiện theo quy định; trong thời gian qua lực lượng chức năng đã phát hiện và xử phạt rất nhiều các trường hợp không ghi nhật ký khai thác và đã có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật, còn đối với những phương tiện có nhật ký khai thác hải sản, đảm bảo các thủ tục thì mới cho tàu vào  cảng cá.

Nhận thức rõ sự cần thiết của việc tuân thủ các quy định từ thị trường châu Âu, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng đã tích cực phối hợp các lực lượng chức năng hướng dẫn ngư dân thực hiện khai thác hải sản hợp pháp. Đến nay, Sở đã chủ trì phối hợp với Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng, UBND các quận tổ chức gần 10 lớp tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản và hơn 400 ngư dân là chủ tàu cá, thuyền trưởng tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên. Nội dung tuyên truyền đến các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, các chủ tàu, thuyền trưởng các quy định mới về Luật Thủy sản 2017; các hoạt động chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác; quy định mới về thực hiện ghi và nộp nhật ký khai thác thủy sản, báo cáo khai thác thủy sản; khai báo, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát khi tàu cá xuất, nhập tại cảng cá; và các quy định khác có liên quan. Theo Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, từ đầu năm đến nay, chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang đã thực hiện hơn 7.000 lượt kê khai nguồn gốc, xuất xứ các loại thủy hải sản, với tổng sản lượng hơn 25.000 tấn.

Nhiều ngư dân cho rằng, việc truy xuất nguồn gốc thủy, hải sản là cần thiết, bởi khi thị trường Châu Âu (EU) siết chặt doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ phải làm chặt với ngư dân. Nếu ngư dân đánh bắt không ghi chép nhật ký khai thác, cơ quan chức năng sẽ không xác nhận, doanh nghiệp cũng không mua hải sản. Vì vậy, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa ngư dân, chính quyền và doanh nghiệp để sản phẩm khai thác khi lên bờ có giá trị kinh tế cao. Yêu cầu chứng minh được nguồn gốc mới cho thuyền vào tàu cảng bán hải sản, bằng cách làm này, TP Đà Nẵng đã và đang quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn và đánh giá rủi ro, các tiêu chuẩn kiểm tra để đảm bảo thực hiện việc kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý theo các hướng dẫn của EC. Qua đó, bảo đảm truy xuất nguồn gốc hải sản một cách đầy đủ, minh bạch, góp phần cùng cả nước xóa thẻ vàng lấy lại thẻ xanh cho ngành thủy sản Việt Nam.

THANH HOA