Báo Công An Đà Nẵng

"Khắc tinh" của tội phạm

Thứ năm, 21/11/2013 14:07

(Cadn.com.vn) - Trẻ, khỏe, nhanh nhẹn và giỏi võ thuật là đặc điểm dễ nhận thấy của lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Đà Nẵng. Nhờ có các anh, đêm Đà thành trở nên bình yên.

Tội phạm phải dè chừng

Đêm vắng lặng, đang tuần tra trên đường Hùng Vương, Tổ CSCĐ gồm 6 đồng chí phát hiện một tốp thanh niên đi xe máy, những đối tượng ngồi sau tay vung dao kiếm loang loáng rồi cười phá lên khoái trá. Khi thấy CSCĐ đuổi theo, tốp thanh niên tăng tốc chạy trốn. Cuộc rượt đuổi bắt đầu. Tiếng động cơ lao như xé gió. Những chiếc xe phóng kinh người với vận tốc tối đa nhưng thượng sĩ Dương Minh Trung và thiếu úy Nguyễn Văn Nhơn đã đón đầu và buộc các đối tượng dừng xe bằng phát súng chỉ thiên.

9 thanh niên với thái độ hung hãn lăn xả vào dùng kiếm chém tới tấp vào người hai chiến sĩ cảnh sát. Máu tuôn ướt đầm lưng áo nhưng thiếu úy Nhơn vẫn ghì chặt đối tượng khống chế để chờ đồng đội tiếp cứu. Thượng sĩ Trung bị nhiều vết thương vào tay, bụng nhưng vẫn kịp đánh gục vài đối tượng, kìm chân những tên còn lại. Vừa lúc đó, thiếu tá Nguyễn Quang Thông - Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn CSCĐ cùng 3 đồng đội đến phối hợp bắt gọn 9 đối tượng. Qua khai nhận, nhóm này cho biết đang chuẩn bị hung khí để đi “thanh toán” một tốp khác do mâu thuẫn cá nhân. “Lúc đó mình không cảm thấy đau đớn, chỉ nghĩ phải quyết bắt cho được tội phạm” – Thiếu úy Nhơn chia sẻ.

Không chỉ giỏi về nghiệp vụ, CSCĐ còn phải dũng cảm
bởi luôn đối mặt với tình huống nguy hiểm.
(Trong ảnh: một buổi diễn tập áp sát mục tiêu trên cao của lực lượng CSCĐ  Đà Nẵng).

Chuyện trầy xước hay những vết thương ở tay, chân vốn là chuyện bình thường với các chiến sĩ ở Đội CSCĐ. Các anh còn được gọi đùa là những “tay lái lụa” bởi thường những đối tượng cướp giật, gây rối rất hung hãn, khi bị đuổi bắt chúng đều phóng xe với vận tốc kinh hoàng nên nếu không vững tay lái thì người cảnh sát không những không đuổi kịp mà còn rất dễ bị tai nạn trên đường truy đuổi. Không ít những đối tượng còn lao thẳng xe vào xe của anh em CSCĐ để tẩu thoát. Trường hợp đó nếu xử lý không kịp thì rất dễ nguy hiểm đến tính mạng.

Tuy nhiên, cũng có những lúc vì sự an toàn của người dân mà các anh phải dừng cuộc truy đuổi, chuyển sang các biện pháp nghiệp vụ khác. “Có lúc đối tượng phóng xe khá nhanh vào khu dân cư đông người. Khi đó chúng tôi không thể đuổi theo vì nguy hiểm đến người dân” – thiếu tá Nguyễn Quang Thông cho biết.

Với những chiến sĩ CSCĐ, áp lực từ những người bị hại với mong mỏi tìm ra thủ phạm, áp lực từ nỗi day dứt khi cái ác còn nhởn nhơ... khiến các anh ăn không ngon ngủ không yên.

Yêu nghề

Tiểu đoàn CSCĐ quân số khá đông nhưng chỉ có khoảng 30 người có gia đình. “Một phần vì các em ở độ tuổi trẻ, phần do tính chất công việc phải ứng trực 24/24 nên không có thời gian... tìm hiểu” – thiếu tá Nguyễn Quang Thông chia sẻ. Còn với những người đã có gia đình thì lại có nỗi niềm riêng. 37 tuổi, hơn 16 năm trong nghề, “kinh nghiệm” rút ra sau khi đã lên chức bố của hai đứa trẻ với anh Thông là đừng bao giờ... hứa với vợ con điều gì. “Vừa hứa tý nữa đưa con đi chơi thì nhận được điện của đồng đội phát hiện có chuyện. Vậy là chưa kịp hôn tạm biệt con đành phải lên đường. Lâu dần bỗng nhiên mình thành... Cuội nên tốt nhất đừng nên hứa” – thiếu tá Thông thổ lộ. Với thiếu tá Thông, dù lấy vợ đã nhiều năm nhưng chưa có cái tết nào anh ở nhà với vợ con. Anh kể, được nghỉ 1 ngày khi đã qua tết thì ngủ bù để lấy lại sức tiếp tục đánh án.

Với CSCĐ, chuyện đang ăn cơm với gia đình buông đũa lao nhanh xuống đường đến điểm “nóng” có sự vụ là chuyện bình thường. Trung úy Ngô Văn Hải (30 tuổi) vừa cưới vợ kể: “Có khi đang chở vợ đi chơi, nghe điện thoại của đồng đội đành bảo vợ bắt taxi về để mình đến tiếp cứu, hai ba ngày sau mới ló mặt về tới nhà nhìn mặt vợ buồn mà thấy thương nhưng biết làm sao. Là vợ CSCĐ phải hiểu và thông cảm mới được”. Bởi vậy, đã có không ít những cuộc tình dang dở bởi người con gái không thể “hiểu và thông cảm” như anh Hải nói, không vượt qua được những đòi hỏi thông thường.

Thu nhập không cao, nghề nguy hiểm, lại suốt ngày “ăn dầm nằm dề” ngoài đường, vậy lý do gì để các anh gắn bó, sống chết với nghề CSCĐ? Như trung úy Ngô Văn Hải chia sẻ: “Nhìn nụ cười hạnh phúc của người dân khi nhận lại đồ bị mất cắp, có khi là cả gia tài tự nhiên thấy nhẹ nhõm, thấy mọi vất vả đã qua của mình chẳng là gì”. Những món quà dành cho các anh là những lời động viên, những ánh mắt ngưỡng mộ, khâm phục hay những giỏ trái cây nho nhỏ bày tỏ sự cảm ơn. Nhưng chừng đó cũng đủ làm các anh ấm lòng, thêm yêu nghề.

Mộc Miên