“Khắc tinh” thợ săn dưới tán rừng già
Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông có diện tích tự nhiên hơn 37.000 ha nằm trên địa bàn 7 xã phía nam của huyện Đakrông: Đakrông, Triệu Nguyên, Ba Lòng, Húc Nghì, Ba Nang, Tà Long và A Bung. Khu bảo tồn có đa dạng sinh học khá phong phú với gần 1.500 loài thực vật bậc cao, cùng hàng trăm loài thú, loài chim, loài bò sát ếch nhái và hơn 70 loài cá. Giám đốc Ban quản lý (BQL) Khu bảo tồn Đakrông Trương Quang Trung cho biết, trong đó có nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Hiểu được ý nghĩa và trách nhiệm lớn lao trong giữ rừng, các tổ tuần tra, “biệt đội” giải cứu thú rừng không từ nan, dấn vào nhọc nhằn, qua địa hình dốc, hiểm trở để mang bình yên cho “ngôi nhà” của quần thể động vật hoang dã.
Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông Đinh Thiên Hoàng cũng cho biết, từ năm 2022 trở về trước, hoạt động tuần tra tập trung vào ngăn chặn các đối tượng khai thác gỗ và lấn chiếm rừng trái phép. Từ năm 2023 đến nay tập trung vào hoạt động tháo gỡ bẫy, truy quét, đẩy đuổi các đối tượng săn bẫy bắt động vật rừng, đánh bắt cá, các loại thủy sinh trái phép. Hoạt động “giải cứu” thú rừng là nhiệm vụ chính trong giai đoạn hiện nay của Khu bảo tồn. Về lực lượng “biệt đội” đặc biệt này, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn chia sẻ đầy ấn tượng khi nhấn mạnh “dựa vào dân là chính” với sự tin tưởng, xen lẫn cảm phục. Hiện có 19 tổ tuần tra với 264 thành viên cộng đồng; trong đó có 3 tổ tháo dỡ bẫy chuyên nghiệp, được lập bởi BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn và lực lượng nòng cốt đến từ đồng bào dân bản. Mặc dù đối diện với nguy hiểm rình rập nhưng càng khó khăn thì lực lượng tuần tra càng phải quyết tâm, bởi “thợ săn” không chừa hoàn cảnh nào để săn bắt trái phép. Trong quá trình tuần tra, đội dày dặn kinh nghiệm xác định các vị trí có khả năng đặt bẫy và kịp phát hiện các bẫy được giăng sẵn. Nói về “ma trận” các loại bẫy thú rừng, nguy hiểm nhất vẫn là loại bẫy cạp, được làm từ hai miếng thép hình bán nguyệt có răng cưa lởm chởm; tiếp đến là bẫy thòng lọng. Đây là 2 mối đe dọa lớn đối với thú rừng ở khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông. Chỉ trong quý II năm 2024, 3 đội tuần tra, tháo gỡ bẫy đã thực hiện 41 đợt tuần tra với tổng số ngày tuần tra là 84 ngày, khoảng cách tuần tra hơn 700km. Qua đó, phát hiện và tháo gỡ 1.565 bẫy động vật, trong đó 1.490 là bẫy thòng lọng dây phanh chiếm 95,21%, 29 bẫy lồng, 25 bẫy kẹp, 16 bẫy lọng, 21 bẫy sập. Tính trong 7 tháng năm 2024, hoạt động tuần tra, tháo gỡ bẫy nói chung đã phát hiện và “triệt phá” hơn 5.500 dây bẫy. Đây là con số khủng khiếp nếu chúng “bật chế độ” trót lọt.
Không chỉ tháo gỡ bẫy, các thành viên tổ tuần tra còn xử lý triệt để nhằm đảm bảo rằng các cành cây các đối tượng sử dụng để làm bẫy không thể được sử dụng lại. Cầm trên tay nặng trịch hàng chục “bẫy”, chúng tôi như thấy cả hành trình đầy cảm phục của các anh. Gợi nhắc đến những “hiệp sĩ” đến từ cộng đồng dân bản, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm khu bảo tồn Đakrông Đinh Thiên Hoàng như nằm lòng nhiều tên gọi quen thuộc đã đồng hành với lực lượng kiểm lâm bao năm qua. “Nhiều cán bộ kiểm lâm có thâm niên lâu năm, đã trên 50 tuổi nhưng luôn tích cực và trách nhiệm. Bởi một phần được động viên, tiếp sức từ chính người dân tham gia tổ tuần tra. Tiêu biểu lực lượng cộng đồng tham gia nhiều gồm có các anh Hồ Văn Dung, Hồ Văn Dũng, Hồ Văn Thơ (xã Tà Long); Hồ Ai Bút (xã Đakrông), Hồ Văn Xương, hồ Văn Tân, Hồ văn Cường (xã Húc Nghì), Hồ Văn Mừm (xã A Bung); Hồ Văn Quý, Đinh Hữu Hạnh, Nguyễn Quang Hải, Hồ Văn Đăng (xã Ba Lòng)…”, sau lời trân trọng ấy chúng tôi hiểu hẳn nhiên danh sách đó rất dài.
Không chỉ tháo gỡ bẫy thú, các tổ tuần tra còn phá dỡ lán trại, thu cả súng săn. Lần gần nhất là vào ngày 25-7 vừa qua, quá trình tuần tra tháo gỡ bẫy, tổ tuần tra phát hiện khẩu súng săn trong 1 lán trại của các đối tượng săn bắn trái phép trên địa bàn xã A Bung, giáp ranh với xã Húc Nghì. Súng săn này được lực lượng tổ tuần tra bàn giao cho Công an xã Húc Nghì. Và đây không phải là súng săn đầu tiên phát hiện trong năm 2024. Tháng 9-2024, mưa đang về dồn dập hơn, nguy hiểm nhiều hơn, nhưng điều đó không ngăn được tổ tuần tra hướng về rừng già, bảo vệ động vật hoang dã mọi lúc mọi nơi.
Bảo Hà