Khách sạn, nhà nghỉ ở khu Du lịch Lăng Cô: Báo động tình trạng cung vượt cầu
(Cadn.com.vn) - Lăng Cô là một thị trấn thuộc H. Phú Lộc, tỉnh TT - Huế, cách trung tâm TP Huế khoảng hơn 50km. Là một thị trấn nhưng nếu xét về mức đầu tư resort, khu nghỉ dưỡng, khách sạn... dường như không thua bất cứ đô thị du lịch nào của TP Huế, điều đó tiềm ẩn quá nhiều điều bất ổn. Trong lúc ngành Du lịch chưa có số liệu thống kê, kế hoạch chi tiết, đầy đủ thì người dân bất chấp rủi ro, dùng đủ mọi cách thế chấp sổ đỏ, nhà cửa, tài sản để... xây khách sạn! Và, sự thua lỗ sẽ là điều khó tránh khỏi khi nhiều đợt sóng cung vượt quá nhu cầu của thực tế.
Con đường hình thành khách sạn
Nhắc đến Chân Mây- Lăng Cô, du khách gần xa thường nghĩ đến vẻ đẹp hoang sơ, thanh bình của ba bề là rừng, một bên là biển. Biển thì trong xanh, ôm ấp làn cát trắng mịn màng óng ánh, tất cả tạo nên vẻ đẹp đặc trưng quyến rũ mà người ta thường ví Lăng Cô như “cô gái đẹp, giàu sức sống”. Mới đây, ngày 15-5-2009 tại Sétubal, Bồ Đào Nha, Tổ chức các Vịnh biển đẹp nhất thế giới (Worldbays) đã chính thức công nhận vịnh Lăng Cô là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Chính vẻ đẹp đó làm Lăng Cô trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn, hứa hẹn sự thay đổi để phát triển cho một vùng đất còn nhiều gian khó.
Không chỉ được ban tặng nét đẹp hoang sơ, vùng đất này còn được thiên nhiên ưu ái khi nằm một bên vịnh nước sâu Chân Mây, về sau có quyết định khởi công xây dựng thành cảng nước sâu Chân Mây được chính thức đi vào hoạt động từ ngày 19-5-2003. Đây có thể là bước tạo đà cho Lăng Cô trở thành một “đầu tàu” để thúc đẩy sự phát triển vùng đất tiềm năng. Đặc biệt, sau Quyết định 26/QĐ- TTg của Thủ tướng CHÍNH phủ phê duyệt đề án “Định hướng phát triển Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô đến năm 2020” thổi bùng niềm hy vọng về sự thay đổi diện mạo của cả vùng đất chưa được khai thác đúng tầm này.
Chính điều này đã làm nên một “cơn sốt” và người dân kỳ vọng sự thay đổi với tốc độ nhanh, lợi thế tức thì cho... riêng mình! Cách nghĩ đó được cụ thể hóa thành “lợi nhuận” “đi tắt, đón đầu” bằng việc xây dựng nhà nghỉ, khách sạn... Người dân khắp nơi và người dân địa phương bằng mọi cách để vay mượn, thế chấp tài sản xây dựng khách sạn với mục đích đón nhận sự phát triển kinh tế và du lịch của vùng. Trên chiều dài chỉ khoảng hơn 8km tính từ đèo Phú Gia đến chân hầm Hải Vân đã có gần 30 nhà nghỉ và khách sạn lớn nhỏ.
Khách sạn ở TT Lăng Cô mọc lên nhan nhản
nhưng khách thuê ngày càng thưa thớt. Ảnh: H.L
Sự kỳ vọng... biến thành nỗi thất vọng!
Những ngày này, được xem là cao điểm của mùa du lịch khi tôi về lại Lăng Cô. Thế nhưng các khách sạn, nhà nghỉ luôn trong tình trạng vắng khách. Chị Phạm Thị Thúy Hằng - chủ khách sạn Triệu Vỹ cho biết: “Ở đây, những ngày lễ lớn hoặc có các sự kiện như Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế, khách sạn mới kín phòng nghỉ, còn ngày thường khách rất ít nếu không muốn nói là hầu như không có”. Chị Hằng còn cho biết thêm: “Trước đây, khi Khu kinh tế Chân Mây mới đi vào hoạt động, các chuyên gia và công nhân về nhiều nên các khách sạn, nhà nghỉ luôn hết phòng, vì nhu cầu chỗ ở lớn nên người dân ở đây xoay xở mọi cách để mở nhà nghỉ, khách sạn. Thế nhưng, chỉ hơn một năm sau, các dự án hoạt động không hiệu quả. Bây giờ thì, như các anh thấy đấy...”.
Phó CATT Lăng Cô Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Ban đầu khi các dự án đi vào hoạt động có hàng trăm chuyên gia nước ngoài và cả ngàn công nhân đến lao động tại địa phương nên nhu cầu về khách sạn và nhà nghỉ luôn ở trong tình trạng “cháy” phòng. Thấy thế, dân thị trấn, người Huế và cả người Hà Nội đã đua nhau xây dựng nhà nghỉ và khách sạn. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, khách sạn, nhà nghỉ đã vắng hoe...".
Những thách thức phía trước...
Việc các khách sạn và nhà nghỉ tại TT Lăng Cô làm ăn khó khăn, "ốm yếu" chỉ là bề nổi của tảng băng. Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có những yếu tố bất cập, thiếu sự đồng bộ, quy hoạch và năng lực dự báo của các cơ quan chức năng. Bởi trên thực tế vấn đề đô thị hóa khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô chỉ mới diễn ra ở lĩnh vực resort, khách sạn và nhà nghỉ, trong khi để phát triển tổng thể khu du lịch và kinh tế trọng điểm chiến lược thì phải phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, những dịch vụ du lịch đi kèm, các chiến lược quảng bá sâu rộng, đồng thời cũng phải dự liệu được những sự cạnh tranh với các khu du lịch khác như Đà Nẵng, Hội An... Đó là chưa kể đến những thách thức về biến đổi khí hậu, điều kiện kinh tế, tác động của các yếu tố tâm lý du khách trong tương lai...
Để khép lại bài viết này tôi muốn trích dẫn ý kiến của một người dân địa phương có thâm niên làm du lịch như một lời nhắn gửi: “Biển Lăng Cô rất đẹp, cát trắng mịn màng, có bờ biển dài hơn 8km... nhưng, hiện vẫn chưa có một con đường để ra biển?”.
Người dân ở đây hy vọng rằng, một khi có con đường lớn ra biển Lăng Cô, chắc chắn vùng đất này sẽ được thức dậy, xứng đáng với tiềm năng “trời ban” để phát triển kinh tế cho đất nước, cho tỉnh TT-Huế và mỗi người dân.
Nguyễn Hoàng Lịch