Báo Công An Đà Nẵng

Khai mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023

Thứ tư, 20/09/2023 06:42
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023.

Tuyên bố khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các diễn giả và đại biểu tham gia trao đổi, thảo luận thật ngắn gọn, tập trung, đi thẳng vào các nội dung cốt lõi và trọng tâm, đề xuất những giải pháp cụ thể và thiết thực. Căn cứ vào các đề xuất, kiến nghị và giải pháp, ngay sau khi kết thúc Diễn đàn, Ban tổ chức Diễn đàn sẽ xây dựng Báo cáo tổng thuật gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành và địa phương để phục vụ kịp thời kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc 23-10 và công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chiều 19-9, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 bước vào Phiên toàn thể: “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”.

Trình bày tham luận “Động lực tăng trưởng và phát triển bền vững trong bối cảnh mới”, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, để đạt được các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, việc khôi phục các động lực tăng trưởng hiện hữu và tìm kiếm động lực mới là vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính chiến lược đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay cũng như đến năm 2025, năm 2030.

Ông Cấn Văn Lực cho rằng, muốn lấy lại đà phát triển nhanh và bền vững, Quốc hội và Chính phủ cần thực hiện nhiều chính sách, giải pháp vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu, củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống vừa tạo không gian đủ rộng để khai thác hiệu quả các mô hình, động lực tăng trưởng mới cho cả trước mắt và lâu dài.

Trong phát biểu ghi hình gửi tới Diễn đàn, ông Alexander BHMER, Trưởng Ban Hợp tác và Quan hệ toàn cầu, Khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tại Pháp cho biết, Đông Nam Á là khu vực phát triển năng động, có tầm ảnh hưởng lớn. Trọng tâm của báo cáo của OECD đã đưa ra những dự báo tăng trưởng của khu vực này, trong đó, ASEAN có mức tăng trưởng đạt 5,6% trong năm 2022. Dự báo mức tăng trưởng chung đạt 4,2% vào năm 2023 và tăng lên 4,7% vào năm 2024.

Cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 còn một số khó khăn nên OECD hạ dự báo tăng trưởng GDP xuống 4,9%, dự kiến tăng lên 5,9% vào năm 2024. Tốc độ phát triển kinh tế-xã hội tích cực năm 2022 đã và đang góp phần cải thiện an sinh xã hội trong những năm gần đây; đồng thời nền kinh tế cũng cho thấy khả năng chống chịu với những cú sốc từ bên ngoài.

Theo OECD, những cải cách sâu hơn nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh doanh, mở rộng hệ thống lương hưu và phúc lợi là cần thiết cho sự phát triển kinh tế- xã hội ở Việt Nam. “Điều quan trọng, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và dạy nghề để nâng cao năng lực chuyển đổi số của người lao động”, ông Alexander BHMER nhấn mạnh.

Trao đổi, thảo luận tại Phiên Toàn thể, đại diện một số hiệp hội, các doanh nghiệp và chuyên gia chia sẻ về thực tiễn hoạt động tiếp cận các chính sách của Nhà nước thời gian qua, những thuận lợi, khó khăn và cơ hội, thách thức đang đặt ra đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Một số ý kiến đã chia sẻ những nỗ lực vượt khó, nỗ lực chuyển đổi các mô hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với các xu hướng tất yếu của chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Diệp Trương