Khai mạc Hội nghị giám sát giữa 2 kỳ họp thứ 12 và 13 của HĐND TP Đà Nẵng
(Cadn.com.vn) - Hội nghị khai mạc sáng 17-4, dưới sự chủ trì của các đồng chí: Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Huỳnh Nghĩa, Trưởng Đoàn ĐBQH, Phó Chủ tịch HĐND TP; Ngô Xuân Thắng, Thường trực HĐND TP. Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí: Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy; Huỳnh Đức Thơ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo UBND TP và đại biểu Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi tham dự để học hỏi kinh nghiệm.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch HĐND TP Trần Thọ khẳng định 4 nhóm vấn đề giám sát tại hội nghị lần này là những vấn đề quan trọng, thiết thực liên quan đến đời sống người dân, được đại biểu HĐND TP và cử tri quan tâm do đó yêu cầu các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung đi sâu thảo luận nội dung các vấn đề cụ thể đã nêu. Việc chất vấn và trả lời chất vấn từng nhóm vấn đề cần thẳng thắn, trọng tâm, ngắn gọn.
Đồng chí Trần Thọ phát biểu khai mạc. |
Vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trong công tác giải quyết đơn thư khiếu nạn tố cáo
Theo báo cáo của Thanh tra TP Đà Nẵng về kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC), từ năm 2014 đến cuối quý 1-2015 đã tiếp 12.725 lượt công dân; tiếp nhận 850 đơn KNTC, trong đó có 220 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết. Nội dung tiếp công dân và đơn thư KNTC tập trung nhiều trong lĩnh vực đất đai như: Đền bù thiệt hại nhà đất, bố trí tái định cư, cấp và thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Đến nay, TP và các quận, huyện, sở ngành đã giải quyết 81,2% vụ việc thuộc thẩm quyền, số còn lại đang giải quyết. Hiện nay, TP còn 86 vụ KNTC phức tạp, kéo dài, trong đó 24 vụ đã được TP và các cơ quan Trung ương giải quyết, rà soát nhiều lần, có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu kiện.
Đồng chí Trần Thọ truy trách nhiệm cơ quan, cá nhân để tình trạng đơn thư chậm trễ, kéo dài. |
Qua giám sát việc giải quyết đơn thư KNTC, Ban Pháp chế HĐND TP đã chỉ ra một số tồn tại hạn chế, tập trung ở 6 nội dung, đó là: Cơ quan có thẩm quyền và người đứng đầu cơ quan chưa quan tâm đúng mức đến công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, còn khoán cho cấp dưới. Công tác tiếp dân của người đứng đầu cơ quan chưa thực hiện nghiêm túc; việc tiếp dân, đối thoại với công dân khiếu nại chưa kịp thời, nhiều trường hợp để kéo dài. Một số trường hợp công dân có đơn kiến nghị rất nhiều lần nhưng UBND thành phố chỉ chuyển đơn đến cơ quan chuyên môn, UBND quận, huyện giải quyết mà chưa chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi kết quả giải quyết.
Còn bất cập trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra và thống kê, theo dõi công tác giải quyết đơn thư KNTC của các cơ quan, đơn vị, kể cả đối với các đơn thư do chính UBND thành phố chuyển. Nhiều trường hợp đơn đã gửi UBND thành phố và được UBND thành phố chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhưng không có thời hạn yêu cầu giải quyết, trả lời; trường hợp có thời hạn nhưng không theo dõi, đôn đốc, dẫn đến cơ quan có thẩm quyền không giải quyết trả lời, người dân tiếp tục có đơn.
Toàn cảnh hội nghị. |
UBND thành phố chưa quan tâm đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung về giải quyết KNTC, mặc dù Ban Pháp chế đã kiến nghị nhiều lần tại các kỳ họp HĐND thành phố. Công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong giải quyết đơn thư khiếu nai, tố cáo còn thiếu chặt chẽ. Do thiếu sự phối hợp, thiếu trao đổi thông tin trong giải quyết các vụ việc dẫn đến không thống nhất trong nhận định, kết quả giải quyết không sâu sát, không đúng thực tế làm cho người dân không đồng tình.
Tình trạng áp dụng văn bản cá biệt để giải quyết thủ tục hành chính cho dân vẫn tồn tại trong khi đã có quy định của pháp luật điều chỉnh. Trong giải quyết thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai, nhiều trường hợp cơ quan chức năng căn cứ chỉ đạo của UBND thành phố tại một văn bản hành chính, cá biệt để áp dụng giải quyết cho nhiều trường hợp tương tự. Việc làm này vừa không đúng quy định pháp luật, vừa tạo sơ hở để người dân tiếp tục khiếu nại. Việc thi hành, chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại còn chưa nghiêm, vai trò thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền chưa tốt. Có vụ việc do không thực hiện triệt để quyết định giải quyết khiếu nại, gây thiệt hại cho quyền và lợi ích của công dân, cũng như lợi ích của Nhà nước.
Ông Lương Công Tuấn, Phó Chánh Thanh tra TP Đà Nẵng báo cáo kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. |
Không để mất lòng tin của nhân dân
Chất vấn UBND thành phố, các đại biểu HĐND thành phố cho rằng, trong giải quyết KNTC còn tình trạng đơn chuyển lòng vòng. ĐB Lê Văn Quang thắc mắc vì sao tỷ lệ giải quyết đơn của thành phố thấp nhất so với sở, ngành, quận, huyện. Trả lời chất những vấn đề trên, ông Lương Công Tuấn thừa nhận có sự đùn đẩy, né tránh, chuyển đơn lòng vòng, chậm trễ, thậm chí có cả những trường hợp không phức tạp cũng để kéo dài. Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Thương thì cho rằng có biểu hiện sợ trách nhiệm, không quyết đoán trong công tác tham mưu giải quyết KNTC của cán bộ Văn phòng UBND thành phố. Còn Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ thẳng thắn thừa nhận: Công tác giải quyết đơn thư KNTC không bài bản, thiếu chuyên nghiệp.
Kết luận phần giám sát này, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ đánh giá công tác giải quyết KNTC của UBND thành phố cơ bản là tốt. Tuy nhiên còn nhiều sai sót, chậm trễ, kéo dài, thiếu trách nhiệm đối với dân. Nguyên nhân là do quy định của Nhà nước có mặt còn bất cập; cán bộ giải quyết không nghiên cứu kỹ văn bản, không nghiên cứu đến nơi đến chốn; vận dụng không phù hợp sợ trách nhiệm, sợ làm sai; vai trò tham mưu của Thanh tra thành phố, Văn phòng UBND, các sở có liên quan đối với lãnh đạo UBND lúc bấy giờ không kịp thời, không chính xác. Đối với một số vụ việc cụ thể, Chủ tịch HĐND TP truy trách nhiệm đến cùng đối với những cơ quan, người có trách nhiệm giải quyết nhưng để chậm trễ, kéo dài và chỉ đạo hướng giải quyết, thời gian giải quyết cụ thể trong tháng 5-2015.
Chủ tịch HĐND TP yêu cầu từ nay trở đi, đối với những trường hợp tương tự, UBND TP và các cơ quan liên quan phải giải quyết KNTC kịp thời, có vướng mắc phải xin ý kiến cấp trên, không để chậm trễ, kéo dài, làm mất lòng tin của nhân dân. Đồng chí Trần Thọ, nói: Thấy sai thì phải sửa, sợ nhất là không thấy sai, tìm mọi lý để đối phó. Thấy sai mà không sửa thì cũng rất nguy hiểm. Nếu giải quyết thấu tình đạt lý rồi mà người dân vẫn không chịu thì báo cáo lên cấp trên, cần thiết thì ra tòa. Phải đặt lợi ích người dân lên trên hết, có như vậy thì tinh thần “Đảng nói, dân tin; Mặt trận và các đoàn thể vận động: Dân theo; chính quyền làm, dân ủng hộ” mới thành sự thật.
K.T (tổng hợp)