Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV: Quyết tâm đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6,7%
(Cadn.com.vn) - Đúng 9 giờ ngày 22-5, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội. Dự phiên khai mạc có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Chủ tịch nước: Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ các đại biểu dự Kỳ họp. |
Tăng thời gian chất vấn
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và đất nước có nhiều chuyển biến với nhiều thuận lợi nhưng cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nhiệm vụ đặt ra cho thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải tăng cường đoàn kết, thống nhất tư tưởng và hành động, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đặc biệt là các Nghị quyết quan trọng vừa được Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII thông qua; hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, tạo thế và lực đưa đất nước vững vàng bước vào chặng đường phát triển tiếp theo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khai mạc kỳ họp. |
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật: xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác. Trong số các dự án luật Quốc hội xem xét thông qua, có một số dự án luật quan trọng, được dư luận xã hội quan tâm như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật Quy hoạch...
Quốc hội sẽ tập trung xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và các vấn đề quan trọng của đất nước. Quốc hội sẽ thảo luận về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành Tiểu dự án để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. Các đại biểu Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2018; Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.
Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn với thời lượng được nâng lên từ 2,5 ngày lên 3 ngày. Đây là điểm mới so với các kỳ họp trước đây với mục đích dành thời gian để các đại biểu Quốc hội tranh luận tại hội trường về những vấn đề quan tâm.
Tăng trưởng quý I đạt 5,1%
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày báo cáo của Chính phủ. |
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016. Trong những tháng cuối năm, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Tổng hợp kết quả cả năm, trong số 13 chỉ tiêu Quốc hội giao có 11 chỉ tiêu đạt và vượt, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch là tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu. So với báo cáo trước Quốc hội tại Kỳ họp cuối năm 2016, có 7 chỉ tiêu đạt cao hơn và 2 chỉ tiêu thấp hơn.
Trong những tháng đầu năm 2017, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 so với tháng 12 năm 2016 tăng 0,9%; đã tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại các địa phương còn lại. Tín dụng tăng 5,75%, cao nhất so với cùng kỳ trong 6 năm gần đây; mặt bằng lãi suất ổn định và có xu hướng giảm. Xuất khẩu tăng 16,8%, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo và nông sản tăng mạnh. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 32,7% dự toán cả năm (tăng 17,8%). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung và góp cổ phần đạt 10,6 tỷ USD, tăng 40,5%. Chính phủ đã rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; trong 4 tháng có gần 40 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới; tổng số vốn đăng ký và bổ sung đạt 825 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, tăng trưởng GDP quý I đạt 5,1%, thấp hơn cùng kỳ năm trước (5,48%). Theo Phó Thủ tướng Thường trực, thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cao hơn trong các quý còn lại, quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,7% như Quốc hội đã đề ra.
8 giải pháp thúc đẩy KT - XH
Cũng trong phiên họp buổi sáng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và những tháng đầu năm 2017.
Theo báo cáo, nguyên nhân khiến cho tốc độ tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch đề ra, đó là do sản xuất công nghiệp thấp hơn 2 năm trở lại đây và các yếu tố về môi trường cũng là nguyên nhân khiến tăng trưởng GDP không đạt chỉ tiêu. Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân sâu xa và mang tính căn bản khiến GDP đạt thấp là do cơ cấu kinh tế chưa có chuyển biến mạnh, thiếu liên kết và thực lực doanh nghiệp trong nước yếu, chưa đủ sức cạnh tranh. Mặc dù Chính phủ, các cấp, ngành có các hành động cụ thể, quyết liệt theo tinh thần “kiến tạo” và phục vụ doanh nghiệp, nhưng chưa xác định rõ định hướng trọng tâm trong điều kiện nguồn lực có hạn. Có ý kiến băn khoăn và đề nghị làm rõ tính xác thực của các số liệu khi hầu hết các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường đều đạt, trong khi đó chỉ tiêu GDP lại đạt thấp. Cùng với đó, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 9%, tuy cao hơn so với số báo cáo tại Kỳ họp thứ 2 (ước tăng khoảng 6-7%) nhưng vẫn thấp hơn theo Nghị quyết của Quốc hội (tăng khoảng 10%). Có ý kiến cho rằng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam còn thấp, phụ thuộc vào FDI, xuất khẩu chưa tận dụng được các cơ hội mở cửa thị trường từ Cộng đồng kinh tế ASEAN và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực.
Thời gian tới, Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm 8 giải pháp, gồm: Đổi mới tư duy cải cách thể chế, thay đổi chính sách mang tính căn cơ, dài hạn như chính sách thu hút FDI có chọn lọc thay vì tận dụng chính sách năng lượng giá rẻ (chỉ khuyến khích ngành thép, xi-măng...); điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, định hướng chính sách tín dụng tập trung cho lĩnh vực sản xuất, hạn chế tín dụng không bền vững, tín dụng cho vay đầu tư bất động sản, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với lãi suất phù hợp để phát triển doanh nghiệp; tiếp tục triển khai quyết liệt trên thực tế Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, bảo đảm sự phối hợp, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp, ngành và chính quyền địa phương; thực hiện chính sách đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, hạn chế xuất khẩu sản phẩm chưa qua chế biến; quản lý chặt chẽ các loại tài sản công, nhất là nhà ở, đất đai để tài sản công không bị thất thoát, lợi dụng; tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh quốc gia, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng, trật tự, an toàn xã hội; thúc đẩy đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để giữ lợi thế cạnh tranh về lao động trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động nắm bắt, phân tích, đánh giá sát và dự báo tình hình diễn biến hiện nay trên thế giới và khu vực có tác động ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để kịp thời đưa ra các giải pháp phù hợp, chủ động, không để bất ngờ có thể ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh của đất nước.
Thu Thủy – TTXVN