Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII: Quyết tâm đạt tốc độ tăng trưởng 6,2%
(Cadn.com.vn) - Đúng 9 giờ ngày 20-5, tại Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội, đặt tại trung tâm chính trị Ba Đình - Thủ đô Hà Nội, Quốc hội Khóa XIII đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 9 - Kỳ họp đầu tiên của năm 2015 với trọng tâm là công tác xây dựng pháp luật triển khai thi hành Hiến pháp 2013; giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng về kinh tế-xã hội của đất nước.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc kỳ họp. |
Dự phiên khai mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch nước Trần Ðức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; nhiều vị khách mời, các bậc lão thành cách mạng, các vị đại biểu Quốc hội, đại diện Đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Trước phiên khai mạc, các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và đại diện các Ðoàn đại biểu Quốc hội đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quốc hội cũng đã họp phiên trù bị, thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình làm việc của Kỳ họp. Các ĐBQH cũng đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ ông Nguyễn Bá Thanh (nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương, nguyên Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) vừa qua từ trần.
3.854 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội Trong ngày khai mạc, các ĐBQH đã nghe Chủ tịch UBT.ƯMTTQVN Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Chủ tịch UBT.ƯMTTQVN Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Chuẩn bị cho kỳ họp, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.854 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Tại kỳ họp này, các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước tập trung vào 6 nội dung cơ bản về: tình hình nông nghiệp, nông dân và nông thôn; đời sống nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; giáo dục, đào tạo; y tế; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và việc thực hiện cải cách hành chính. Theo báo cáo, cử tri và nhân dân cả nước rất lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động cải tạo, bồi đắp, xây dựng các công trình tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN và vi phạm Tuyên bố về ứng xử giữa các nước Asean và Trung Quốc (DOC). Cử tri và nhân dân đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sau 4 năm thực hiện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh một số tiêu chí quá cao cho phù hợp với tính chất của các vùng, miền; tăng mức hỗ trợ cho các xã, huyện vùng cao, đặc biệt khó khăn, thực hiện các chính sách cho các vùng đặc thù nhằm giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình. Cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cho rằng việc phát hiện và phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn hạn chế; việc xử lý tham nhũng chưa kịp thời, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp so với quyết định của Tòa án. Cử tri và nhân dân đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và kiên quyết xử lý các đối tượng tham nhũng, lãng phí, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng, lãng phí... |
Năm “về đích” của các mục tiêu
Phát biểu mở đầu kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng cho hay: Năm 2015 là năm “về đích” trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đã được Đại hội Đảng lần thứ XI và QH khóa XIII xác định. “Kỳ họp thứ 9 có vị trí đặc biệt quan trọng để chúng ta nhìn lại chặng đường phát triển vừa qua, đánh giá đúng thực trạng, xác định những việc cần làm ngay, những việc cần tiếp tục hoàn thành trong năm 2015 và chặng đường còn lại của kế hoạch 5 năm”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, kỳ họp này, QH sẽ xem xét quyết định chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. “QH ghi nhận sự chuẩn bị công phu của Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm về dự án này. Cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết của các vị ĐBQH, các chuyên gia, các nhà khoa học trong quá trình hoàn thiện dự án. Đây là dự án quan trọng đối với vùng động lực phát triển phía Nam và cả nước, tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực, được đông đảo cử tri quan tâm. Vì vậy, trong quá trình xem xét, quyết định chủ trương đầu tư cần tính toán kỹ hiệu quả đầu tư, phân kỳ đầu tư, bảo đảm khả thi, phù hợp với tình hình phát triển của ngành hàng không Việt Nam và khả năng huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển của đất nước”, Chủ tịch QH nói.
Thay mặt Chính phủ, báo cáo trước QH về đánh giá việc triển khai kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014 và 2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho hay: năm 2014 là năm tập trung thực hiện nhiều chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3,49%, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 4% so với thực hiện năm 2013. Trong khi đó, tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP đạt 43,38%. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 7,87 triệu lượt khách (tăng 4% so với năm 2013) nhưng thấp hơn so với mức tăng 10,6%. Nguyên nhân là do ảnh hưởng tiêu cực của biến động trên Biển Đông.
Năm 2014 ước tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu người (số đã báo cáo Quốc hội là 1,58-1,6 triệu người); trong đó, giải quyết việc làm trong nước đạt 1,494 triệu lao động, tăng 102,68% so với năm 2013; xuất khẩu lao động đạt 106 nghìn người, tăng 19,1% so với năm 2013. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 3,4%.
Nhập siêu gần 3 tỷ USD
Về tình hình kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2015, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,04% so với tháng 12-2014. Tổng phương tiện thanh toán đến 20-4-2015 ước tăng 2,57% so với tháng 12 năm 2014. Tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 2,78%. Lạm phát cơ bản tháng 4-2015 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của Phó Thủ tướng, tổng thu NSNN thực hiện 4 tháng đầu năm ước đạt 314,1 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5% dự toán, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, thu nội địa ước đạt 238,7 nghìn tỷ đồng, thu từ dầu thô đạt 23 nghìn tỷ đồng, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 51,5 nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng chi NSNN 4 tháng ước đạt 362,7 nghìn tỷ đồng, bằng 31,6% dự toán, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2014. Cụ thể: chi đầu tư phát triển ước đạt 28,9% dự toán, chi trả nợ và viện trợ đạt 35,1% dự toán, chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 32,7% dự toán.
Về mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng GDP quý I-2015 ước đạt 6,03%, là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Về xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt hơn 50,1 tỷ USD (tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014); tổng kim ngạch nhập khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 53,1 tỷ USD (tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2014). Bốn tháng đầu năm 2015, nhập siêu gần 3 tỷ USD, bằng 6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
19.035 DN tạm ngừng hoạt động
Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 4 tháng đầu năm ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2014. Tổng vốn đăng ký ước đạt 3,72 tỷ USD, giảm 23,3% so với cùng kỳ năm trước (giảm 40,9%). Vốn ODA và vay ưu đãi giải ngân trong 4 tháng đầu năm ước đạt 568 triệu USD tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: vốn vay ước đạt 514,5 triệu USD, viện trợ không hoàn lại ước đạt 53,5 triệu USD.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho hay, bốn tháng đầu năm có 28.235 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 162.500 tỷ đồng, tăng 9,7% về số DN. Số DN khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động là 19.035 DN. Có 3.249 DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh. Số DN trước gặp khó khăn, ngừng hoạt động nay quay lại hoạt động là 6.316 DN. Được biết, tính đến ngày 24-3-2015, toàn bộ 289 DNNN trong kế hoạch cần hoàn thành cổ phần hóa năm 2015 đều đã thành lập Ban chỉ đạo, trong đó 29 DN đã cổ phần hóa.
Ngoài ra, đã bán một DN, giải thể một DN. Đã thoái vốn được 4.937 tỷ đồng, thu về 6.987 tỷ đồng, trong đó: lĩnh vực bất động sản thoái vốn 2.690 tỷ đồng, thu về 3.177 tỷ đồng; lĩnh vực bảo hiểm, tài chính là 613 tỷ đồng, thu về 622 tỷ đồng; bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại các DN khác là 1.634 tỷ đồng, thu về 3.187 tỷ đồng.
Nhiệm vụ rất nặng nề
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết những tháng đầu năm 2015, công tác thanh tra và xử lý sau thanh tra được triển khai có trọng tâm trọng điểm, phát hiện và xử lý nhiều vi phạm. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo gắn với việc tiếp dân có chuyển biến tích cực; công tác phòng chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm gắn với tăng cường công khai minh bạch, cung cấp thông tin, trách nhiệm giải trình.
Hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ trên cả ba trụ cột là chính trị-an ninh-quốc phòng. Đã chính thức ký hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc và chuẩn bị ký FTA với Liên minh Kinh tế Á - Âu. Tiếp tục đẩy mạnh đàm phán để sớm ký FTA với các đối tác lớn. Tích cực tham gia xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015.
Phó Thủ tướng cũng nhận định, với đà phục hồi tăng trưởng trong quý I-2015, tình hình kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục ổn định là điều kiện quan trọng nhất cho sự phát triển nền kinh tế trong thời gian tới. Tuy nhiên, những khó khăn, đối với phát triển kinh tế còn rất lớn; năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh thấp, sẽ là thách thức rất lớn khi thành lập cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay.
Theo đó, năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, do vậy nhiệm vụ đặt ra cho những tháng còn lại của năm 2015 là rất nặng nề. Để đạt được các mục tiêu đề ra, cần tiếp tục quyết tâm và triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp trong đó tập trung thực hiện: tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy nhanh tái cơ cấu và cổ phần hóa DNNN; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp, của nền kinh tế; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, phát triển thị trường trong nước; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Cùng ngày, các ĐBQH còn nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra về Bộ luật hình sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật tố tụng hành chính (sửa đổi). Hôm nay (21-5), QH bước sang phiên làm việc thứ hai với phần thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).
Lê Hoàng Sa – TTXVN