Khai thác du lịch trên dòng Sông Hàn: Khởi sắc!
(Cadn.com.vn) - Những năm qua, TP Đà Nẵng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch đường thủy nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch Đà Nẵng. Giờ đây, ngành này đã có dấu hiệu khởi sắc.
Du thuyền sông Hàn được trang bị hiện đại nhất vừa đưa vào hoạt động dịp lễ 30-4. |
Tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư
Nhằm khai thác lợi thế du lịch đường thủy, sau nhiều lần họp bàn, ngày 15-12-2014, UBND TP đã ban hành Quyết định số 48 QĐ – UBND quy định chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển cầu tàu du lịch tại các điểm đến và tàu du lịch trong các tuyến du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Theo đó, nhà đầu tư tạo điều kiện sử dụng hạ tầng kỹ thuật đường sông như được quyền sử dụng, khai thác các cầu tàu, bến cảng do Nhà nước (hoặc tổ chức, cá nhân) đầu tư; hỗ trợ phí sử dụng cầu tàu, bến cảng, lệ phí đăng kiểm, chi phí lập hồ sơ thiết kế, chi phí đào tạo, bảo hiểm và trang bị cứu hộ; hỗ trợ vay vốn ưu đãi và quảng bá thương hiệu thông qua các ấn phẩm du lịch và phương tiện thông tin đại chúng...
Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ từng khẳng định, dọc 2 bờ sông Hàn sau này sẽ là tài sản vô giá do đó việc quy hoạch, phát triển để 2 bờ sông Hàn đúng tầm với một thành phố vừa hiện đại vừa sinh thái. Theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, khuyến khích phát triển du lịch đường sông, đưa sản phẩm du lịch này trở thành sản phẩm đặc trưng của Đà Nẵng là định hướng phù hợp với chiến lược phát triển của thành phố...
Dòng sông Hàn như một dải lụa giữa lòng thành phố và khai thác du lịch, dịch vụ đường sông đầy cơ hội và tiềm năng mà Đà Nẵng cần sớm khai thác. Đặc biệt, việc thành phố có chủ trương kêu gọi các DN đầu tư đổi mới hệ thống tàu du lịch và xây dựng cầu tàu và bến du thuyền không chỉ khắc phục khó khăn trong việc thiếu bến neo đậu trong suốt nhiều năm qua mà còn mở ra hướng mới cho phát triển du lịch đường sông của Đà Nẵng.
Hưởng ứng chủ trương trên, nhiều nhà đầu tư đã tiên phong khai thác tiềm năng du lịch sông Hàn bằng việc đầu tư bến du thuyền, mua sắm tàu thuyền hoạt động trên sông như Cty CP DHC, Cty TNHH Du Thuyền Sông Hàn, Cty Đồng Vĩnh Thịnh, Cty Lê Bình, Cty Hoàng Long Yến, Cty Huynh Đệ, Cty Tiên Sa...
“Cầu tàu tình yêu” tại bến du thuyền DHC Marina tô điểm cho vẻ đẹp sông Hàn. |
“Vươn tầm quốc tế”
Bà Trần Phương Anh, Giám đốc Cty CP DHC - Marina (chủ đầu tư dự án cầu tàu và bến du thuyền Đà Nẵng Marina) cho biết: “Việc xây dựng dự án cầu tàu và bến du thuyền “Đà Nẵng Marina” nhằm mục đích đưa du lịch đường sông ở Đà Nẵng phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có của nó.
Đồng thời khi dự án này đi vào hoạt động sẽ hình thành một chuỗi các sản phẩm dịch vụ mới như thể thao dưới nước, CLB du thuyền, các sự kiện văn hóa trên sông nước..., đặc biệt là chúng ta có thể kết nối du lịch đường thủy ở Đà Nẵng với Huế, Quảng Bình ở phía Bắc hoặc Nha Trang, Ninh Thuận ở phía Nam. Trong tương lai, chúng ta có thể hy vọng du lịch đường sông ở Đà Nẵng sẽ là sản phẩm du lịch đặc trưng, không chỉ mang tầm quốc gia mà còn vươn tầm quốc tế”.
Là nhà đầu tư vừa hạ thủy 3 tàu mới, hiện đại và lớn nhất hiện nay vào hoạt động trên sông Hàn với thương hiệu du thuyền Sông Hàn, ông Phạm Lê Văn Long, Giám đốc Cty TNHH Du Thuyền Sông Hàn tâm sự, TP đang khuyến khích phát triển du lịch đường sông, đưa sản phẩm du lịch này trở thành sản phẩm đặc trưng của Đà Nẵng. Tuy nhiên, thực tế về cơ sở vật chất như: Bến cảng, tàu thuyền, nguồn nhân lực... còn rất hạn chế, ảnh hưởng đến việc khai thác hiệu quả tuyến du lịch này.
Các tàu thuyền du lịch trên sông đa phần là những tàu cá được hoán đổi để chuyển mục đích sử dụng sang phục vụ khách tham quan du lịch. Do vậy, chất lượng nhân viên phục vụ, kỹ năng lái tàu... còn khá thấp so với yêu cầu đặt ra. Điều đó dẫn đến việc các đơn vị kinh doanh du lịch đường sông chưa thể khai thác một cách hiệu quả tiềm năng, thế mạnh sẵn có từ cảnh quan bên bờ sông Hàn cũng như ưu thế về tiềm năng du lịch còn rất lớn mà Đà Nẵng có được để phục vụ du khách.
Với hy vọng đầu tư đưa vào hoạt động các tàu công suất lớn, hiện đại sẽ góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch đường sông Đà Nẵng, ông Long cho biết, trước mắt Cty đưa vào hoạt động 3 chiếc tàu đóng mới hoàn toàn, trong đó 1 chiếc 2 tầng có chiều dài 16m5, chiều rộng 4m2; 2 chiếc có chiều dài 20m, chiều rộng 5m với kinh phí đầu tư hơn 6 tỷ đồng; cuối năm 2015 sẽ đầu tư thêm 2 chiếc và kế hoạch đến năm 2017 sẽ nâng số lượng tàu lên 10 chiếc. Bên cạnh đó, các thuyền trưởng, tài công của tàu du thuyền sông Hàn phải có bằng lái tàu chuyên nghiệp và nhân viên phục vụ được đào tạo nghiệp vụ bài bản để đảm bảo an toàn, thân thiện, mến khách...
Ông Long cho hay, việc các DN chưa dám mạo hiểm đầu tư đóng mới tàu hiện đại theo tiêu chuẩn mới hoạt động trên sông Hàn là do nguồn kinh phí đầu tư ban đầu lớn, khai thác kinh doanh chưa hiệu quả, lâu thu hồi vốn. Bên cạnh đó, khó khăn lớn là thiếu bến bãi neo đậu, khiến các tàu gặp khó khăn trong việc đón trả khách.
Ông Long cũng đề nghị thành phố nên cho các nhà đầu tư hoặc chủ tàu xây dựng nhiều bến tàu nổi dọc 2 bên bờ sông Hàn để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ tàu và du khách khi tiếp cận. Ông Long giải thích thêm, việc xây dựng các bến tàu nổi vừa ít tốn kém, vừa không ảnh hưởng đến cảnh quan sông Hàn, dòng chảy và khi thành phố cần mặt bằng có thể di chuyển đến các vị trí khác.
Theo ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố và sự vào cuộc của nhà đầu tư, du lịch đường sông ở Đà Nẵng có bước phát triển mạnh mẽ, làm nên “hương vị” riêng của ngành du lịch thành phố. Lượng khách đăng ký tour du lịch đường sông tăng lên đáng kể, nhất là tour “Thưởng ngoạn sông Hàn về đêm” tuy chỉ mới khai thác gần 1 năm nay nhưng đã tạo được ấn tượng trong lòng đông đảo du khách, góp phần “gỡ khó” cho ngành du lịch Đà Nẵng về việc thiếu sản phẩm du lịch ban đêm.
Xuân Đương