Báo Công An Đà Nẵng

Khai thác hầm đường bộ hiện đại nhất Việt Nam

Thứ ba, 22/08/2017 08:23

Hầm đường bộ Đèo Cả nối hai tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa trên QL1A đã được bộ Giao thông - Vận tải tổ chức thông xe kỹ thuật, đưa vào vận hành, khai thác sáng 21-8.

Thông xe kỹ thuật qua hầm Đèo Cả. 

Đây là hầm đường bộ dài thứ 2 trên quốc lộ huyết mạch Nam-Bắc (sau hầm đường bộ Hải Vân) nhưng lại là hầm đường bộ hiện đại nhất Việt Nam hiện nay với 2 ống hầm song song, mỗi ống có 2 làn xe cùng chiều, vận tốc khai thác 80km/h. Nếu tính toàn tuyến, hầm Đèo Cả có tổng chiều dài hơn 13 km, trong đó ngoài hệ thống đường dẫn thì hầm Cổ Mã dài 500m, hầm Đèo Cả dài hơn 4,1km. Theo ông Hồ Minh Hoàng- Tổng giám đốc Cty Cổ phần đầu tư Đèo Cả, chủ đầu tư dự án hầm Đèo Cả, thì đây là công trình hầm giao thông quy mô lớn đầu tiên của Việt Nam được đầu tư theo hình thức BOT với nguồn vốn trong nước, với chủ đầu tư, nhà thầu Việt Nam. Điều này có ý nghĩa rất đặc biệt, bởi lẽ nếu so sánh với công trình thế kỷ hầm Hải Vân  trước đây, thì nguồn vốn ngoại, nhà thầu ngoại, tư vấn, giám sát ngoại. Đến hầm Đèo Cả, gần như tất cả các công đoạn đều do người Việt làm, nó thể hiện bản lĩnh Việt, trí tuệ Việt, khẳng định sự tiến bộ vượt bậc của đội ngũ cán bộ, kỹ sư Việt Nam đã có thể làm chủ công nghệ, tự mình đảm đương được những công trình hầm giao thông trọng điểm của quốc gia.

Công trình hầm Đèo Cả đưa vào vận hành, khai thác mở ra nhiều triển vọng to lớn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Phú Yên với các địa phương trong khu vực. Ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư tỉnh Phú Yên cho biết, địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với Khánh Hòa trong việc tận dụng hạ tầng giao thông, đặc biệt là hầm Đèo Cả để phục vụ liên kết, hợp tác trong các lĩnh vực du lịch, thương mại nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương. Phú Yên là tỉnh khó khăn của khu vực Nam Trung Bộ, một phần cũng vì giao thông trắc trở, hai đầu phía Bắc và Nam đều bị án ngữ bởi hai con đèo hiểm trở là đèo Cù Mông (giáp Bình Định) và Đèo Cả (giáp Khánh Hòa). Việc thông xe kỹ thuật, đưa vào khai thác hầm Đèo Cả không chỉ rút bớt khoảng cách không gian giữa các địa phương trong vùng mà còn xóa đi nỗi ám ảnh các vụ tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông trên Đèo Cả.

Theo tính toán, để vượt qua Đèo Cả, các phương tiện giao thông phải mất thời gian khoảng 60 phút, kèm theo đó là những tốn kém về nhiên liệu, khấu hao phương tiện, nỗi lo tai nạn giao thông, tuy nhiên nếu lưu thông qua hầm Đèo Cả chỉ mất thời gian hơn 10 phút, tiết kiệm thời gian, chi phí nhiên liệu và đặc biệt an toàn hơn. Ông Hồ Minh Hoàng cho biết, người dân có thể chọn lưu thông qua hầm hoặc đi qua đèo như trước đây. Nếu đi qua Đèo Cả và Cổ Mã sẽ mất khoảng 22 km, nhưng nếu qua hầm chỉ khoảng 13km, mà an toàn, tiết kiệm nhiên liệu hơn. Mức phí qua hầm Đèo Cả theo đánh giá của các chuyên gia là thấp hơn nhiều nếu so với chi phí phương tiện lưu thông qua đèo. Theo kế hoạch, các phương tiện sẽ được lưu thông qua hầm Đèo Cả miễn phí từ nay đến hết ngày 2-9, sau đó kể từ ngày 3-9 sẽ thu phí theo quy định. Cũng như hầm Hải Vân, mỗi ngày hầm Đèo Cả sẽ đóng cửa 1 tiếng (từ 3-4 giờ sáng) để làm công tác bảo trì, vệ sinh. Ngoài ra, phương tiện được lưu thông tất cả các ngày trong năm. Việc lưu thông qua hầm Đèo Cả ngoài tuân thủ Luật Giao thông đường bộ thì lái xe cần tuân thủ các quy định về xử lý các tình huống khẩn cấp trong hầm.

Đường dẫn vào hầm Đèo Cả phía nam.

Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Đình Thọ cho biết, dự án hầm Đèo Cả là công trình trọng điểm quốc gia đã mở nút thắt giao thông trên tuyến quốc lộ huyết mạch, góp phần tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế liên vùng. Khi dự án hầm Đèo Cả đưa vào vận hành, ông Thọ cũng yêu cầu chủ đầu tư cần có phương án vận hành đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông. Phía chủ dự án hầm Đèo Cả cho biết đơn vị vận hành hầm sẽ có khoảng 230 người với các thiết bị tiên tiến nhất hiện nay. Ngoài đội theo dõi điều hành giao thông hầm qua hệ thống điện tử còn có đội tuần tra, kiểm soát thường xuyên trong hầm; đội chữa cháy, cứu hộ tai nạn và sửa chữa phương tiện. Các thiết bị chữa cháy trong hầm thuộc loại chuyên dụng, được đầu tư chi phí rất lớn. Các thiết bị đảm bảo an ninh, cứu hộ cũng thuộc loại hiện đại nhất hiện nay trong vận hành hầm đường bộ. Chẳng hạn xe cứu hộ 37 tấn là loại lớn nhất hiện nay, ngoài xe cứu thương thông thường còn có xe cứu thương chuyên dụng có thể giải phẫu ngay vì 2 cửa hầm đều cách xa trung tâm của Phú Yên, Khánh Hòa. Trước khi người và phương tiện lưu thông vào hầm, phía chủ đầu tư cũng xây dựng trạm dừng nghỉ lớn với phòng ốc khang trang, dịch vụ đa dạng nhằm kiểm tra phương tiện kỹ thuật cho xe, tạo không gian nghỉ ngơi, thư giãn cho lái xe, hành khách... Có thể nói phương án vận hành, khai thác hầm đường bộ Đèo Cả theo mô hình tiên tiến nhất hiện nay.

Được đầu tư hiện đại, phương án khai thác ưu việt, dự án hầm đường bộ Đèo Cả khi đưa vào khai thác không chỉ tạo ra hạ tầng giao thông hiện đại trên tuyến quốc lộ 1A mà còn mở ra nhiều triển vọng liên kết, phát triển kinh tế giữa các địa phương Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.

HẢI QUỲNH