Báo Công An Đà Nẵng

Khai thác mật ong rừng dưới đỉnh Ngọc Linh

Thứ sáu, 11/07/2014 12:51

Miền đất trù phú

(Cadn.com.vn) - Cách trung tâm huyện hơn 60km về hướng Tây Nam, nằm dưới đỉnh Ngọc Linh, thôn 6 (xã Phước Lộc, H. Phước Sơn, Quảng Nam) là đơn vị hành chính xa nhất của huyện miền núi Phước Sơn.

Trong khi hơn 96% thôn bản ở Phước sơn đã thuận lợi về điện, đường, trường, trạm, thì với 29 hộ dân Bhnong nơi đây vẫn là giấc mơ xa vời... Thế nhưng, ông Lưu Huyền Thoại, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lộc lại khẳng định: "Đây là thôn duy nhất của xã mà chúng tôi có thể yên tâm vì người dân chưa từng bị thiếu đói...".

Từ trung tâm xã Phước Lộc, để lên đến thôn 6 chúng tôi phải đi bộ gần 3 tiếng đồng hồ. Đường đi vất vả, cộng với cái hanh khô của tiết trời tháng 6, ai cũng mệt mỏi. Thế nhưng khi đến nơi đây, vẻ trù phú của vùng đất thôn 6 này như ly nước mát làm dịu cơn khát trong mỗi chúng tôi.

Khác với thói quen của đa số người miền núi trông chờ ỷ lại vào các chính sách ưu đãi của Nhà nước, tại đây, những mảnh vườn xanh tốt với nhiều loại rau, củ, quả, cả ao cá, chuồng gà, chuồng lợn... của các gia đình san sát nhau đã chứng minh được lời nói của ông Lưu Huyền Thoại là đúng. Không điện, không đường, thế nhưng tinh thần tự lực vươn lên thoát khỏi cái đói của họ rất cao.

Những bọng ong trong thân cây, bên ngoài được che chắn bởi những viên đá. 

Ông Hồ Văn Hạnh - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, nguyên Bí thư xã Phước Lộc cho biết: "Với bản tính siêng năng lao động và biết cách tích trữ, người dân thôn 6 hoàn toàn chủ động về lương thực, thực phẩm... Có thể nói thiếu đói là một khái niệm xa lạ với họ trong nhiều năm nay rồi".

Một trong những cách người dân nơi đây dựa vào để thoát đói đó chính là nguồn lợi từ mật ong rừng. Nơi đây, qua bao đời, người dân đã truyền nhau kinh nghiệm lấy mật ong truyền thống của cha ông để lại. Từ đây, mô hình này phát triển thành một nghề độc đáo "có một không hai" để cải thiện thu nhập cho các hộ dân.

Làm nhà cho… ong

Theo chân những người đàn ông Bhnong vào rừng thăm "bọng ong", không như hình dung của chúng tôi về cách lấy mật ong từ những tổ ong tự nhiên treo lơ lửng trên những cành cây đại thụ trong rừng già như thường thấy ở các nơi khác.

Ở đây, từ kinh nghiệm của người xưa để lại, bà con trong thôn rất cẩn thận trong việc chọn loại cây, rồi tạo ra những bọng ong bằng cách khoét sâu vào trong thân cây từ 25 đến 30 cm; độ dài, rộng, cao, thấp thường từ 25cm đến 40 cm tùy kích thước của cây.

Sau đó, họ chọn những cục đá suối vừa cửa bọng lắp vào làm nắp, chỉ chừa một lỗ nhỏ đủ cho ong vào ra làm tổ. Theo kinh nghiệm, người dân thường chọn những cây đại thụ có thân to bằng một vòng ôm trở lên để đặt bọng ong, vị trí mỗi bọng cách gốc chừng 30cm trở lên. Việc chọn đá suối làm nắp đậy là một kinh nghiệm quan trọng trên cơ sở hiểu rõ đặc tính của loài ong ruồi - loại ong cho mật có chất lượng tốt nhất.

Nhờ vào các dấu hiệu riêng trên những hòn đá, đến mùa, đàn ong sẽ tự tìm về tổ như tìm về chính ngôi nhà mình. Anh Hồ Văn Thước (thôn 6, xã Phước Lộc) cho biết: Mỗi hộ gia đình trong thôn thường có từ 20 đến 30 bọng ong. Trong đó, riêng hộ gia đình ông Hồ Văn Yên có đến gần 80 bọng. Cả thôn hiện có đến hơn 500 bọng ong. Trung bình mỗi bọng cho từ 2 đến 7 lít mật ong trong một mùa. Bọng ong được coi như tài sản riêng của từng hộ gia đình trong ngôi nhà chung là khu rừng già này. Tuy ở trong rừng nhưng bọng ong của ai người đó thu hoạch chứ không lấy trộm lẫn nhau.

Như một quy luật tất yếu, cứ năm nào hoa rừng nhiều thì năm đó mật ong sẽ được mùa và chất lượng mật cũng tốt hơn. Vì lẽ đó nên người dân ở thôn 6, Phước Lộc luôn trân trọng từng bông hoa và gần như không bao giờ tác động đến cây rừng. Bởi với họ, bảo vệ rừng là bảo vệ chất lượng cho các bọng mật, bảo vệ nguồn sống cho cả bản làng...

Ở huyện miền núi Phước Sơn, mọi người khi có nhu cầu thường tìm cho được mật ong Phước Lộc. Vì theo họ, đây là loại mật có chất lượng cao, thơm nồng và ngọt đậm. Điều đó đã tạo nên thương hiệu riêng nơi miền sơn cước này.

Ong đang làm mật trong bọng cây.

"Trong khi những nơi khác, mật ong chỉ dao động từ 200 đến 300.000 đồng/1 lít. Nhưng đối với mật ong thôn 6, nếu đem xuống đến trung tâm xã bán với giá đến 500 đến 600.000 đồng/1 lít. Ước tính sản lượng mật ong trong thôn thu hoạch được hàng năm lên đến hơn 1.000 lít. Chỉ tính riêng mùa mật năm 2013, cả thôn thu hoạch được hơn 900 lít, nhưng chỉ bán được khoảng 300 lít. Vì giao thông đi lại khó khăn nên đầu ra cho những giọt mật quý giá này còn rất hạn chế. Lượng mật tiêu thụ được cũng chủ yếu là bán cho cán bộ xã dùng cho việc biếu tặng. Và khi lượng mật ong dư ra nhiều như vậy thì việc người dân dùng mật ong thay đường là câu chuyện có thật ở đây", ông Lưu Huyền Thoại cho biết.

Được thiên nhiên ưu đãi, với bản chất thật thà, ham lao động, biết phát huy nghề truyền thống độc đáo của nghề ong bọng là những tiền đề thuận lợi để bà con thôn 6, xã Phước Lộc vươn lên làm giàu. Nhưng giao thông cách trở nên xây dựng thương hiệu cũng như tìm đầu ra cho những giọt mật ong quý hiếm này đang được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.

B.Bình-T.Phạm